00:00 Số lượt truy cập: 2661357

Kiếm tiền tỷ nhờ áp dụng công nghệ cao trồng rau sạch 

Được đăng : 07/12/2022
Trong 16 năm bôn ba làm thuê ở các trang trại rau sạch Đài Loan, chị Đặng Thị Cuối ở xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội đã bị “mê hoặc” bởi yếu tố chất lượng, hiệu quả kinh tế, ý nghĩa môi trường của việc trồng rau sạch. Với ý chí, nghị lực phi thường, chị đã thành công khi theo đuổi ước mơ làm nông nghiệp sạch, đưa lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

badangthicuoihtxrausach4132640715861024911200x01

Chị Đặng Thị Cuối bên vườn rau hữu cơ xanh tốt


Vợ chồng anh chị Cuối – Quý là đôi bạn nghèo, gắn bó với nhau từ thuở còn bé. Sau khi kết hôn, hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn chị xuất khẩu lao động sang Đài Loan và làm việc trang trại rau sạch. Chị đã choáng ngợp với thu nhập khủng hàng chục tỷ đồng của các chủ trang trại. Sau 8 năm xuất khẩu lao động, chị Cuối về quê, chia sẻ với chồng về công nghệ trồng rau hiện đại và thu nhập khủng từ việc trồng rau ở Đài Loan. Lúc đầu chồng chị không tin nhưng thấy quyết tâm của vợ, anh cũng đồng ý gửi con về ông bà đôi bên rồi cùng vợ cũng sang Đài Loan vừa làm vừa học cách trồng rau sạch.

Vợ chồng chị thường xuyên trao đổi, tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm của người dân Đài Loan về cách làm nông nghiệp sạch. Dần dần niềm đam mê làm nông nghiệp sạch ngấm vào người chị lúc nào không biết. Để rồi sau những năm lao động vất vả bên xứ Đài, năm 2017, anh chị trở về quê bắt đầu thực hiện ước mơ sở hữu trang trại rau sạch cho riêng mình

Việc đầu tiên là tìm đất sản xuất. Anh chị đã đi khắp mọi miền đất nước để thuê đất trồng rau rồi nhưng cũng chẳng thấy đâu bằng quê mình. Chị Cuối chia sẻ, Đan Phượng hội đủ các yếu tố thuận lợi về thiên nhiên, đất đai, khí hậu thuận lợi cho việc phát triển rau sạch.

Với số vốn ban đầu khoảng 500 triệu đồng, vợ chồng bà đầu tư xây dựng một khu nhà màng, nhà lưới trên diện tích 1.360 m2 của gia đình. Quyết định của vợ chồng chị lúc đó được cho là lập dị khác thường nhất là việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro thất bại. Mặc dù hai bên gia đình nội ngoại khuyên can, nhiều người nói ra nói vào nhưng với chị vẫn kiên trì với quyết định của bản thân.

Vợ chồng chị thuê máy làm đất, giải phóng mặt bằng và dựng một căn nhà nhỏ, quyết tâm bám trụ. Sau một tháng làm việc khẩn trương lao động cật lực từ chọn giống đến gieo hạt, chăm sóc, những mầm xanh đầu tiên đã nhú lên trên mảnh đất vốn ngổn ngang đá sỏi. Công việc vất vả kéo dài từ ngày này sang ngày khác nhưng không làm anh chị nản chí. Thế rồi, đất không phụ công người, một vườn rau sạch rộng lớn đã bắt đầu xanh tốt. Sau khi thu hoạch, việc tiêu thụ cũng không kém phần gian nan. Lúc đầu, rau bán không ai mua, vợ chồng chị vừa biếu vừa tặng rồi mời chào mọi người. Dần dần thấy rau tươi ngon, an toàn mọi người mua tới tấp, trồng đến đâu, bán hết đến đó.

Năm 2017, vợ chồng chị được hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đan Phượng hỗ trợ cho thuê đất hơn 4 ha của 52 hộ dân. Anh chị bắt tay vào xây dựng mô hình trồng rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao. Đây là mô hình sản xuất theo phương pháp hữu cơ không sử dụng phân bón hóa học, không sử thuốc trừ sâu, không thuốc diệt cỏ. Do đó việc phòng trừ sâu bệnh hết sức gian nan,  nhiều đêm vợ chồng chị phải thức trắng theo dõi chu kỳ hoạt động của sâu bệnh để tìm cách phòng trừ. Chia sẻ kinh nghiệm, chị cho biết, để phòng trừ sâu bệnh, khâu làm đất phải thật kỹ càng trước khi tiến hành xuống giống. Anh chị còn  phải dùng khí gas khò đất để khử các ấu trùng có trong đất. Chị còn mày mò, vận dụng kinh nghiệm đã có sử dụng phân hữu cơ và men vi sinh. Chị trộn men vi sinh với đường cát, sữa milo và ủ trong thời gian nhất định sau đó nghiền nát, lọc cặn bã rồi mới phun. Chị kiên trì với hình thức canh tác độc đáo “5 không”, đó là: Không phun thuốc diệt cỏ; Không phân bón hóa học; Không thuốc bảo vệ thực vật; Không kích thích tăng trưởng; Không giống biến đổi gen nhằm bảo vệ môi trường và “giữ chân” thiên địch.

Đến nay, qua chặng đường dài tích lũy, gia đình chị Cuối đã có tới 15ha đất được trồng và thiết kế theo đúng quy cách của Nhật Bản với hệ thống thoát gió, thoát khí và tưới tiêu hiện đại, Ngoài canh tác các loại rau theo mùa, HTX rau sạch Cuối Quý còn trồng đa dạng các loại rau củ trái mùa, có giá trị kinh tế cao như su hào, măng tây, bông hẹ, cải bắp tí hon…Sau nhiều năm vất vả, bây giờ tổng giá trị HTX Cuối Quý lên đến 11 tỷ đồng. Bình quân 1 tháng thu 7 - 8 tấn rau sạch đạt khoảng 200 triệu đồng bao gồm đủ các loại rau ăn lá, ăn củ. Đầu ra của HTX Cuối Quý là 16 trường mẫu giáo trong huyện Đan Phượng, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Hà Nội. Không chỉ tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, bà Cuối cùng chồng còn tạo việc làm cho hơn 10 lao động, với mức thu nhập 5 - 10 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, bà Cuối còn chuyển giao kỹ thuật, truyền đạt kinh nghiệm trồng rau sạch cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn.

Mạnh Hùng