00:00 Số lượt truy cập: 2669786

Làm giàu nhờ nuôi lợn và trồng cây ăn trái 

Được đăng : 20/10/2021
Sinh năm 1977 trong một gia đình thuần nông ở xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Do điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn, năm 16 tuổi, anh Trần Như Kiên theo những người trong làng đi làm nghề mộc, nghề dựng nhà gỗ trên khắp các vùng bản làng Tây Bắc. Sau nhiều năm theo nghề, rong ruổi khắp các vùng miền xứ sở này, năm 1999 duyên trời se phận cho anh với một cô gái Thái xinh đẹp, và anh đã quyết tâm lấy đất bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu, Sơn La làm nơi sinh cơ lập nghiệp.

tran-nhu-kien

Sản phẩm sản Miền Thiết của gia đình anh Trần Như Kiên được có trong đơn hàng nông sản xuất sang Mỹ của tỉnh Sơn La

 

 An cư thì mới lạc nghiệp, có một số vốn nhỏ, anh Kiên bỏ hẳn việc rong ruổi lang thang theo nhóm bạn nghề đi cơm thiên hạ, vợ chồng anh mua một mảnh đất nhỏ mưu sinh cuộc sống. Cũng như bao gia đình người Thái đất Yên Châu nơi đây, gia đình anh Kiên cũng làm nương làm rẫy, quanh năm tất bật với công việc ruộng đồng mà cũng chẳng khấm khá nên được bao nhiêu.

Vốn là người miền xuôi, khi nên đây lập nghiệp thì cách nghĩ, cài nhìn nó cũng đeo bám theo anh ngay từ những ngày đầu đặt chân đến xứ này. Anh nghĩ rằng, ở quê vùng xuôi, người nông dân nghèo quanh năm vì do đất chật người đông, làm việc chăm chỉ cả đời cũng không dứt ra được khỏi cái đói, cái nghèo, còn người dân nơi đây nghèo là do họ chưa nhìn thấy được giá trị tiềm năng của, tiềm ẩn của những mảnh vườn, nương rẫy rộng dài vô tận.

Trong một lần về quê Hà Nam năm 2009, thấy ở quê phong trào nuôi lợn nái phát triển rầm rộ, nhiều nhà giàu lên rất nhanh từ công việc chăn nuôi lợn quy mô lớn, nhất là nuôi lợn nái cung cấp giống ra thị trường, thấy đây là một cơ hội, anh Kiên mua 2 con lợn nái cao sản đem về đất Tây Bắc để nuôi với hy vọng sẽ nhanh chóng có thành quả tốt đẹp.

Tuy nhiên, gần như với ai cũng vậy, vạn sự khởi đầu nan. Khi chưa hiểu nhiều về tập tính, thói quen của con lợn, cộng với việc vận chuyển con giống từ dưới miền xuôi lên chưa thích nghi với điều kiện thời tiết khí hậu. Nên chỉ sau vài tháng nuôi, 2 con lợn nái của anh sinh được 20 con rồi chết dần chết mòn, nghĩ lợn dưới xuôi khó thích nghi với miền ngược nên anh tiếp tục mua thêm lợn bản địa về nuôi nhưng cũng không thành công, đàn lợn chết dần chết mòn khiến anh rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất.

Không nản, anh nghĩ rằng thất bại tất cả do việc chăm sóc chưa đúng quy trình kỹ thuật, người ta nuôi được mình cũng nuôi được. Bỏ hết công việc, anh lại khăn gói về quê Hà Nam lăn lóc ăn ở cùng các anh em người quen tại các trang trại lợn suốt hơn 1 tháng trời, anh giành hầu như tất cả thời gian để học hỏi, nghiên cứu, tìm hiểu mọi thứ liên quan đến việc để phát triển thành công một trang trại nuôi lợn.

Quay về đất Sơn La, với kiến thức và kinh nghiệm chăn nuôi đã nắm trong tay, năm 2008 anh mạnh dạn vay Ngân hàng NN&PTNT huyện Yên Châu số tiền 300 triệu đồng, một phương án đấu tư mạnh dạn và theo anh sẽ không còn lối thoát nếu việc chăn nuôi gặp thất bại.

