00:00 Số lượt truy cập: 2669971

Kinh nghiệm kết nối cung cầu nông sản Sơn La 

Được đăng : 05/07/2021

 son-la-1
Lãnh đạo UBND tỉnh; Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tại buổi tọa đàm

Ngày 2/7, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp cùng Truyền hình Quốc hội Việt Nam và UBND tỉnh Sơn La tổ chức tọa đàm trực tuyến “Diễn đàn nông nghiệp 4.0” với chủ đề “Kết nối cung cầu - Nâng tầm nông sản”.
            Tham dự Tọa đàm, tại đầu cầu Hà Nội có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn ông Trần Thanh Nam; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bà Đoàn Thị Thanh Mai; Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia ông Lê Quốc Thanh; đại diện Sàn thương mại điện tử Viettel ông Trần Trung Kiên. Tại đầu cầu Sơn La có ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La; ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, bà Đỗ Thị Bích Châu, Phó Giám đốc Sở Công Thương, bà Cầm Thị Khay, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn và đại diện một số đơn vị, các hợp tác xã, doanh nghiệp tiêu thụ nông sản.

Sơn La là tỉnh từng gặp nhiều khó khăn trong phát triển nông nghiệp. Sau khi thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả trên đất dốc, địa phương hiện có diện tích cây ăn quả lớn nhất miền Bắc và đứng thứ hai cả nước và được đánh giá là một điểm sáng trong xuất khẩu nông sản đối với các tỉnh Tây Bắc. Chia sẻ về những kinh nghiệm của địa phương trong hoạt động tiêu thụ nông sản, nhất là tại thời điểm dịch Covid 19 đang diễn biến hết sức phức tạp, Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết: Thời gian qua, tỉnh Sơn La đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong tiêu thụ nông sản. Thứ nhất là sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh Uỷ. Thứ hai, là định hướng thị trường tiêu thụ quốc tế, trong đó tập trung xuất khẩu sang Trung Quốc để kích cầu tiêu thụ và sản xuất trong nước. Thứ 3, là kết hợp tất cả các hệ thống siêu thị trong nước để tiêu thụ. Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La cũng đã xây dựng phương án tiêu thụ 100 nghìn tấn nhãn trong điều kiện dịch Covid-19 phức tạp. Hỗ trợ các cơ sở chế biến long nhãn; trong đó, chú trọng xây dựng 600 cơ sở chế biến và đưa 50 nghìn tấn vào chế biến long nhãn. Còn lại tiêu thụ qua chợ đầu mối, siêu thị, kênh thương mại điện tử và thị trường xuất khẩu. Sơn La đã thực hiện sơ chế, chế biến ra các sản phẩm mận sấy dẻo, xoài sấy dẻo, nhãn sấy khô… Đó là những cách làm cụ thể trong điều kiện dịch Covid-19. Và, Sơn La quyết tâm tiêu thụ hết sản lượng cây ăn quả dự kiến là 430 nghìn tấn trong năm 2021.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, thời gian qua Bộ đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có sản lượng nông sản lớn đến mùa vụ cần tiêu thụ để xây dựng kế hoạch xuất khẩu, tiêu thụ nông sản. Bên cạnh đó, tập trung xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng, theo lợi thế của từng địa phương; đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua thương mại điện tử; phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ rào cản ở các nước để tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản. Bộ đã chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất, tiêu thụ gắn với địa điểm tiêu thụ và các tập đoàn bán lẻ, qua đó có một sản lượng nông sản mùa vụ tương đối thì sẽ giải quyết được vấn đề ứ đọng nông sản.

Trong bối cảnh Covid-19 như hiện nay, việc tiêu thụ qua các kênh truyền thống như chợ, siêu thị gặp  nhiều khó khăn. Một hình thức tiêu thụ mới được triển khai, đó là các sàn thương mại điện tử. Từ phương thức này đã cho thấy những cách làm mới, tích cực và khả quan trong bối cảnh dịch bệnh. Ông Trần Trung Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thương mại điện tử Bưu chính Viettel chia sẻ, để tháo gỡ cho bà con nông dân, cũng như các địa phương trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, đơn vị tiếp tục có kế hoạch làm việc với một số địa phương có sản lượng nông sản lớn như: Sơn La, Hải Dương để đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử. Đồng thời, thông qua các kho bảo quản lạnh, đơn vị sẽ thực quy trình vận chuyển sản phẩm nông sản một cánh nhanh chóng, đảm bảo chất lượng nhất từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng                                                                                       

Trong khuôn khổ của buổi tọa đàm, các khách mời đã thảo luận về những thuận lợi, khó khăn và giải pháp để thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Các đại biểu đã đưa ra những giải pháp đồng bộ từ tiêu thụ trong nước đến xuất khẩu, cần tập trung vào chế biến sâu đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Cần sản xuất theo đơn hàng, không chạy theo số lượng sản phẩm, tránh ùn ứ. Kéo dài rải vụ các sản phẩm, giảm áp lực thời vụ và giảm áp lực giá, tạo giá trị cho sản phẩm. Cần tăng cường liên kết 6 nhà: Nhà nước, nhà nông, doanh nghiệp, ngân hàng, nhà khoa học, nhà phân phối để phát huy nội lực từng nhà, tạo ra những vùng nông sản chất lượng cao, tăng giá trị kinh tế cho nông sản quốc gia.


Phương Anh