00:00 Số lượt truy cập: 2668781

Chàng trai khuyết tật lựa chọn khởi nghiệp với nông nghiệp công nghệ cao 

Được đăng : 30/07/2020

anh-cuong-cham-soc-vuon

Dù mất cả 2 tay, nhưng mọi công việc ở nhà vườn anh đều có thể làm được hết: từ việc gieo hạt, chăm sóc, điều chỉnh nước tưới, phân bón...

 

Từ chàng sinh viên với tương lai tươi sáng, sau biến cố, anh Nguyễn Thế Cường (quê Quảng Nam) trở thành người khuyết tật. Vượt qua mọi khó khăn, anh bắt đầu lại cuộc sống mà không có đôi tay. Niềm đam mê với nông nghiệp thôi thúc anh Cường dũng cảm lựa chọn con đường khó, đó là nông nghiệp hữu cơ ứng dụng công nghệ cao ở Hòa Vang (Đà Nẵng) để khởi nghiệp.

Anh Cường kể, anh đã mất đi đôi tay vì bị điện giật trong lúc đi phụ hồ kiếm tiền trang trải cuộc sống, khi đang là sinh viên năm 2 Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng). Từ đó, việc học hành của anh bị lỡ dỡ. Nhiều lúc nghĩ tiêu cực, anh muốn chết đi cho nhẹ nhàng. Nhưng được sự động viên của gia đình, nhất là mẹ anh, Cường bắt đầu học cách sống và bươn chải kiếm tiền bằng đôi chân. Bằng nghị lực của mình, Cường mở được một cửa hàng sửa máy tính nhỏ. Anh phải mất ba năm mới chinh phục được bố vợ để đồng ý gả vợ cho anh. Kết hôn rồi vợ chồng anh có 2 đứa con trai kháu khỉnh. May mắn với anh là từ lúc lấy nhau, vợ anh rất mực yêu thương và luôn đồng hành, ủng hộ anh trong tất cả mọi việc.

Năm 2017, nhận thấy nhu cầu thị trường về các loại nông sản sạch ngày càng cao. Vốn sinh ra từ làng, sẵn có niềm đam mê với nông nghiệp hữu cơ, anh giao lại mọi công việc cho vợ quán xuyến rồi lặn lội vào Bình Dương, Đà Lạt để tìm hiểu, học hỏi các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Được huyện Hòa Vang hỗ trợ 50% kinh phí để xây lắp khung vườn kính, theo nguồn vốn hỗ trợ phát triển nông nghiệp chất lượng cao, anh quyết định “làm liều”, vay vốn để khởi nghiệp.

Anh "liều" thế chấp sổ đỏ nhà đất để vay vốn ngân hàng hơn 1 tỷ đồng thuê 3ha đất tại xã Hoà Ninh. Vợ anh đã rất lo lắng vì biết khởi nghiệp với nông nghiệp không dễ dàng, làm nông nghiệp lại rất rủi ro. Anh đầu tư nhà kính trồng dưa lưới hết khoảng 2,3 tỷ đồng, trong đó huyện Hoà Vang hỗ trợ gần 1 tỷ đồng để xây lắp khung vườn kính.

Anh tự mày mò, nghiên cứu kỹ thuật trồng dưa lưới trong nhà màng cộng với những kinh nghiệm đúc rút trong thực tiễn. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong nhà màng, nhà kính tuy phải đầu tư ban đầu lớn nhưng giảm được bệnh tật, sâu bọ, ảnh hưởng của thời tiết. Theo kinh nghiệm của anh, luôn phải quan sát, phòng trừ sâu bệnh từ sớm. Anh không sử dụng thuốc trừ sâu, hoá học mà sử dụng các chế phẩm vi sinh, sinh học từ măng tre, gừng, tỏi, ớt, hành… để diệt sâu bệnh. Vì là sản xuất nông nghiệp hữu cơ nên phân bón cũng do Cường tự tay ủ từ các loại rau, củ quả bị hỏng... để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sản phẩm. Dù mất cả 2 tay, nhưng mọi công việc ở nhà vườn đều do Cường đứng ra lo liệu; từ việc gieo hạt, chăm sóc, điều chỉnh nước tưới, phân bón... Cường đều làm bằng chân.

Ngoài trồng dưa lưới, anh Cường đầu tư thêm một nhà màng trồng đủ loại rau củ như cà chua, dưa leo, cải thìa, cải bó xôi, mồng tơi, rau muống, cải cúc…, cung cấp cho thị trường nguồn thực phẩm sạch phong phú. Hiện nay, anh Cường còn trồng thử nghiệm cả nho không hạt, nho móng tay… Để đảm bảo có nguồn cung đều đặn cho các bạn hàng quanh năm, cứ cách 10 ngày Cường lại xuống giống khoảng 1 nghìn gốc. Vì vậy, cứ mỗi đợt, nhà vườn có thể xuất ra khoảng 1,2 đến 1,3 tấn dưa. Giá dưa lưới được giữ với mức ổn định khoảng 50 – 60 nghìn đồng/kg. Đầu ra của sản phẩm tương đối ổn định. Rau quả cung cấp cho chợ, các cửa hàng thực phẩm, nhà hàng ở Đà Nẵng và một số địa phương khác.

Năm đầu tiên khởi nghiệp, Cường chịu lỗ. Năm thứ hai hòa vốn. Dự kiến năm nay thì bắt đầu có lãi khoảng 200 - 300 triệu đồng thì dịch bệnh COVID - 19 bùng phát trở lại lần 2 khiến cho cả 2 vợ chồng Cường chật vật. Hàng hóa bị dồn ứ, tiêu thụ chậm do nguồn thu mua chính là nhà hàng, khách sạn phải đóng cửa. Hơn 3,5 tấn dưa lưới của gia đình bị ùn ứ, hư hỏng, gây thiệt hại khoảng 150 triệu đồng. Nhờ một người mua rau củ chia sẻ hình ảnh vườn dưa chín vàng trong nông trại của Cường trên mạng xã hội, nhiều người dân Đà Nẵng nhắn tin, gọi điện mua giúp vợ chồng anh. Có khách, hàng ngày hai vợ chồng chất khoảng 120 kg dưa lên xe máy đi khoảng 200 km giao hơn 100 đơn tới khách hàng ở khắp thành phố.

Dù vất vả nhưng vợ chồng anh vẫn tin tưởng và lạc quan hy vọng: Làm nông nghiệp thì xác định là vất vả, rồi dịch sẽ qua, vợ chồng anh tiếp tục xuống giống sản xuất để bù đắp thiệt hại do dịch. Anh cũng hi vọng, sẽ có thêm nhà đầu tư để cùng anh mở rộng quy mô, phát triển nông nghiệp hữu cơ trong thời gian tới. Hiện tại anh đang làm các thủ tục để làm bộ tiêu chuẩn VietGap để phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ, tiếp tục quản lý tốt 17.000m2 diện tích nông nghiệp theo hướng hữu cơ, phát triển sản xuất, đảm bảo chất lượng.

TB