00:00 Số lượt truy cập: 2661337

Chi hội trưởng nông dân làm giàu từ trang trại tổng hợp 

Được đăng : 25/10/2020

Nguyễn Thị Mai - chi hội Lộc Nham, Đồng Lợi, Triệu Sơn

        Đồng Lợi là một xã nằm ở phía Nam huyện Triệu Sơn, cách thành phố Thanh Hóa 15 km, cách trung tâm huyện 11km. Xuất phát là một xã thuần nông sản xuất mang tính nhỏ lẻ, đồng ruộng manh mún, hệ thống cơ sở hạ tầng còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đồng Lợi đã đoàn kết một lòng khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên, hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và xã đạt chuẩn nông thôn mới, từ đó các công trình điện đường trường trạm được xây dựng khang trang, bộ mặt nông thôn được khởi sắc, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được nâng cao, các chương trình phát triển kinh tế xã hội luôn được quan tâm, đặc biệt là phương án tích tụ tập trung đất đai, tái cơ cấu ngành nông nghiệp của xã.


news735
Với suy nghĩ không để cái nghèo đeo bám mãi, bằng ý chí và nghị lực của mình, gia đình bà luôn trăn trở để đưa kinh tế gia đình phát triển và giải quyết việc làm tăng thu nhập cho người lao động ngay trên mảnh đất quê hương. Được sự quan tâm tạo điều kiện của xã và huyện, gia đình bà đã tích tụ được 10 ha đất canh tác, trong đó diện tích sản xuất lúa chất lượng cao liên kết với công ty Sao Khuê về tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị là 7ha, mô hình phát triển trang trại tổng hợp 3 ha vừa trồng cây ăn quả vừa chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản. Với 3.800 cây ăn quả các loại như: bưởi, cam, mít thái, xoài, ổi, hồng xiêm, vú sữa, dừa xiêm và một số cây ăn quả khác có xen canh cây rau màu lấy ngắn nuôi dài, hàng năm có trên 20 tấn bầu bí, rau quả, trên 2 tấn cá với 10 con bò và hàng nghìn con gà, vịt.

Do chuyển dịch cơ cấu lao động, con em nông dân trong độ tuổi lao động đã chuyển dịch sang lao động công nghiệp. Từ đó, sự phát triển mạ khay máy cấy là xu hướng phát triển tất yếu trong nông nghiệp. Cuối năm 2014 đầu năm 2015 gia đình bà xây dựng cơ sở sản xuất mạ khay, máy cấy, máy gặt. Mỗi  năm sản xuất trung bình được 45-50 nghìn khay tương ứng với 200ha, tạo công ăn việc làm cho 25 lao động thường xuyên có thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng và hàng chục lao động thời vụ, giúp đỡ được 7 hộ thoát nghèo. Nhìn chung bước đầu đã có hiệu quả, hàng năm trừ chi phí thu nhập gia đình bình quân đạt từ 300 - 400 triệu đồng.

Sau mỗi chu kỳ sản xuất, Bà luôn chú trọng việc rà soát lại toàn bộ sổ sách ghi chép, kế hoạch, mức đầu tư và từng khâu trong sản xuất, đánh giá kết quả thu được, cả thành công và thất bại của từng hoạt động cụ thể để xem xét rút kinh nghiệm, từ đó cơ cấu lại cây trồng vật nuôi, thay đổi phương thức quản lý, phương thức sản xuất kinh doanh. Qua đó xây dựng  kế hoạch sản xuất cho thời gian tới trên cơ sở cụ thể hóa từng công việc, từng con người làm việc theo hướng phù hợp với năng lực, sở trường và trả công thỏa đáng. Việc quản lý đầu vào từ con giống, cây giống, đến thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật được kiểm tra giám sát chặt chẽ, ghi chép đầy đủ, tính toán, hoạch toán cụ thể, trên cơ sở đó xác định lãi lỗ theo chu kỳ sản phẩm chi tiết từng loại vật nuôi, từng thứ cây trồng.

Trong chăn nuôi, trồng trọt thực hiện nghiêm túc chế độ vệ sinh phòng bệnh, phòng dịch. Với quan điểm không ham rẻ, không sợ tốn tiền, phòng bệnh hơn chữa bệnh làm triết lý trong sản xuất kinh doanh; bên cạnh đó phải luôn chịu khó tìm hiểu, kiên trì học tập, nắm bắt thời cơ, kịp thời ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới đó là phương châm hành động của bà. Nuôi con gì, trồng cây gì phải gắn với thị trường và theo xu hướng sản xuất hàng hóa, không đầu tư manh mún tràn lan. Xóa bỏ quan điểm cây gì cũng trồng, con gì cũng nuôi, có như vậy mới tạo ra được những sản phẩm chủ lực có sức cạnh tranh cao trên thị trường.

Không chỉ chú trọng trong khâu sản xuất, kinh doanh của gia đình, Bà thường xuyên nhắc nhở các thành viên trong gia đình và người lao động thực hiện tốt mọi chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của nhà nước, các quy định của địa phương, của hội đồng thời tích cực hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước, tích cực hưởng ứng các cuộc vận động do địa phương phát động với số tiền mỗi năm trên 30 triệu đồng, tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới 20 triệu đồng. Trong hoạt động của chi hội, với chức năng là Chi hội trưởng bà luôn duy trì chế độ sinh hoạt chi hội theo đúng quy định và triển khai đầy đủ các hoạt động do hội phát động, thường xuyên phối hợp tổ chức các diễn đàn về xây dựng mô hình sản xuất để trao đổi kinh nghiệm cho hội viên trong xã học tập.

Có được kết quả như ngày hôm nay, ngoài sự nỗ lực của bản thân, sự động viên của gia đình, còn có sự quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là tổ chức Hội Nông dân đã luôn đồng hành với gia đình trong quá trình đầu tư phát triển sản xuất.

Văn Khôi