00:00 Số lượt truy cập: 2637583

Hội viên nông dân sáng chế hàng loạt máy nông cụ 

Được đăng : 20/10/2020
Xuất thân từ giai cấp nông dân, Hoàng Thanh Liêm, Hội viên nông dân xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ thấu hiểu sự vất vả của những người nông dân một nắng hai sương. Từ nhỏ ông đã mơ ước tìm ra giải pháp, chế tạo ra những chiếc máy để giúp đỡ những nông dân, nên ông đã quyết tâm thi đậu vào Khoa cơ khí, trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Thủ Đức, năm 1987 sau khi tốt nghiệp ra trường ông về dạy tại trường Công nhân kỹ thuật tỉnh Hậu Giang.

 

anh12

                                        Ông Liêm giới thiệu sản phẩm chày tỉa hạt

Vào thời điểm đó, ở nước ta cơ giới hóa trong nông nghiệp chưa nhiều, đa số nông dân vẫn còn sử dụng sức lao động của con người để sản xuất. Trước sự vất vả, khó nhọc của người nông dân và với chút
 kiến thức về ngành cơ khí học được từ trong sách vở, ông nảy ra ý tưởng sẽ nghiên cứu để chế tạo ra các loại máy móc đưa vào trong sản xuất nông nghiệp, giúp cho người nông dân giảm bớt công lao động và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Từ đó, ông bắt đầu nghiên cứu, sáng chế các loại máy móc nông nghiệp.
Sản phẩm của ông Liêm cải tiến, chế tạo ra vừa làm vừa thử, thấy chưa hợp lý thì lại tiếp tục nghiên cứu, cải tiến sao cho phù hợp. Ví dụ như ngay từ sản phẩm đầu tiên, với chiêc máy tra hạt, ông sử dụng ống có đường kính 42mm, bà con nông dân trong khi vận hành có nhiều khó khăn nên đã cải tiến lại ống 34mm, bà con cầm nắm vừa tay và thao tác dễ dàng hơn, bầu đựng hạt của dụng cụ tra hạt to hơn phiên bản ban đầu để chứa nhiều hạt hơn, mũi của dụng cụ được cải tiến bằng việc gắn thêm mức chặn độ sâu khi thao tác, giúp hạt được tra ở độ sâu đều nhau, giúp cho hạt nẩy mầm tốt hơn. Hay đối với máy xúc lúa vô bao, lần đầu tiên trình diễn là loại máy hoàn toàn dùng sức lao động để đẩy nên chưa đáp ứng được nhu cầu, ông đã cải thiết bằng cách gắn động cơ vào để giảm sức lao động của con người nên được đông đảo nông dân tín nhiệm và sử dụng.
Sản phẩm được nhiều bà con nông dân trong và ngoài tỉnh tiếp nhận, là động lực cho việc tiếp tục nghiên cứu, tiếp tục chế tạo, tiếp tục cải tiến và cho ra đời hàng loạt sáng chế sau này của ông Liêm. Tính từ năm 2004 đến nay ông Liêm đã được cấp 02 bằng độc quyền sáng chế; 04 thông báo chấp nhận đơn sáng chế hợp lệ có 18 sáng chế cho ra nhiều giải pháp thực tiễn đi vào phục vụ canh tác nông nghiệp: lò sấy lúa lưới rằn; dụng cụ tra hạt; máy xúc lúa và nông sản vào bao; máy phun xịt thuốc; máy diệt bướm và sâu rầy; máy vét bùn mini đa dụng; máy trồng khoai lang dây; máy sạ lúa bụi  thay máy cấy; máy thu hoạch rơm rạ cải tiến từ máy xới tay; máy cấy lúa ruộng nước và một số loại máy khác.
Với nhiều nghiên cứu và sáng chế hữu ích nên ông được công nhận danh hiệu “Nhà sáng chế Việt Nam”. Nhiều hộ nông dân Tp. Cần Thơ và Đồng bằng Sông Cửu Long tin tưởng và yêu cầu ông gia công nhiều loại máy móc phục vụ nông nghiệp. Hiện nay, nhiều giải pháp, sáng chế của ông Liêm đã có thành phẩm hàng hóa phục vụ theo đơn đặt hàng của nông dân Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Ông đang cung cấp máy cắt đuôi ốc len cho nông dân tỉnh Quảng Bình; máy bó đọt dứa (kéo dài thời gian ra hoa, tạo trái nghịch mùa) và máy trồng dứa cho nông dân tỉnh Thanh Hóa.
Hiện tại, ông đang tiếp tục nghiên cứu, nhân rộng tạo thành dòng sản phẩm 4.0; Nhờ vào cách làm hiệu quả này, ông đã tạo việc làm thường xuyên cho 07 lao động, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ.
Bản thân ông luôn thực hiện tốt nghĩa vụ với địa phương; thường xuyên vận động hội viên, nông dân và gia đình tham gia đóng góp cho địa phương về cơ sở vật chất và kinh phí để thực hiện làm đường giao thông nông thôn, gia cố đê bao, cống bọng; ủng hộ kinh phí và tập vở cho quỹ khuyến học, quỹ phòng chống lụt bão; hỗ trợ tiền quà tết cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách, hộ gặp hoàn cảnh khó khăn ở địa phương với nguồn kinh phí từ 110 đến 130 triệu đồng/năm.
Ông cùng với các cấp Hội đã tuyên truyền vận động các hộ xung quanh và hội viên nông dân phát hoang, dọn dẹp cảnh quan, vệ sinh môi trường sáng, xanh, sạch đẹp, các chỉ tiêu về xây dựng gia đình vãn hóa góp phần xây dựng nông thôn mới tại đại phương. Thường xuyên vận động người thân và quần chúng nhân dân không xây dựng nhà, công trình không phép, sai phép, không bỏ đất hoang, vườn tạp, thực hiện mô hình 4 không trên địa bàn dân cư; vận động xã hội hóa giao thông nông thôn; vận động đóng góp Quỹ Hỗ trợ nông dân, số tiền từ 10 đến 15 triệu đồng.
Với những thành tích đạt được, nhiều năm liền ông được công nhận danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi và đã được nhận danh hiệu Nhà sáng chế Việt Nam cùng với hàng loạt các giải thưởng. Và vinh dự gần đây nhất đối với ông Liêm là được tham dự Đại hội thi đua yêu nước lần thứ V do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức nhân dịp kỷ niệm 90 nă ngày thành lập Hội(1930-2020)

 

Anh Tuấn