00:00 Số lượt truy cập: 2661297

Hòa Bình: Mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP đạt hiệu quả cao 

Được đăng : 25/01/2019

 

Đối với Hoà Bình, mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn gắn kết với chương trình tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giúp nông dân sản xuất bền vững và tăng thu nhập trên một diện tích canh tác. Đồng thời, đảm bảo cung cấp nông sản thực phẩm có chất lượng cao, an toàn cho cộng đồng người tiêu dùng và không gây tổn hại tới môi trường, thiết thực ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong 10 năm qua nông dân Hòa Bình tiếp cận, ứng dụng và củng cố niềm tin vào một nền sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, khẳng định uy tín đối với người tiêu dùng. Cụ thể nông dân huyện Lương Sơn, là vùng nông nghiệp tiên phong, tiêu biểu trong việc sản xuất nông sản chất lượng cao, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị hữu cơ, VietGAP, được thực hiện tại các xã: Nhuận Trạch, Cư Yên, Hòa Sơn, Tân Thành, Thành Lập, Hợp Hòa, Thị trấn, Cao Răm.

Từ chỗ thực hiện điểm đến nay diện tích rau - củ - quả hữu cơ đã được mở rộng 41,02 ha, trong đó diện tích được cấp chứng nhận chuẩn PGS 17,8 ha. Cán bộ, hội viên nông dân tại vùng thực hiện dự án được đào tạo tập huấn kiến thức chuyên đề kỹ thuật sản xuất trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ, hiểu rõ những tiêu chuẩn, nguyên tắc trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ; được hướng dẫn hoạt động nhóm sản xuất tập trung theo Hệ thống bảo đảm có sự tham gia (Participatory Guarantee System) – PGS hay còn gọi là chứng nhận hữu cơ PGS Việt Namlà hệ thống bảo đảm có sự tham gia bởi Ban Điều phối, Liên nhóm, nhóm sản xuất, hộ nông dân và doanh nghiệp (dựa vào sự tham gia của các tổ chức và con người có liên quan trực tiếp vào chuỗi cung cấp hữu cơ). Cùng với việc xây dựng, phát triển thương hiệu, Hội Nông dân các cấp đã triển khai các giải pháp ứng dụng tiến bộ KHKT để vùng sản xuất nông sản sạch, an toàn ngày càng nhân rộng cả về diện tích lẫn quy mô. Từ đó, giúp tăng năng suất, giảm thiểu chi phí và đảm bảo chất lượng nông sản. Đến nay, toàn tỉnh có trên 200 ha cây ăn quả có múi áp dụng biện pháp tưới phun, nhỏ giọt.

Biện pháp đặt bẫy Pheromon phòng trừ ruồi vàng, quy trình xử lý ra hoa, đậu quả, kỹ thuật phòng trừ dịch hại tổng hợp trên cây cam, bưởi được áp dụng tại các vùng sản xuất lớn. Trong hơn 9.800 ha cây ăn quả có múi toàn tỉnh đã có trên 600 ha diện tích được chứng nhận hữu cơ, VietGAP, an toàn thực phẩm, giá trị thu nhập đạt 400 - 500 triệu đồng/ha. Trong đó một số thương hiệu do Hội Nông dân đứng tên như: Chỉ dẫn địa lý cam Cao Phong, rau hữu cơ Lương Sơn, nhãn hiệu tập thể bưởi đỏ Tân Lạc, cam Lạc Thủy, nhãn Sơn Thủy (Kim Bôi), mía tím Cao Phong, gà Lạc Sơn, Lạc Thủy… Bên cạnh đó còn có các thương hiệu khác như: Rau su su VietGAP Tân Lạc, cam, quýt Mường Động (Kim Bôi), quýt Nam Sơn (Tân Lạc) đặc sản cá, tôm sông Đà…

Để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng, mở rộng thị trường thì phải phát triển sản xuất nông nghiệp theo VietGAP. Hội Nông dân tỉnh đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát ngay tại đồng ruộng từ khâu nhập vật tư đầu vào đến tiêu thụ trên thị trường. Tăng cường mở các lớp tập huấn, từng bước thay đổi phương thức canh tác truyền thống sang ghi chép sổ sách nhật ký để truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Vận động, hướng dẫn nông dân tùy vào điều kiện cụ thể của địa phương mở rộng vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP, hữu cơ có lợi thế về đất đai, khí hậu. Phối hợp với chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt, cử cán bộ giám sát ở tất cả các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ, nếu phát hiện vi phạm cần tịch thu giấy chứng nhận đã cấp. Đồng thời, đề nghị với Tỉnh có chính sách hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, chi phí xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm cho những Tổ hợp tác, hợp tác xã đạt chuẩn đến tay người tiêu dùng nhằm nâng cao giá trị, đem lại thu nhập ổn định cho người nông dân.  

 

 

Tiến Trình