00:00 Số lượt truy cập: 2661750

Tăng cường phổ biến quy định kỹ thuật trong thương mại nông lâm thủy sản để tận dụng cơ hội mà EVFTA mang lại 

Được đăng : 01/07/2020

Với dân số hơn 500 triệu người và GDP đạt 15.000 tỷ USD, EU là thị trường vô cùng tiềm năng để xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Cơ hội thị trường mà Hiệp định EVFTA mang lại là rất lớn nhưng đây không phải là chìa khóa vạn năng giúp nông, lâm, thủy sản Việt Nam ồ ạt xuất khẩu vào EU mà chỉ tạo điều kiện để hàng hóa có đủ điều kiện, tiêu chuẩn nâng cao năng lực cạnh tranh nhờ giảm thuế, giảm giá thành so với trước khi có Hiệp định. Muốn tận dụng được ưu đãi về thuế, hàng hóa, nông sản phải đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe về nguồn gốc sản phẩm, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn phát triển bền vững về lao động, môi trường…

Ngày 30/6, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị “Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào thị trường EU, thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA”. Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường; ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh; ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương và khoảng 350 đại biểu của các Bộ, ban, ngành ở trung ương và địa phương.

Trong khu vực ASEAN, Việt Nam là nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất sang EU và sẽ nhận được nhiều lợi ích từ Hiệp định EVFTA so với các Hiệp định thương mại khác đã tham gia. EU và Việt Nam là hai thị trường bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau, do vậy, lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng, cơ hội thì xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam sang thị trường EU trong thời gian tới cũng phải đương đầu với các khó khăn, thách thức mới. Cho đến nay, EU vẫn là thị trường có yêu cầu về hàng rào kỹ thuật rất cao, đặc biệt là kiểm dịch động, thực vật; quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm… Một số ngành hàng nông, thủy sản như hồ tiêu, chè, rau quả … cần tổ chức lại sản xuất để đảm bảo nguồn hàng có chất lượng, giá trị gia tăng cao, tăng cường hơn nữa công tác quản lý, giám sát từ khâu sản xuất đến chế biến, bảo quản sau thu hoạch, truy xuất nguồn gốc.

Do vậy, để tận dụng cơ hội nhằm thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA, Hội nghị đã vạch ra 3 mục tiêu cụ thể cần tập trung:

Thứ nhất, phổ biến một số nội dung của Hiệp định EVFTA liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp tới các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu và các cơ quan truyền thông báo chí để nắm bắt và có kế hoạch xuất khẩu phù hợp, đáp ứng đúng yêu cầu của thị trường EU.

Thứ hai, đề xuất cụ thể các giải pháp, biện pháp cũng như cách thức tiếp cận thị trường EU đối với từng ngành hàng trong nhóm nông, lâm, thủy sản nhằm đảm bảo thực thi hiệu quả Hiệp định, khai thác được tối đa các ưu đãi và tận dụng được lợi thế sẵn có của ngành nông nghiệp nước ta.

Thứ ba, bàn cơ chế phối hợp giữa các đơn vị, cơ quan và tổ chức liên quan để đảm bảo công tác thông tin, truyền thông cũng như phát triển xuất khẩu sang thị trường EU một cách bền vững, phù hợp với năng lực cạnh tranh của từng ngành hàng nông, lâm, thủy sản trong bối cảnh hiện nay.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Bộ trưởng Bộ Công thương đã giải đáp những vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách tạo điều kiện xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường EU thời gian tới.

 

 tin-pa

  

 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Bộ trưởng Bộ Công Thương giai đáp các vấn đề có liên quan tại Hội nghị

 Phương Anh