Lần thứ 2 khởi nghiệp bằng 10 con lợn nái và 100 con lợn thịt. Tất cả nguồn lực, tâm trí dốc sức hết cho lần này, vì anh nghĩ không bao giờ được thất bại. Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn lợn nuôi theo hướng an toàn sinh học, không phụ tay người chăm sóc, đàn lợn sinh trưởng phát triển rất tốt. Thời điểm đàn lợn nái bước vào thời kỳ sinh sản cũng là khi đàn lợn thịt được xuất bán, gặp thời điểm giá tốt, sau trừ chi phí đầu tư anh Kiên lãi hơn 700 triệu đồng.

Nhận thấy thời điểm lợn đang được giá cả lợn thịt cả lợn giống, anh tiếp tục quay vòng vốn, tái đầu tư để tăng đàn lợn nái lên 40 con và lợn thịt lên 500 con. Chỉ sau hơn 1 năm, anh Kiên lãi 1,5 tỷ đồng(2010) và năm 2013, anh Kiên có 150 con lợn nái và trên 1000 con lợn thịt.

Ngoài kinh nghiệm nuôi và chăm sóc tốt cho đàn lợn, khả năng phán đoán, phân tích thị trường là một yếu tố rất quan trọng, sự nhìn nhận, đánh giá tốt, cộng với một chút may mắn đã đem lại lợi nhuận không nhỏ cho gia đình ông. Biết được dịch tả lợn Châu Phi sẽ làm giá lợn tụt dốc không phanh, ngay từ khi dịch chưa ảnh hưởng đến chăn nuôi trong nước, anh đã xuất bán hết 60 tấn ra thị trường, với giá bán lợn hơi 52.000 – 53.000 đồng/kg, anh Kiên thu trên 3 tỷ đồng. Và khi giá lợn tụt dốc xuống kỷ lục thì anh lại bỏ vốn ra mua vào, không đủ diện tích nhốt anh thuê luôn cả chuồng trại của bà con để nuôi nhốt. Sau dịch tả lợn châu Phi, cuối năm 2019 đến hết năm 2020, giá lợn tăng cao vọt anh  xuất bán hết thu được gần 20 tỷ đồng.

Không dừng lại ở việc chăn nuôi lợn, có vốn anh Kiên đầu tư 7ha nhãn chín muộn Miền Thiết và hơn 1ha xoài tượng da xanh theo hướng hữu cơ. Để tạo nguồn phân hữu cơ bón cho cây, anh dùng phương pháp ủ phân hữu cơ vi sinh từ nguồn phân lợn với cây thân cỏ, lõi ngô …, cùng các loại phụ phẩm nông nghiệp tiến tới tự chủ 90% chi phí phân bón cho vườn cây nhãn và xoài.

Hiện nay với tổng diện tích sản xuất lên đên 7,7ha kết hợp chăn nuôi và trồng trọt, sản lượng trung bình năm cho 14 tấn quả, xuất chuồng 350 tấn lợn hơi và số lợn nái trong chuồng luôn đạt 300 con. Lợi nhuận thu được năm sau cao hơn năm trước: 1,4 tỷ(2018), 7 tỷ(2019), 12 tỷ (2020). Tạo công ăn việc làm cho 7 lao động thường xuyên, 30 lao động mùa vụ (bình quân 7 triệu đồng /tháng/người). Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP, cơ sở sản xuất của gia đình anh Kiên chuyển dần sang sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sản phẩm nhãn được cấp mã số vùng trồng, chứng nhận sản phẩm VietGAP. Cuối 2018, sản phẩm nhãn của gia đình anh cũng được nằm trong đơn hàng nông sản của tỉnh Sơn La xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Bằng sự nỗ lực, cố gắng không biết mệt mỏi của mình trong phát triển kinh tế, nhiều năm liền anh Kiên được các cấp, các ngành tặng Bằng khen, Giấy khen về thành tích sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp đỡ hội viên nông dân xoá đói, giảm nghèo và tạo việc làm cho người lao động địa phương. Vinh dự gần đây nhất với anh Trần Như Kiên là được Hội đồng bình xét của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đề cử danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2021.

Trường Giang