00:00 Số lượt truy cập: 2668568

Nghệ nhân dệt tơ sen thành lụa 

Được đăng : 08/05/2020

sen-3

Đâu đó trên đất nước ta, đã có ai đó từng có ý tưởng lấy những sợi tơ từ cọng sen, bông súng để dệt thành những tấm lụa. Nhưng nghĩ và làm ngay thì chỉ có bà, bà là người đầu tiên ở Việt Nam tạo ra những tấm lụa tơ sen đầu tiên từ những thứ tưởng chừng như bỏ đi.

Nhắc đến bà Phan Thị Thuận (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội), lão nông dân “bắt tằm tự dệt lụa” thì nhiều người đã quá quen thuộc. Nhiều người đã may mắn được đến thăm cơ sở dệt lụa của bà, được sử dụng sản phẩm được làm từ những tấm lụa do các “công nhân tằm” dệt thì càng không thể quên được hình ảnh bà Thuận dùng que lùa tằm nhả tơ như thế nào. Nhưng điều tôi muốn nói đến ở đây là sản phẩm lụa tơ sen, một sản phẩm độc đáo và tinh tế, bà Thuận là người đầu tiên ở Việt Nam thành công với sản phẩm này.

Bao năm gắn bó với con tằm, ý tưởng cho tằm tự dệt những tấm lụa càng thôi thúc trong bà những sáng kiến, những thử thách mới mà bà muốn chinh phục. Nhận thấy không chỉ có con tằm là có tơ, trong thiên nhiên cũng rất nhiều loài cho tơ như côn trùng, tơ nhện, tơ thực vật từ cọng các loài sen, loài súng… và điều quan trọng là làm thế nào để lấy và sử dụng được nhũng sợi tơ đó thay cho tơ tằm để có những sản phẩm độc đáo và mới lạ. Bà đã chọn tơ sen, vì đây là loài cây có rất nhiều tơ trong cọng của lá và bông sen, nguồn nguyên liệu này được coi là phế phẩm khi người trồng sen chỉ lấy bông sen, lá sen, củ sen và hạt sen.

Bà Thuận cho biết, công đoạn mất nhiều công sức và thơi gian nhất là công đoạn rút tơ từ những cọng sen. Công đoạn đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ và sự kiên nhẫn của người công nhân. Để làm sợi, đầu tiên phải rút tơ từ những cọng sen. Nếu chọn cọng non để lấy tơ thì dễ nhưng nếu mất nó cây sen sẽ không ra hoa ra hạt vì thế mà bà Thuận chọn cọng đủ già, chọn cây sen trồng ở vùng nước sâu để cọng đủ dài cho nhiều sợi. Cọng sen khi hái về được cắt bỏ lá, người thợ sẽ khéo léo dùng dao cắt nhẹ một đường nông vòng quanh cọng. Sau đó dùng tay bẻ rồi kéo rời từ từ để rút tơ. Để làm ra một sợi có kích thước đủ lớn để có thể đưa vào khung dệt ngay, bà Thuận không rút tơ ở từng cọng mà rút 4 - 5 cọng cùng lúc. Sau khi tơ được tách khỏi cọng, người thợ sẽ miết chúng ngay trên mặt bàn ướt tạo thành sợi. Cứ thế việc này lặp đi lặp lại, những sợi nguyên liệu được nối dài. Thông thường để tạo ra 250g sợi đủ dệt được một chiếc khăn sen có kích thước thông thường, một người sẽ mất khoảng hơn 10 ngày để rút tơ từ gần 3.000 cọng sen. Sợi sen được đưa vào khung dệt lụa tằm truyền thống để tạo ra sản phẩm. Nhưng sợi này cũng rất khác, mong manh hơn hẳn tơ tằm, người thợ dệt Phùng Xá lâu năm này lại mày mò chỉnh khung dệt lại cho phù hợp, dệt đi dệt lại hàng tháng trời mới thành.

Cầm trên tay những tấm lụa sen vừa bông vừa nhẹ lại thơm mùi tự nhiên được làm ra từ cọng lá, cọng hoa sen, bà Thuận vẫn còn chút trăn trở “những sản phẩm làm từ lụa tơ sen sẽ rất đắt do mất nhiều công sức để tạo ra một sản phẩm”. Bà luôn mong muốn phát triển hơn nữa công nghệ này ở nhiều nơi trên khắp đất nước, vẫn còn nhiều cọng sen còn bị vứt bỏ khắp nơi trên đồng ruộng hồ đầm. Bà muốn sản phẩm được làm từ lụa tơ sen của làng dệt nhà bà, của các làng nghề dệt khác sẽ đi được đến năm châu bốn bể, góp phần quảng bá hình ảnh thân thiện của Việt Nam đến với thế giới, nhân loại.

`Anh Tuấn