00:00 Số lượt truy cập: 2662868

Sáng kiến cải tiến nuôi tu hài sọc vàng Cam Ranh cho hiệu quả kinh tế cao 

Được đăng : 09/02/2022

 

Tu hài là loài thủy sản được áp dụng nuôi thương phẩm từ lâu nay cho giá trị kinh tế cao. Với cách nuôi trước đây do sắp xếp rổ chưa thông thoáng, gây nên đọng bùn; cách cấy giống mất nhiều thời gian ảnh hưởng đến sức khỏe con giống;  thời vụ nuôi đến khi thu hoạch thường gặp phải mưa gây thiệt hại, tỷ lệ hao hụt cao, thường xảy ra nhiều dịch bệnh. Trăn trở với khó khăn của ngư dân trong việc nuôi tu hài, sau nhiều năm miệt mài tìm hiểu, nghiên cứu, anh Lê Hữu Ngạn ở xã Cam Thịnh Đông, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa tìm ra sáng kiến cải tiến “Kỹ thuật chọn giống và nuôi tu hài cho hiệu quả kinh tế cao”. 

Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại giống tu hài như: tu hài đỏ miền Bắc, tu hài trắng đỏ bẹt Phan Thiết, tu hài trắng đầu đen Cam Ranh, tu hài sọc vàng Cam Ranh... Trong đó, giống nuôi có hiệu quả nhất là tu hài sọc vàng Cam Ranh, loại giống này phát triển nhanh (mau lớn) rút ngắn được thời gian nuôi. Khi thu hoạch tránh được mùa mưa.

Kỹ thuật chọn giống và nuôi tu hài cho hiệu quả kinh tế cao:

Ương giống cấp 1: Vào tháng 10 (tháng 9 âm lịch), nên chọn tu hài bố mẹ để cho sinh sản. Chọn giống bố mẹ to khỏe đưa vào trại sinh sản. Sau 50 ngày đưa ra bè ương, cấy vào rổ nhựa hình chữ nhật có kích cỡ 40 x 30 x 15 cm (dài x rộng x chiều cao) được bọc lưới cước với kích cỡ 1 a x 1 mm; ương với mật độ khoảng 500 - 600 con/rổ. Thả xuống độ sâu cách mặt nước biển 0,8 - 1 m. Sau 45 ngày kiểm tra về kích cỡ, nếu được 2 - 2,5 cm thì xuất giống chuyển nuôi thương phẩm.

Nuôi thương phẩm: Chọn giống có kích cỡ 2 - 2,5 cm, tròn đều. Nuôi bằng rổ tròn được bọc lưới cước 2a - 1 mm, đường kính 40 cm, chiều cao 25 cm. Cho cát vào đầy rổ xếp thành hàng dài (hàng đơn, mỗi rổ một hàng), rổ cách rổ 10 cm, hàng cách hàng 30 cm.

Dùng ly thủy tinh đo lượng 30 con/ly và rải đều mỗi rổ 30 con, khoảng cách tương đối đều nhau, tu hài tự chui vào cát, khi rải giống thì lưu ý bảo quản đừng để các loại cá cắn phá khi tu hài chưa kịp chui vào cát (có thể thực hiện vào ban đêm tránh được các loài cá cắn phá). 

Sau 15 ngày cấy giống kiểm tra và làm vệ sinh trên mặt rổ, cứ cách khoảng 1 tháng kiểm tra lại nếu có bùn dơ bám trên mặt thì làm vệ sinh. Khi được 150 ngày sàng kiểm tra nếu đúng kích thước và trọng lượng khoảng 40 g/con thì xuất bán.

 bai-trinh1
Cách sắp xếp rổ nuôi thương phẩm (Ảnh do tác giả cung cấp)

Khi hộ nuôi áp dụng giải pháp này sẽ chọn được con giống tốt phù hợp với điều kiện môi trường; giảm được dịch bệnh (rổ xếp thưa); đạt được năng suất cao; rút ngắn thời gian nuôi; tránh được mưa lũ an toàn; tăng quy mô nuôi trồng; giảm chi phí nhân công cấy giống; đạt tiến độ mùa vụ; không sử dụng thuốc, hóa chất và chống ô nhiễm môi trường; đầu tư ít cho thu nhập cao. Với giá tu hài thương phẩm trên thị trường 200 -230 nghìn đồng/1kg, các hộ nông dân trung bình ở địa phương thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Để nhận thấy việc áp dụng nuôi tu hài theo phương pháp cải tiến kỹ thuật đạt kết quả cao, anh Ngạn đã đưa ra bảng so sánh cụ thể để đánh giá như sau:

Bảng 1: So sánh quy trình nuôi, nuôi cùng một thời điểm, địa điểm con giống

 

Cách nuôi

Giai đoạn

Hiệu quả

Ương giống
cấp 1 lên giống cấp 2

Nuôi thương phẩm

- Kỹ thuật đã áp dụng

- Mật độ từ 800 - 1.000 con/rổ.

