00:00 Số lượt truy cập: 2637681

Làm giàu bằng nghề trồng dược liệu để chiết xuất tinh dầu 

Được đăng : 07/09/2021
Bắt đầu bằng những hạt giống cây ít ỏi, đến nay, chị Phạm Thị Mai – một nông dân thế hệ 8X ở xã Yên Thái, huyện Yên Mô (Ninh Bình) đã sở hữu vườn dược liệu diện tích 15ha và một dây chuyền chiết xuất tinh dầu đưa lại lợi nhuận khoảng 600 triệu đồng/năm.

 

 tinh-dau

Tổng diện tích trồng cây dược liệu của chị đã lên tới 15ha, trồng trồng 4 loại cây dược liệu chính là hương nhu, bạc hà, mùi, bạch đàn chanh 

Cũng như những hộ nông dân khác, trước đây, gia đình chị phải loay hoay với đủ loại cây trồng trên cánh đồng xã Yên Thái để đủ ăn. Chị Mai luôn mong muốn tìm giải pháp, hướng đi mới để phát triển kinh tế gia đình.

Cơ duyên đến với cây dược liệu của chị bắt đầu từ năm 2018, sau khi tham dự lớp tập huấn về mô hình trồng cây dược liệu chưng cất tinh dầu ở Vĩnh Phúc, Sau khi tìm hiểu, chị nhận thấy đây là những cây dễ trồng, cách thức chăm sóc giống như trồng các loại cây màu ở địa phương, nhưng thu nhập lại cao gấp mấy chục lần. Trước nhu cầu sử dụng cây dược liệu rất nhiều trên thị trường trong khi thực tế tại Việt Nam nguồn cây quý này đang ngày càng trở nên cạn kiệt do bị khai thác quá bừa bãi, chị Mai bàn bạc với gia đình thuê lại diện tích đất sản xuất nông nghiệp sản kém hiệu quả của người dân, sau đó đưa giống các loại cây dược liệu như: hương nhu, bạc hà, mùi, xả chanh về trồng và chăm sóc. Chị hy vọng đây là cơ hội tốt để làm giàu  trên chính mảnh đất quê mình. Chị chia sẻ, mặc dù các cây dược liệu lại phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu đất đồng quê chị, cây nào cây nấy xanh tốt, cho ra chất lượng tinh dầu hoàn hảo nhưng chị cũng không dám trồng nhiều, vì trồng ra chưa biết bán ở đâu, bán cho ai. Sau khi nhờ các mối quan hệ và nhiều lần tìm đến các công ty dược khác nhau, cuối cùng có một đơn vị nhận bao tiêu đầu ra, từ đó chị mới yên tâm trồng với quy mô lớn.

Thấy cây dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao, chị quyết định mở rộng mô hình và nghiên cứu trồng thêm loại cây dược liệu mới. Năm nay, gia đình chị trồng thêm 2 ha cây bạch đàn chanh nâng tổng diện tích trồng cây dược liệu của chị đã lên tới 15ha, trồng trồng 4 loại cây dược liệu chính là hương nhu, bạc hà, mùi, bạch đàn chanh. Đây là những cây dược liệu dễ trồng, chi phí sản xuất thấp, ít tốn công chăm sóc, hiệu quả lại cao hơn nhiều so với trồng lúa, ngô, các cây rau màu khác.

Sau gần một năm học chưng cất tinh dầu và thử nghiệm sản xuất, chị Mai cùng chồng dốc toàn bộ vốn liếng gần 500 triệu đồng vào đầu tư xây nhà xưởng rộng 1.500 m2, mua sắm máy móc, thiết bị dây chuyền để chưng cất tinh dầu với công suất tiêu thụ gần 4 tấn nguyên liệu, sản xuất ra khoảng 30 lít tinh dầu/ngày.

Để có thêm nguồn nguyên liệu, gia đình chị đã vận động người dân trong thôn, xã và cả các xã lân cận liên kết sản xuất, khuyến khích bà con trồng, cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm. Nhờ thế mà nhiều hộ gia đình có điều kiện vươn lên để làm giàu. Đến nay, đã có 8 hộ trong và ngoài xã liên kết với gia đình chị trồng nguyên liệu với tổng diện tích hơn 8 ha.

Chị Mai đã đăng ký thương hiệu cho sản phẩm để bán ra thị trường các lọ tinh dầu thành phẩm. Còn lại phần lớn là xuất bán các loại tinh dầu thô cho các công ty lớn ở Hà Nội như công ty Cổ phần Tinh dầu thiên nhiên Hà Nội, công ty Cổ phần tinh dầu Bạch đàn chanh Việt Nam, công ty Cổ phần dược phẩm Sao Thái Dương... . Năm 2020, xưởng sản xuất của gia đình chị Mai chưng cất được hơn 500 kg tinh dầu các loại, doanh thu đạt 1,2 tỷ đồng, trừ chi phí còn hơn 600 triệu đồng. Hiện xưởng sản xuất của chị tạo việc làm cho 12 lao động thường xuyên tại địa phương, với mức thu nhập từ 3-3,6 triệu đồng/người/tháng.

Chị Mai còn chia sẻ thêm, các cây dược liệu gia đình trồng dùng để chưng cất tinh dầu đều không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chủ yếu sử dụng phân hữu cơ nên rất an toàn. Sản phẩm tinh dầu dùng để chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh và làm đẹp với thị trường tiêu thụ rộng lớn.  Các sản phẩm tinh dầu của cơ sở làm ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đó. Đa phần làm không đủ đơn đặt hàng vì nguồn nguyên liệu còn ít. Trong thời gian qua, dù bị ảnh hưởng từ dịch Covid -19 khiến nhiều mặt hàng nông sản ế ẩm, nhưng đầu ra của cây dược liệu vẫn rất ổn định và được giá. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, lợi nhuận thu về từ vườn liệu của gia đình chị đã đạt trên 300 triệu đồng

Để nâng cao chất lượng, sản lượng và hiệu quả kinh tế, chị Mai dự kiến thời gian tới sẽ đầu tư thêm hệ thống lò hơi, đun, nấu tự động; mở rộng quy mô nhà xưởng và xây dựng chuỗi sản xuất khép kín nhằm giảm giá thành sản phẩm. Đồng thời, tìm kiếm và xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định để chủ động cho sản xuất.

 

Thanh Bình