00:00 Số lượt truy cập: 2660148

“Nhà sáng chế” của nông dân 

Được đăng : 09/07/2020
Chưa từng học qua lớp đào tạo về chế tạo cơ khí, chế tạo máy móc, chỉ với niềm đam mê, tự mày mò, tự tìm hiểu mà ông đã cho ra hàng loạt các máy canh tác chè, máy bón phân, gieo hạt, thu hoạch mía, sắn.. với nhiều cải tiến, kết hợp sáng chế thêm nhiều tính năng mà không phải ai cũng làm được

 

onghoan150346159056311503478266

Ông Hoàn với chiếc máy hút sâu chè

 
Nhắc đến ông Nguyễn Văn Hoàn ở xã Phú Lâm (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) với những chiếc máy gieo hạt 4 trong 1, máy hút sâu chè; máy bón phân tra hạt, máy bốc mía hay máy nhổ sắn…, thì hầu hết bà con làm nghề nông nói chung và trồng chè nói chung ở tỉnh Tuyên Quang đều biết đến. Dân địa phương gọi ông là “nhà sáng chế của nhà nông”.

Ông Hoàn cho biết, thời điểm năm 2005, nhu cầu chè sạch của thị trường khiến cho các hộ trông chè trong xã, huyện chuyển đổi hình thức canh tác sang chủ yếu là thủ công, không phun thuốc trừ sâu, việc bắt sâu chè thủ công bằng tay chiếm rất nhiều công lao động, lợi nhuận do đó bị giảm đáng kể. Bà con rất cần những chiếc máy có công năng bắt sâu, bón phân, thu hoạch.

Nghĩ được thì dễ, bắt tay vào làm thì vô cùng khó, thị trường thì không có cái loại máy nào là máy hút sâu để mà tham khảo, nghiên cứu. Tự mày mò, tự tháo ra, lắp vào không biết bao nhiêu chiếc máy thu hoạch chè mà gia đình ông và bà con đang sử dụng, nhiều khi nản ông còn định bỏ cuộc vì sản phẩm cải tiến không đạt hiệu quả như mong muốn. Nhưng cuối cùng, chiếc máy hút sâu chè của ông cũng hoàn thành, sau nhiều lần cải tiến, chỉnh sửa, chiếc máy đã cho công dụng ngoài mong đợi. Chiếc máy này không chỉ hút được các loại sâu hại như rầy xanh, bọ xít muỗi, sâu ăn lá… trên cây chè mà còn có thể áp dụng trong canh tác rau sạch.

Ông Hoàn cho biết, khi đã chế tạo thành công chiếc máy hút sâu chè đầu tiên, vì lo ngại vấn đề chưa đăng ký bản quyền nên ông tự vác máy đi hút sâu thuê cho bà con ở địa phương và các vùng lân cận. Nhưng rồi sau này, thấy nhu cầu của người dân là rất lớn nên ông đã tiến hành sản xuất hàng loạt để bán cho bà con trong xã và nhiều nơi.

Đã là đam mê thì con người ta không mấy khi từ bỏ, vừa canh tác 2ha chè của gia đình, vừa đem máy đi làm thuê cho bà con, ông vẫn tiếp tục mày mò cải tiến để chiếc máy hút sâu chè ngày càng hiệu quả hơn. Nhà ông giờ đây không khác gì một xưởng cơ khí, hàng chục chiếc máy canh tác chè các loại để khắp nơi, cái mới, cái cũ, cái thì tháo tung một đống thiết bị phụ tùng để khắp sân, vườn. Điển hình có cả chiếc máy cắt chè ông mua của Nhật Bản năm 2012 trị giá vài chục triệu đồng cũng bị ông mổ tung ra để nghiên cứu và cải tiến.

Thất bại mãi rồi cũng phải đến thành công, giờ đây ông Hoàn chế tạo, cải tiến, cho ra đời một loạt máy móc nông nghiệp khác để phục vụ sản xuất nông nghiệp như máy bón phân tra hạt, máy nhổ sắn, máy làm cỏ, máy khoan lỗ trồng cây, máy cấy lúa… trong đó đáng chú ý nhất là cải tiến thành công chiếc máy cắt chè. Điều đáng nói ở chỗ với cách hái thủ công bằng tay, một người hái chè có kinh nghiệm cũng chỉ hái được khoảng 50kg chè tươi/ngày, chiếc máy hái chè do ông cải tiến có thể thu hái được hơn 3 tấn chè tươi/ngày. Chiếc máy hái chè cải tiến không chỉ phục vụ người trồng chè ở Tuyên Quang mà đã có mặt ở nhiều nơi như Thái Nguyên, Yên Bái, Mộc Châu (Sơn La)…

Với chiêc máy gieo hạt 4 trong 1, ông Hoàn cho biết, máy có thể gieo được nhiều loại hạt với kích cỡ và số lượng khác nhau như ngô, đậu xanh, đậu nành, lạc... Đặc biệt máy giúp giảm nhân công, sức lao động trên một diện tích đất. Đối với những loại hạt có mật độ gieo trên 15cm như đậu nành, ngô thì 1 nhân công có thể gieo được 2 mẫu/ngày. Đối với loại hạt có mật độ gieo dưới 10cm như đậu xanh thì 1 nhân công có thể gieo được 1,5 mẫu/ngày.

Không chỉ say mê, sáng tạo trong chế tạo, cải tiến máy móc, ông Hoàn còn được biết đến là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh. Hiện nay, gia đình ông trồng hơn 2ha chè, 6ha keo, mía và cây ăn quả như cam, bưởi trên đất đồi… cho thu nhập trên 400 triệu đồng/năm

Với những phát minh sáng chế, cải tiến kỹ thuật, cho ra đời những chiếc máy nông cụ canh tác thay sức lao động thủ công, góp phần giảm thiểu sức lao động, tăng năng suất trong việc canh tác cây chè và một số cây nông nghiệp khác, ông Hoàn đã nhận được nhiều giải thưởng tại các cuộc thi nhà nông sáng tạo do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng hội viên nông dân xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước từ năm 2005 đến 2009; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho sáng chế “Lưỡi dao máy đốn chè hình chữ S”. Và ông thật xứng đáng với danh hiệu “nhà sáng chế của nông dân” do bà con nông dân yêu mến trao tặng.

Ánh Dương