00:00 Số lượt truy cập: 2663167

Định hướng phát triển cây Mắc ca tại Việt Nam 

Được đăng : 29/09/2020

Hội nghị "Kết quả phát triển cây Mắc ca tại Việt Nam thời gian qua; định hướng và giải pháp phát triển trong thời gian tới" vừa được tổ chức vào ngày 29/9, tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đắc Lắc Bùi Văn Cường, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam Dương Công Minh, cùng với sự có mặt của cộng đồng các doanh nghiệp, hộ gia đình tiêu biểu về trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm Mắc ca.

Hiện nay cả nước có 23 tỉnh đã trồng cây Mắc ca, với diện tích 16.554 ha. Trong đó, 9 tỉnh ở 2 vùng Tây Bắc và Tây Nguyên trồng được 15.440 ha, tăng 55% diện tích so với quy hoạch; 14 tỉnh khác chưa có trong quy hoạch đã trồng được 1.114 ha. Về sản lượng, năm 2020 các tỉnh dự kiến thu hoạch 6.570 tấn hạt tươi, tăng gần 24,5 lần so với năm 2015 (269 tấn). Với giá bán sản phẩm dạng hạt sấy khoảng 200 triệu đồng/tấn như hiện nay, ước tính 3.942 tấn hạt sấy sẽ mang lại giá trị là 788 tỷ đồng (trong đó khoảng 60% xuất khẩu, còn lại phục vụ tiêu dùng trong nước). Đến nay, sản phẩm Mắc ca đã xuất khẩu với sản lượng trên 2,4 nghìn tấn sản phẩm sấy/ năm tới thị trường các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, Pháp,...

Mắc ca là cây lâm nghiệp, đồng thời là cây đa dụng, có tiềm năng sinh trưởng tốt, hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường cao, có thể phát triển tập trung quy mô hàng hóa lớn, góp phần nâng tỷ lệ che phủ của rừng, bảo vệ môi trưởng sinh thái, góp phần nâng cao đời  sống cho đồng bào. Cây mắc ca có thể trồng tập trung trong các vườn rừng, vườn nhà hoặc trồng xen canh trong nương rẫy với các cây ăn quả, cây công nghiệp khác, đem lại hiệu quả kinh tế.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển cây Mắc ca cũng gặp không ít những khó khăn như điều kiện, thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp; người dân, doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm trong phát triển cây Mắc ca; ngân sách của nhà nước còn giới hạn, chưa hỗ trợ được nhiều cho doanh nghiệp, người dân trồng, chế biến Mắc ca,…

pa-3

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, mục tiêu đặt ra là phát triển bền vững cây Mắc ca vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và các vùng, tỉnh có điều kiện khí hậu, đất đai tương tự đảm bảo hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường. Nâng cao năng suất, chất lượng cây Mắc ca thông qua nghiên cứu, chọn tạo giống mới, áp dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp, hình thành vùng trồng tập trung đáp ứng nguyên liệu cho chế biến. Hình thành hệ thống cơ sở chế biến từng bước hiện đại, gắn  với phát triển nguồn nguyên liệu, để sản xuất các sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Định hướng trong thời gian tới, cần tiếp tục phát triển cây Mắc ca là cây trồng trong 20 loài cây trồng rừng chính, tăng diện tích vùng trồng tập trung, từ đó xây dựng thành một ngành hàng mới của nông nghiệp Việt Nam, phấn đấu đến 2030 đạt doanh thu 1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 600 triệu USD.

 

Tiến Phát