00:00 Số lượt truy cập: 2683635

Hội viên nông dân đưa sản phẩm thủ công mỹ nghệ vươn thị trường quốc tế 

Được đăng : 14/09/2021
Lập nghiệp ở vùng biển Long Hải tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhưng ông Lê Văn Đạt (ở khu phố Hải Tân, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền) lại chọn nghề đan lát làm hướng phát triển kinh tế gia đình.

my
Ông Lê Văn Đạt giới thiệu sản phẩm từ lục bình của công ty Hiệp Hòa 

Năm 1995, ông cùng gia đình từ quê hương Ninh Bình vào định cư tại vùng đất biển Long Hải. Quê hương ông vốn có thế mạnh từ nghề đan lát dây lục bình, lại sẵn đầu ra xuất khẩu đi Nga nên ông và gia đình quyết tâm theo đuổi nghề truyền thống. Những năm 2000, các sản phẩm từ lục bình, mây, tre vẫn chưa được nhiều người tiêu dùng quan tâm, cơ sở gia công đan lục bình của ông chỉ nhỏ lẻ, vài nhân công. Tuy nhiên, nghề này tính tiện lợi rất cao, phụ nữ hay người già có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi để kiếm thêm thu nhập, do đó ông bắt đầu truyền bá nghề cho hàng xóm láng giềng để nhận hàng về gia công. Nhanh chóng sau đó, số hộ gia đình nhận gia công các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của gia đình ông tăng lên đáng kể.

Năm 2006, ông thành lập Công ty Hiệp Hòa để xác định những mục tiêu dài hơi hơn, đưa sản phẩm không chỉ sang thị trường Nga mà vươn ra cả những thị trường khó tính khác. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của công ty Hiệp Hòa chủ yếu làm từ dây lục bình như túi xách, giỏ, rổ, khay, ghế, ngăn đựng đồ dùng hay các sản phẩm trang trí nhà cửa. Ở mỗi thị trường khác nhau, công ty lại sản xuất các sản phẩm khác nhau nhằm đáp ứng thị hiếu cũng như thói quen, cách thức sử dụng của người tiêu dùng nơi đó nhưng vẫn bảo đảm yếu tố thẩm mỹ và tính thân thiện với môi trường.

Nhớ về thời điểm đưa sản phẩm đến với thị trường Nhật Bản, ông chia sẻ: Nhật Bản có thể nói là thị trường khó tính nhất, yêu cầu từ phía đối tác Nhật Bản rất cao, các sản phẩm phải đạt chất lượng đồng đều lên tới 98-99%, trong khi các thị trường khác chỉ cần độ đồng đều 80-85%. Chính vì đòi hỏi đó, ông lại lên kế hoạch để đào tạo lao động bài bản. Từ các lớp đào tạo nghề, ông lựa chọn ra những người có tay nghề giỏi nhất để làm ra các sản phẩm phục vụ yêu cầu của thị trường “kĩ tính”.

Công ty Hiệp Hòa từng bước khẳng định được thương hiệu bằng những sản phẩm chất lượng, tạo ra uy tín trên thị trường nước ngoài, những đơn hàng xuất đi luôn nhận được phản hồi tốt. Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển, góp phần hiện đại hóa sản phẩm thủ công mỹ nghệ, ông đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà xưởng, kho chứa, mua sắm trang thiết bị máy móc, mở rộng quy mô sản xuất,…với chi phí lên tới 30 tỷ đồng. Hiện tại đối tác xuất khẩu các sản phẩm đan lát của công ty là 85 siêu thị thương mại trên khắp thế giới từ châu Á sang châu Âu, Mỹ, Úc, ... Do làm từ lục bình, tre, mây, không sử dụng hóa chất, không gây ô nhiễm môi trường nên sản phẩm của công ty được người tiêu dùng nước ngoài ưa chuộng. Hằng năm, công ty xuất khẩu từ 90.000 đến 110.000 sản phẩm thủ công mỹ nghệ đa dạng, đạt doanh thu từ 38-45 tỷ đồng, thu lợi nhuận từ 25-30%.

Công ty Hiệp Hòa giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 500 - 550 lao động, với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng tùy tay nghề, đây là những lao động chủ chốt, được đào tạo tay nghề cao. Ngoài ra, gần 800 - 1.000 lao động thời vụ, chủ yếu là người già, phụ nữ kiếm thêm thu nhập cho gia đình khoảng 3-4 triệu đồng/tháng. 

Từ một cơ sở nhỏ, sau 20 năm, ông Đạt đã mang sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ lục bình vươn xa ra thế giới. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông còn giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho hàng nghìn lao động. Những đóng góp của ông luôn được các cấp, các ngành ghi nhận và tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen. Mới đây, ông là đại diện của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vinh dự nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”.

Linh Đan