00:00 Số lượt truy cập: 2662214

Sử dụng phân hữu cơ vi sinh trồng rau màu mang lại hiệu quả bước đầu 

Được đăng : 17/12/2017
29 xã viên Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Phước Hòa (huyện Cần Đước, tỉnh Long An) được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) thuộc Sở KH&CN chọn thử nghiệm mô hình sử dụng phân hữu cơ vi sinh (HCVS) trên rau màu. Qua thử nghiệm, năng suất rau màu tăng từ 10-15% mỗi đợt thu hoạch.

 


 

Nông dân sử dụng phân hữu cơ vi sinh mang lại hiệu quả bước đầu về năng suất

Thay đổi dần tập quán canh tác

Mô hình được thực hiện từ đầu năm 2017 đến nay, đa số xã viên HTX Rau an toàn Phước Hòa đánh giá cao hiệu quả khi sử dụng phân HCVS trong quá trình sản xuất.

Đây là một trong những nội dung mở rộng ngoài Dự án “Ứng dụng công nghệ sản xuất phân phức hợp HCVS từ bùn đáy ao nuôi thủy sản và rơm rạ cho các loại cây trồng chính của tỉnh Long An” do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN triển khai. Dự án này thuộc Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển KT-XH nông thôn và miền núi giai đoạn 2011-2015” do Bộ KH&CN quản lý. Phân HCVS được sản xuất tại nhà máy phân HCVS ở Trạm Nghiên cứu ứng dụng KH&CN vùng Đồng Tháp Mười, thị xã Kiến Tường với công suất 5.000 tấn/năm.

Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN - Lê Thị Ngọc Hiếu cho biết: Trung tâm xây dựng nhiều mô hình sử dụng phân HCVS trên cây lúa, bắp lai, thanh long, chanh,... trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu nhằm chuyển đổi dần phương thức canh tác truyền thống (sử dụng phân hóa học) sang hướng canh tác hữu cơ, giảm phân hóa học. Qua khảo sát sử dụng phân bón HCVS, năng suất cây trồng đạt cao hơn, khoảng 8-10% trên mỗi vụ.

Đầu năm 2017, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tiến hành hỗ trợ 100% phân HCVS cho 29 xã viên HTX Rau an toàn Phước Hòa sản xuất trên diện tích 10ha. Đồng thời, cán bộ trung tâm tổ chức hướng dẫn cách sử dụng phân cho xã viên. Theo đó, 1ha rau cần 1 tấn phân bón/vụ; có 2 cách bón: Bón lót 100% phân HCVS, bón lót 50% và 50% bón thúc trước khi trổ hoa hoặc sau khi gieo hạt 7-10 ngày.

Tăng năng suất, hiệu quả

Ông Nguyễn Thanh Cần - xã viên HTX Rau an toàn Phước Hòa, có 6.000m2 đất trồng rau ăn lá. Được sự hỗ trợ từ Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN, từ đầu năm 2017 đến nay, ông thử nghiệm 500m2 đất trồng 4 đợt rau muống dùng phân HCVS. Ông Cần cho biết: “Tôi sử dụng phân HCVS theo hướng dẫn của cán bộ Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN. Sau thu hoạch, tôi đều so sánh với cách canh tác truyền thống (dùng phân hóa học). Kết quả, sử dụng phân HCVS giúp năng suất tăng từ 10-15% mỗi đợt thu hoạch. Đặc biệt, phân HCVS giúp rau dễ hấp thu, làm đất tơi xốp, cây rau cứng, không đổ ngã và có thể bảo quản lâu hơn sau thu hoạch.

Ông Trần Thanh Tú - xã viên HTX Rau an toàn Phước Hòa, đang trồng dưa leo và thử nghiệm phân HCVS trên 3.000m2 đất. Để có thể so sánh, ông Tú trồng thêm 3.000mdưa leo, áp dụng phương thức sản xuất truyền thống. Kết quả, diện tích dưa leo canh tác theo truyền thống thu hoạch được 7 tấn, còn sử dụng phân HCVS thu hoạch 8 tấn. Ông Tú chia sẻ: “Sử dụng phân HCVS làm đất tơi xốp, cây dễ bắt rễ, hấp thu dinh dưỡng tốt nên năng suất tăng”.

Tuy nhiên, theo cán bộ Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN, phân HCVS hiện còn nhược điểm: Gây cháy lá, chết cây nếu bón trực tiếp lên lá và cây con; hạn chế sử dụng trong mùa mưa, bão vì dễ bị cuốn trôi;... Trung tâm tiếp tục nghiên cứu và khắc phục những nhược điểm này.

Bà Lê Thị Ngọc Hiếu cho biết: Bước đầu sử dụng, nông dân đều đánh giá, phân HCVS giúp cây xanh tốt, cứng cáp, chống chịu được sâu, bệnh so với phương thức canh tác thuần phân hóa học; đồng thời tăng năng suất, thu nhập cho nông dân. Về lâu dài, khi sử dụng phân HCVS, nông dân giảm dùng phân hóa học, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe./.

Gia Hân