00:00 Số lượt truy cập: 2896612

Kỹ sư "chân đất" chế tạo hàng loạt máy nông cụ từ động cơ xe máy hỏng 

Được đăng : 07/08/2024
Sinh ra trong gia đình thuần nông đông anh em, nên khi chỉ mới học hết lớp 5, lão nông Vũ Văn Dung (sinh năm 1964, xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) đã phải nghỉ học ở nhà để phụ giúp cha mẹ công việc đồng ruộng. Lớn lên, từng trải qua nhiều nghề kiếm sống rồi ông gắn bó với nghề sửa xe máy, ông cho rằng nó như cái duyên vận vào người vậy.

 

 

anh12345

Hàng loạt máy nông cụ hữu ích được ông Dung chế tạo từ các bộ phận của động cơ xe máy hỏng

 

“Trước đây, tôi mưu sinh bằng nghề sửa chữa xe máy. Năm 2005, trong một lần tình cờ ra đồng ruộng, thấy nông dân lội dưới bùn lầy để vác, kéo... từng bó lúa lên bờ mà thương. Về đến nhà, tôi suy nghĩ, trăn trở phải làm gì đó giúp bà con tăng năng suất lao động, tiết kiệm sức người trong khi thu hoạch lúa. Nghĩ là làm, tôi tận dụng sử dụng động cơ của xe máy cũ chế thành chiếc máy kéo lúa. Khi đem ra đồng thực nghiệm, máy kéo lúa thấy hiệu quả hơn ngoài sức mong đợi, bà con phấn khởi, tôi cũng thấy vui theo”, ông Dung tâm sự.

Bén duyên với chiếc máy tời lúa đầu tiên, tuy nhiên thời gian này ông Dung gặp không ít khó khăn. Từ ý tưởng đến việc chế tạo, tháo đi lắp lại nhiều lần, thay đổi nhiều chi tiết khiến ông mất rất nhiều công sức và cả tiền bạc mà máy vẫn chưa hoạt động được như mong đợi. Nhiều người khuyên can ông nên từ bỏ ý định “gàn dở”,  nên tập trung vào việc sửa chữa xe máy “cho nó lành”.

Tuy nhiên, khi đã quyết tâm thì không ai có thể ngăn cản được. Để có được thành công ban đầu với chiếc máy tời lúa và sau này là hàng loạt những chiếc máy nông nghiệp đa năng như máy phát điện, máy cấy lúa không động cơ, máy cày đa năng, máy bơm nước, máy phay..., ông Dung đã lặn lội đến nhiều nơi tìm hiểu đặc điểm địa hình, lao động của nông dân, tiếp cận được chi tiết của quá trình vận hành, xử lý máy móc trong những điều kiện cụ thể. Bên cạnh đó, ông còn đến tận các xưởng cơ khí ở trong, ngoài tỉnh để học hỏi, tìm gặp những người đi trước trong lĩnh vực chế tạo máy móc nông nghiệp để nắm bắt thị trường, đọc thêm kiến thức trên sách báo, internet...

“Chính bà con nông dân đã đưa ra những bài toán, những tình huống, những thao tác của công việc khác nhau để tôi lên ý tưởng nghiên cứu, cải tiến máy móc. Ví dụ như trồng cây bưởi, cuối năm bà con sẽ phải dùng cuốc, xẻng để xẻ rãnh xung quanh gốc cây, ép xanh, chặt rễ để mùa sau cây ra trái ngon hơn. Tôi phải tính toán làm thế nào để chiếc máy nông nghiệp của mình chạy vòng quanh gốc cây, vừa chặt được rễ, vừa tạo thành bồn, rãnh; lưỡi dao của máy phải chạy theo hướng nào, tốc độ bao nhiêu. Đối với ruộng triền dốc bậc thang, người không thể đi theo điều khiển chiếc máy nông nghiệp, phải nghĩ cách thiết kế máy như thế nào để máy tự đi, máy không bị lật, không bị trôi....”, ông Dung tâm sự.

Dấn thân vào lính vực máy nông nghiệp, sau sản phẩm đầu tay là máy kéo lúa, ông Dung tiếp tục mày mò, sáng chế ra nhiều loại máy khác từ động cơ xe máy cũ như: Máy phát điện, máy bơm nước, máy tời… sau này là chiếc máy cày đa chức năng.

Để có được nguồn nguyên liệu dồi dào phong phú phục vụ cho công việc chế tạo, ông Dung thu mua các loại xe máy cũ hỏng, các loại động cơ “đồng nát” phục vụ cho công việc tái chế ra các loại máy nông nghiệp phục vụ cho bà con nông dân. Với ông Dung, các bộ phận xe máy cũ nếu bán sắt vụn thì không đáng giá gì, nhưng khi chế lại để dùng cho việc khác lại rất bền. Vì thế, các sản phẩm ông làm ra từ xe máy hư luôn có độ bền đẹp và độ chính xác rất cao. Được người dân tin tưởng sử dụng bởi máy dùng ít nhiên liệu, giá thành rẻ,… phụ tùng thay thế luôn có sẵn nên được mọi người ưa chuộng.

Điều tâm đắc nhất của ông Dung là sáng chế ra chiếc máy cấy lúa không động cơ với nhiều ưu việt như: Giảm chi phí công sức, hàng lúa đều, đẹp; lúa phát triển tốt, dễ chăm sóc, khi thu hoạch cho năng suất cao.

Được biết, nguyên liệu chính để sản xuất ra máy cấy được ông Dung tận dụng từ những bộ phận của xe máy đã hỏng, dễ sửa chữa, thay thế, máy có trọng lượng từ 23 - 25kg, vận hành dễ dàng, sử dụng được trên nhiều loại hình đồng đất với công suất khoảng 1 sào/giờ ruộng cấy. Điều đáng nói là chiếc máy cấy lúa không động cơ được ông Dung sáng chế có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với các loại máy cấy đang sử dụng trên thị trường, đó là nguyên liệu dễ kiếm, quá trình sản xuất nhanh, kích cỡ nhỏ gọn và nguyên lý vận hành đơn giản hơn. Đến nay, ông Dung đã xuất xưởng lên đến hơn 1.000 chiếc, có thời điểm một ngày ông bán cả chục cái máy với giá 3 triệu đồng/cái.

Hiện tại, ông Dung đang dạy nghề đồng thời tạo công việc cho 3 lao động với mức lương 4 triệu đồng/người. Mỗi năm doanh thu mà xưởng cơ khí Tiến Dung thu về 400 triệu đồng/năm.

Sản phẩm máy cấy không động cơ của ông Dung đã đạt giải thưởng tại hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Ninh Bình lần thứ VIII; được Bộ trưởng NN&PTNT tặng Bằng khen vì đã góp phần vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam; Chiếc máy cày đa chức năng của ông từngđạt giải thưởng Khuyến tài - Nhân tài Đất Việt ; Bản thân ông Dung đã từng được tôn vinh là một trong những nông dân có sáng chế, sáng kiến nông nghiệp.

Ánh Dương