00:00 Số lượt truy cập: 2845332

Nông dân sáng chế máy phun thuốc bảo vệ thực vật từ đồ thanh lý sắt vụn 

Được đăng : 27/07/2023
Là một nông dân thứ thiệt, sinh ra và lớn lên ở vùng đất giáp biên đầy khó khăn, từ nhỏ, Đoàn Văn Thành, sinh năm 1975, ngụ ấp Hiệp Bình, xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh đã gắn với ruộng đồng, nên bản thân anh hiểu rõ những vất vả của người nông dân, phải thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với rất nhiều với hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật độc hại, ảnh hưởng đến sức khoẻ.

148dup27820220716085236jpg165867854373916586785475892015725149

Anh Thành vận hành chiếc máy phun thuốc bảo vệ thực vật do mình tự sáng chế

 Tự học hỏi, tự mày mò cùng với trải nghiệm từ thực tế, sau hơn 2 năm miệt mài, qua nhiều lần thất bại, anh Thành đã chế tạo thành công chiếc máy phun thuốc bảo vệ thực vật có tính ứng dụng cao, giúp tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí trong quá trình sản xuất.

Ấn tượng của chiếc máy là 2 chiếc bánh lồng lớn, anh Thành cho biết với thiết kế như vậy máy sẽ hoạt động phù hợp trên nhiều loại địa hình, nhất là khi lội ruộng bùn sâu. Máy chạy bằng động cơ dầu của máy cày được anh mua từ hàng thanh lý. Các bộ phận phun xịt chính là bộ máy nén khí áp lực cao, dùng để hút dung dịch thuốc bảo vệ thực vật trong một bồn nước bằng nhựa có dung tích 500 lít cùng với hệ thống dây dẫn nối ra phía sau là hệ thống giàn phun thuốc. 

Dàn phun gồm 2 cần phun có chiều dài gần 20m, có thể điều chỉnh lên xuống theo chiều cao cây lúa, đồng thời, thích hợp với nhiều loại cây trồng lớn như mía, mì… Với chiếc máy này, mỗi héc-ta lúa, nông dân chỉ mất khoảng 10 phút để phun, trong khi phun thủ công phải mất tới 2-3 giờ.

Năm 2019, anh mua một xác máy xới đất cũ với giá gần 10 triệu đồng để lấy đầu máy và trục bánh, chế tạo máy phun thuốc. Tuy nhiên, khi đưa vào vận hành thực tế trên đồng ruộng, do máy yếu, trục bánh xe nhỏ nên liên tục hư hỏng, anh đành bỏ cả dàn, chỉ lấy lại bộ máy nén khí và hệ thống phun thuốc. Sau đó, anh tiếp tục đầu tư mua một máy cày Kubota 2201 cũ với giá 70 triệu đồng cũng chỉ để lấy máy và khung sườn chế tạo máy phun.

Cấu tạo máy rất đơn giản. thoạt nhìn như một chiếc máy cày mini, gồm một động cơ máy cày cũ, 1 bộ chuyển động, vô lăng, cần số, phía sau là một phi chứa nước dung tích 500 lít. Hai bên là 2 cánh tay phun thuốc, rộng mỗi bên 10m, cùng với hệ thống máy nén và béc phun.

Với sản phẩm đầu tiên khi đưa vào vận hành cho thấy hiệu quả rõ rệt, tuy nhiên, do tải trọng trục bánh chỉ 1,5 tấn, chưa đáp ứng tải trọng của xe, nên trong một lần cho xe leo qua bờ ruộng, trục bánh tiếp tục bị gãy. Rút kinh nghiệm, anh lại đầu tư mua bộ trục khác, tải trọng 2,5 tấn với giá hơn 20 triệu đồng để lắp ráp và đưa vào vận hành như hiện nay. Hiện máy hoạt động rất êm và trơn chu.

Anh đã sử dụng phun thuốc cho hơn 10 ha ruộng nhà và hàng trăm héc-ta lúa, mía, mì của các hộ xung quanh trong suốt vụ Đồng Xuân vừa qua, chiếc máy vẫn vận hành rất tốt. Hiện anh đang nghiên cứu, cải tiến, bổ sung thêm một số chi tiết giúp tăng công năng cho máy. Đồng thời, chế tạo thêm hệ thống rải phân và gieo giống để phát huy tối đa khả năng làm việc của máy móc, tiết kiệm thời gian và sức lao động.
Theo đánh giá của ông Trần Thanh Long - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoà Thạnh, anh Đoàn Văn Thành là một trong những hội viên gương mẫu của Hội Nông dân xã, từ những khó khăn ban đầu, anh Thành cùng với gia đình không ngừng nỗ lực vươn lên, thoát nghèo và làm giàu.

 

Trường Giang