- Độ sâu cách mặt nước 1,5 -2,5 m.

- Cách sắp xếp rổ dày đặc hơn.

- Cấy giống bằng que, cây chọc lỗ.

Mật độ thưa hơn giúp tu hài lớn nhanh hơn, ít xảy ra bệnh dịch.

- Kỹ thuật được cải tiến

- Mật độ từ 500 -600 con/rổ.

- Độ sâu cách mặt nước 0,8 - 1 m.

- Cách sắp xếp rổ thưa hơn.

- Rải con giống tự chui xuống cát. 

Thông thoáng, không đọng bùn, nhanh lớn. Giảm thời gian tối đa, giảm chi phí công, con giống tự chủ, khỏe mạnh hơn.

Bảng 2: So sánh các chỉ tiêu đạt được khi nuôi cùng trên một bè ương

Kỹ thuật đã áp dụng

Kỹ thuật được cải tiến

*  Giai đoạn ương giống:

- Lấy 10 vạn con giống ương với mật độ 1.000 con/rổ.

- Sau thời gian 45 ngày xuất giống cấp 2.

* Giai đoạn ương giống:

-  Lấy 10 vạn con giống ương với mật độ 500 con/rổ.

-  Sau thời gian 45 ngày xuất giống cấp 2. 

Thu hoạch:

- Bình quân 500 con/rổ. 

- Tổng thu 5 vạn giống cấp 2.

Thu hoạch:

- Bình quân 400 con/rổ. 

- Tổng thu 8 vạn giống cấp 2.

* Giai đoạn nuôi thương phẩm.

Lấy 5 vạn giống cấp 2 cấy vào 1.600 rổ (30 con/rổ).

* Giai đoạn nuôi thương phẩm:

Lấy 5 vạn giống cấp 2 cấy vào 1.600 rổ (30 con/rổ).

Lấy 2 rổ cặp với nhau xếp thành hàng dài, hàng cách hàng 40 cm.

Xếp rổ cách nhau 10 cm thành hàng dài, hàng cách hàng 30 cm.

Cấy từng con bằng cách dùng que cây chọc lỗ. 1 h cấy được 50 rổ, mất khoảng 32 h để cấy hết 1.600 rổ.

Cấy bằng cách rải để giống tự chui xuống cát. 1 h cấy 400 rổ, mất khoảng 4 h để cấy hết 1.600 rổ.

Thu hoạch:

Sau 150 ngày bình quân còn khoảng 26 con/rổ, trọng lượng khoảng 30 g/con.

26 con/rổ x 1.600 rổ x 30 gr = 1.248 kg

Thu hoạch:

Sau 150 ngày bình quân còn 28 con/rổ, trọng lượng khoảng 40 g/con.

28 con/rổ x 1.600 rổ x 40 gr = 1.792 kg

 

Qua bảng so sánh trên cho thấy kỹ thuật được cải tiến có nhiều ưu điểm hơn, tăng năng suất, quy mô tiềm năng phát triển, giảm thời gian, giảm chi phí nhân công lao động.

Giải pháp cải tiến kỹ thuật của anh đã được bà con nông dân địa phương áp dụng và đã mang lại hiệu quả cao vì vậy phương pháp này ngày càng được phổ biến trên diện rộng. Hiện nay, cả vùng biển miền Trung và miền Bắc cũng đang nuôi loại giống tu hài sọc vàng này. Giải pháp của anh đang được áp dụng tại Cam Ranh, Nha Trang, Ninh Hòa thuộc tỉnh Khánh Hòa và các vùng biển ở miền Bắc. Mong muốn của anh là được phổ biến kiến thức cho bà con nông dân nuôi trồng thuỷ sản ven biển phát huy thế mạnh của vùng duyên hải miền trung phát triển kinh tế biển góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.

 

                                                                                                               Tiến Trình