00:00 Số lượt truy cập: 2662205

Nhà khoa học của nhà nông đạt giải Nhì Cuộc thi "Sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc" năm 2022 

Được đăng : 13/12/2022
Đam mê cơ khí và máy móc từ thời còn học phổ thông. Để thực hiện niềm đam mê đó, ông Lê Thanh Trị(sinh năm 1957), Giám đốc Công ty TNHH Khoa học và công nghệ Thanh Trị (Liên Nghĩa, Đức Trọng, Lâm Đồng) từng theo học Trường Trung học Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ, sau đó là Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, nhưng rồi đều bỏ dở công việc học tập.

anh-bac-tri

Nhà khoa học của nhà nông năm 2019 Lê Thanh Trị tiếp tục nhận giải nhì Cuộc thi "Sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc" lần thứ 9

  

Mặc dù không thực hiện được ước mơ trở thành người thợ cơ khí hay kỹ sư bách khoa, nhưng niềm đam mê chế tạo thì luôn ở lại trong ông. Khoảng 2 năm sau ngày rời trường, ông nghiên cứu thành công máy nén khí CO2 để bán cho các công ty nước giải khát. Với thành công này, ông đã được mời làm tại một số đơn vị, xí nghiệp của TP Hồ Chí Minh và Bến Tre - quê hương ông.

Năm 2010, vợ con ông sang Úc để định cư, còn ông ở lại Việt Nam một mình với nỗi buồn riêng. Rồi ông quyết định lên huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng làm thuê cho công ty thực phẩm của một người bạn. Làm được một thời gian thì ông xin nghỉ việc để có thời gian thực hiện đam mê của mình.

Thời gian này, ông lang thang các vườn ươm trên địa bàn huyện. Và cũng chính trong khoảng thời gian đó, ông luôn đau đáu với suy nghĩ “Tại xứ sở nổi tiếng là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhưng lại tồn tại một nghịch lý là người nông dân lại gieo hạt bằng tay!”. Từ đó, bằng kiến thức và khả năng của mình, ông Lê Thanh Trị quyết tâm nghiên cứu máy gieo hạt trên khay, để giúp cho người nông dân tự động hóa vườn ươm. Nghĩ là làm, ông đã dành thời gian, công sức chế tạo được chiếc máy gieo hạt này, với mong muốn chia sẻ phần nào sự khó nhọc của người nông dân. Và sau 2 lần thất bại, cộng với số tiền ít ỏi để dành cũng cạn kiệt, ông lại được một người bạn cho mượn 40 triệu đồng để tiếp tục nghiên cứu. Khi số tiền chi cho việc nghiên cứu sáng tạo vơi đi một nửa cũng là lúc ông thành công với máy gieo hạt. 

Năm 2012, chiếc máy gieo hạt của ông giúp cho đạt giải nhất “Nhà sáng chế” do VTV2 tổ chức. Cũng trong năm đó, máy gieo hạt của ông Lê Thanh trị được xuất khẩu sang Malaysia, rồi sau này là Thái Lan, Singapore. Đến nay, riêng máy gieo hạt, ông đã cung cấp ra thị trường trên dưới 400 cái, trung bình 40 triệu đồng 1 cái, bằng 1/4 so với các máy gieo hạt nhập khẩu trên thị trường (8.000 USD). Ưu điểm nổi bật của các sản phẩm công ty ông đó chính là giá thành rẻ, khắc phục được những hạn chế trong quá trình sản xuất, đồng thời phù hợp với điều kiện và tập quán canh tác của người dân địa phương.

Thành công từ máy gieo hạt tạo nguồn lực to lớn để ông có điều kiện ra đời hàng loạt giải pháp, sáng chế, cải tiến các loại máy móc phục vụ trong sản xuất nông nghiệp. Chỉ trong vòng 14 năm ông đã trực tiếp sáng chế, chế tạo ra khoảng hơn 40 giải pháp: Máy ươm cây, đóng bầu, gieo hạt; Các loại máy chế biến, sơ chế rau củ quả(Mắc ca, rau, khoai, củ cải…); Hệ thống máy phục vụ sản xuất phân bón hữu cơ, vi sinh; và một số dây chuyền rô bốt tự động hóa trong sản xuất, sơ chế biến trong nông nghiệp.

Nói đến giải thưởng, vinh danh ông chỉ cho tôi thấy hàng chục chiếc bằng khen, giấy khen treo kín trên bức tường gian chính giữa, bên dưới là chếc giá 2 tầng cũng hàng chục chiếc cúp, biểu trưng gần đó là những tấm hình chụp với các lãnh đạo Đảng và nước đứng tham quan các giải pháp của ông.

Gần đây nhất là năm 2019, ông được vinh danh “Nhà khoa học của nhà nông”. Tháng 12 vừa qua ông đạt giải nhì Cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc” lần thứ 9 năm 2022 với giải pháp “Máy tách nước vỏ cà phê tươi” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức và bình chọn. Đây là giải pháp rất hữu ích, tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất phân bón vi sinh đồng thời giúp cho việc bảo vệ môi trường.

Ánh Dương