00:00 Số lượt truy cập: 2661781

Bỏ phố lên Tây Nguyên nuôi gà H’mông làm giàu 

Được đăng : 11/11/2020

images2955671m2

Năm 2005, anh Lưu Văn Đức quyết định rời TPHCM đến Buôn Cuôr, xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar, tỉnh Đăk Lăk lập nghiệp, bước đầu với số vốn ít ỏi gia đình anh chỉ mua được 1,2 ha đất trống. Trong một năm, anh tiến hành cải tạo đất và trồng nhiều loại cây ăn trái, kết hợp nuôi thả giống gà H’mông để gây dựng kinh tế gia đình. Ban đầu chưa có con giống, anh phải lặn lội ra tận ngoài Bắc để mua được giống gà H’mông đen. Sau đó anh tự tìm hiểu kiến thức về chăn nuôi nên đã tự gây dựng được con giống. Nhờ biết chọn con giống tốt, lại tự phối trộn thức ăn cho gà bằng các sản phẩm nông nghiệp có sẵn nên gà phát triển tốt, thường xuyên tiêm chủng theo quy định, nghiêm túc thực hiện quy chuẩn về vệ sinh chuồng trại nên gà nuôi tránh được các dịch bệnh. Với đặc điểm dễ chăm sóc, đầu tư ít vốn và tận dụng được nguồn thức ăn có sẵn, gà H’mông mang lại hiệu quả cao hơn nhiều so với gà nuôi thông thường. Tại thời điểm tháng 9 năm 2008 anh xuất bán lứa gà đầu tiên với giá bán 120.000đ/kg, cao gấp 2 lần so với giống gà nuôi thả vườn khác. Anh đã quyết định mở rộng mô hình sản xuất với tổng diện tích 3 ha để sản xuất chăn nuôi với quy mô trên 9.000 con gà thương phẩm, đem lại doanh thu mỗi năm trên 600 triệu đồng cho gia đình. Hàng năm gia đình anh giúp một số gia đình hội viên nghèo trong buôn về con giống, thức ăn, kỹ thuật chăn nuôi; tạo việc làm thường xuyên và ổn định cho 5 lao động tại địa phương có thu nhập với mức lương từ 4,5 – 5 triệu đồng/người/tháng.

Từ kết quả sản xuất mô hình chăn nuôi hiệu quả của gia đình, với mong muốn hình thành được chuỗi liên kết sản xuất giống gà H’Mông mang tính đặc trưng của người dân tộc thiểu số, kết hợp với mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp, phục vụ tại chỗ cho khách món ăn đặc trưng vùng miền của người Tây Nguyên. Đến tháng 8/2018  anh đã đứng ra vận động một số hộ hội viên nông dân thành lập Hợp tác xã nông nghiệp và thương mại dịch vụ Đại Phúc gồm 09 thành viên với số vốn ban đầu là 765 triệu đồng; hoạt động theo nguyên tắc “4 chung” gồm: chung giống, chung kỹ thuật, chung nguồn thức ăn và chung giá bán. Nguyên tắc “4 chung” là tôn chỉ và cũng là chìa khóa mở ra thành công cho các thành viên HTX Đại Phúc trong thời gian qua.

Để có sản phẩm gà H’mông an toàn đến tay người tiêu dùng, ngay khi thành lập HTX, với vai trò là Chủ tịch HĐQT HTX anh đã định hướng chiến lược phát triển: xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gà H’mông gắn với bảo đảm an toàn thực phẩm; xây dựng kế hoạch cung ứng sản phẩm ra thị trường. Trong những năm qua với sự nỗ lực của bản thân anh và tập thể HĐQT HTX đã giúp cho HTX đạt được mục tiêu đề ra: Xây dựng khu chăn nuôi đúng quy hoạch của địa phương, được Chi cục chăn nuôi thú y tỉnh Đắk Lắk cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm;  Các sản phẩm nông sản của gia đình và Hợp tác xã được cấp giấy chứng nhận VietGAP; Có mã QR tem truy xuất nguồn gốc, đăng ký mã số mã vạch sản phẩm rõ ràng; HTX luôn chủ động nguồn con giống, thức ăn để cung ứng cho các thành viên và nông dân trong xã; 100% thành viên HTX, nông dân liên kết cùng nhau áp dụng đồng bộ những quy trình, kỹ thuật nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP; Đầu tư máy móc trong khâu sơ chế đóng gói sản phẩm phục vụ cho khách mua làm quà;  Liên kết với các nhà hàng, quán ăn trong địa bàn tỉnh; Tích cực phối hợp với các ban, ngành và HND các cấp mang sản phẩm tham gia các Hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh để quảng bá thương hiệu.

Bình quân mỗi tháng, HTX cung ứng ra thị trường khoảng 2.500 con gà với giá bán ổn định 110.000đ/kg, đã tạo điều kiện cho các thành viên của HTX và nông dân trong xã có được mức thu nhập tương đối ổn định và có cơ hội vươn lên phát triển kinh tế gia đình.

Việc tuân thủ nguyên tắc “4 chung” mà HTX đưa ra đã giúp cho việc chăn nuôi gà H’mông của các thành viên HTX phát triển đồng đều cả về trọng lượng, chất lượng, nâng cao uy tín và thương hiệu sản phẩm. Tháng 11/2018 sản phẩm của HTX đã được Trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng 2 cấp giấy chứng nhận VietGAP; tháng 7/2020 sản phẩm được UBND huyện công nhận là sản phẩm OCOP đạt ba sao của địa phương.

Ngoài tạo điều kiện tăng thu nhập cho các thành viên, HTX còn liên kết với 04 hộ nông dân  điều kiện của từng hộ tương ứng với số lượng nuôi của mỗi hộ, trung bình mỗi hộ nuôi số lượng 1.000 con thì có thu nhập bình quân từ 25.000.000đ – 30.000.000đ trên 1 lứa nuôi 4 tháng; tạo việc làm thường xuyên, ổn định cho 10 lao động nhàn rỗi tại địa phương với mức thu nhập trên 4,5 triệu đồng/tháng cho mỗi người.

Hàng năm, HTX luôn hỗ trợ và tham gia các phong trào Hội đoàn thể tại địa phương, quan tâm, giúp đỡ hộ nghèo, những gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn với số tiền trên 3 triệu đồng.

Trường Giang