00:00 Số lượt truy cập: 2668604

Vĩnh Phúc: ưu tiên ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp 

Được đăng : 27/08/2021

sansangchochuyendoisotrongnongnghiep

Sẵn sàng cho chuyển đổi số trong nông nghiệp

Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp được xem là một trong những nội dung cần thiết và quan trọng hiện nay, nhất là trong việc đồng hành cùng Chính phủ để đạt được các mục tiêu đề ra của Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Là một quốc gia nông nghiệp với khu vực nông thôn chiếm tới 63% dân cư, 66% số hộ, 68% người làm việc; nông nghiệp chiếm tỷ trọng 13,96% trong GDP, mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị vẫn luôn là tồn tại của nền nông nghiệp nước ta nhiều năm qua, do đó, hy vọng rằng, chuyển đổi số sẽ khắc phục triệt để tồn tại này. Nhằm đạt mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, thích ứng kịp với thị trường ngày càng khắt khe hơn với các sản phẩm nông nghiệp, Vĩnh Phúc ưu tiên chuyển đổi ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp và đã có những bước đi ban đầu.

Hợp tác xã (HTX) rau an toàn Vân Hội Xanh (Thôn Vân Giữa, xã Vân Hội, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) đưa phần mềm VietGAP điện tử vào ứng dụng trong sản xuất từ năm 2018, việc này đã giúp HTX không phải lo ghi chép nhật ký sản xuất bằng tay như trước đây mà chỉ cần kiểm tra theo số liệu được cập nhật đầy đủ trên máy tính hoặc điện thoại thông minh để đợi ngày sản xuất và thu hoạch theo đúng quy trình. Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, nhiều mặt hàng nông sản đang phải chật vật tìm đầu ra nhưng nông sản do HTX sản xuất vẫn được người tiêu dùng chào đón nhờ áp dụng quy trình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao.

Việc ứng dụng công nghệ số vào các quy trình sản xuất của HTX thông qua việc số hóa quản lý vật tư đầu vào; việc quản lý vào giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng như giám sát quy trình sản xuất của từng thành viên giúp tăng độ chính xác, giảm thiểu thời gian so với quy trình thủ công. Các khâu khác như marketing, tiêu thụ sản phẩm cũng đã được HTX số hóa để theo dõi và giao dịch. Đến kỳ sản phẩm được thu hoạch, thiết bị sẽ thông báo, hình ảnh sản phẩm được chuyển về đầu mối ký kết thu mua. Doanh nghiệp thu mua chỉ cần đánh mã số trên tem truy xuất mọi thông tin về sản phẩm từ giống, quy trình chăm sóc, chất lượng sản phẩm sẽ hiển thị đầy đủ. Nhờ ứng dụng công nghệ vào sản xuất, sản lượng rau, củ đã tăng từ 5 - 10% so với trước đây. Trung bình mỗi tháng HTX cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh hàng chục tấn rau, củ, quả an toàn các loại.

Đối với HTX chăn nuôi Bình Minh, xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch là HTX đầu tiên của tỉnh xây dựng mô chăn nuôi xanh tuần hoàn. Ngay từ năm 2019, HTX đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để cải tạo, xây mới hệ thống chuồng trại và liên kết với một số hộ nông dân trong, ngoài xã để sản xuất thịt lợn sạch. 

Quá trình chăn nuôi, sản xuất thịt lợn sạch theo quy trình VietGAP, HTX đã nghiên cứu thành công việc sản xuất thịt lợn thảo quế, xúc xích thảo quế với hương vị đặc trưng, cung cấp cho 40 cửa hàng thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn trong và ngoài tỉnh, mang lại doanh thu hàng tỷ đồng mỗi tháng. Năm 2020, sản phẩm xúc xích và thịt lợn thảo quế của hợp tác xã đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3 sao.

Việc ứng dụng công nghệ số trong  quản lý, giám sát các quy trình chăn nuôi giảm thiểu chi phí nhân công, đặc biệt, mỗi con lợn đều được đánh số, cập nhật theo dõi qua sổ nhật ký điện tử nên lượng thức ăn, sức khỏe của vật nuôi được giám sát chặt chẽ, không hao phí. Sản phẩm khi xuất bán thương lái chỉ cần xem qua hệ thống camera, chốt giá, sau đó lợn sẽ được đưa ra giết mổ, vận chuyển đến nơi tiêu thụ theo vòng tròn khép kín.                                        

Trường Giang