00:00 Số lượt truy cập: 2673269

Làm giàu trên quê hương đất võ 

Được đăng : 05/06/2023

z4388663780889c115a919cd3d0b90ed75980639dc942e

Ông Mai Văn Rõ, xã Ân Tường Tây vừa tiếp nhận gà giống từ Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh

 

Vốn người dân quê biển ở xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, cuộc sống đầy khó khăn, nghèo đói nên gia đình ông Mai Văn Rõ chuyển đến thôn Tân Thịnh, xã Ân Tường Tây, huyện Hoài Ân để làm kinh tế vườn đồi,  hy vọng cuộc sống có nhiều thay đổi. Thời gian đầu, ông thuê của UBND xã Ân Tường Tây 4ha đất khô cằn sỏi đá nằm lưng chừng đồi Gò Loi để trồng rừng kết hợp chăn nuôi. Tham gia hội viên Hội Nông dân năm 2005, được tham dự nhiều các lớp đào tạo, tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, tiếp thu những kiến thức ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao cùng với tham khảo qua sách, báo, mạng internet, học hỏi trong thực tế, ông Rõ mạnh dạn đầu tư vốn để xây dựng chuồng trại chăn nuôi heo sinh sản, heo thịt và thả gà.

Vạn sự khởi đầu nan, đầu tư buổi ban đầu muôn vàn khó khăn, đất thì đi thuê, tiền đầu tư ban đầu thì phải vay mượn, là người tiên phong nên kinh nghiệm chưa có nhiều. Nhưng với ý chí sắt đá, nghị lực và quyêt tâm cao, ông Rõ và gia đình từng bước khắc phục khó khăn, cần cù chịu khó, lấy ngắn nuôi dài, vừa làm vừa học vừa rút kinh nghiệm trong sản xuất. Từ 4ha đất thuê ban đầu ông mua dần, tích cóp, mở rộng diện tích canh tác và nay là chủ sở  hữu 8ha đất trồng keo lai.

Trồng rừng kết hợp chăn nuôi theo mô hình trang trại tổng hợp, ông nuôi heo sinh sản, heo thịt, và chăn gà với diện tích chăn thả đến 1.770 m2. Năm 2018, trong chuồng luôn có khoảng 40 con heo sinh sản và 500 con heo thịt. Riêng với đàn gà, ban đầu, ông nuôi vài trăm con, sau tăng dần lên nghìn con, rồi vài ba nghìn con. Đến nay, ông Rõ đang sở hữu hàng chục dãy chuồng với đàn gà ta hơn 30.000 con. Tính từ năm 2016 đến nay, sau khi đã trừ chi phí, thu nhập mỗi năm của gia đình ông thu lãi hơn 1,1 tỷ đồng; riêng năm 2020, thu lãi gần 1,6 tỷ đồng.

Theo chia sẻ của ông Rõ, so với nuôi nhốt, chuồng trại để nuôi gà thả đồi đơn giản, chi phí đầu tư thấp hơn nuôi nhốt. Đàn gà được thả rông tự tìm thức ăn ở các gò đất, gốc cây nên giảm được phần lớn chi phí thức ăn. Gà không bị bó buộc, vận động nhiều trong môi trường nhiều cây xanh, bóng mát quanh năm nên sức đề kháng tốt, ít phát sinh dịch bệnh hơn gà nuôi nhốt. Vóc dáng gà thả đồi đẹp, thịt chắc và dai, nên người tiêu dùng rất ưa chuộng.

Trang trại gà của gia đình ông tạo việc làm ổn định thường xuyên cho 2 lao động và 7 - 10 lao động thời vụ. Sẵn sàng chia sẻ, phổ biến kiến thức, kỹ thuật, kinh nghiệm trồng trọt và chăn nuôi cho bà con đặc biệt là các hội viên nông dân ở địa phương. Đối với các hộ thiếu vốn, ông sẵn sàng cho mượn để phát triển sản xuất và giúp đỡ thoát nghèo bền vững từ 02 - 03 hộ/năm. Từ hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi gà ta thả đồi của ông Mai Văn Rõ, nhiều hộ ở huyện Hoài Ân học tập làm theo và cũng thu được kết quả khả quan. Ví như trường hợp của ông Đinh Quốc Hiệp ở thôn Vĩnh Hòa, xã Ân Đức (huyện Hoài Ân). Năm 2014 ông Hiệp chỉ nuôi vài trăm con, giờ nuôi mỗi năm 2-3 lứa, mỗi lứa 2.000 con.  Được giúp đỡ nông dân biết ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt và sản phẩm làm ra mang tính tập trung, hàng hóa bán được với giá cao, tạo việc làm và thu nhập cho nông dân, thanh niên không phải rời quê đi làm ăn xa là điều ông tâm đắc nhất.

Thêm một cơ hội tốt, mới đây, gia đình ông Mai Văn Rõ được là một trong 7 hộ dân được tham gia chương trình vay vốn theo Quyết định số 41/2022/QĐ-UBND ngày 4/8/2022 của UBND tỉnhBình Định về ban hành chính sách khuyến khích chăn nuôi gà thả đồi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2026, Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện đã giải ngân 1,2 tỷ đồng cho 7 hộ dân để tạo nguồn vốn sản xuất kinh doanh.

Theo đó, trong năm 2023, các hộ dân sẽ thả nuôi 2 lứa, với 42 ngàn con gà, quy mô tối thiểu 3000 con/lứa; có điều kiện xây dựng chuồng nuôi đảm bảo an toàn sinh học và diện tích tối thiểu 3.000m2; vị trí xây dựng chuồng trại đảm bảo khoảng cách theo quy định tại Điều 5, Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 30 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi. Các hộ chăn nuôi được hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn; 50% chi phí con giống gà 01 ngày tuổi, tối đa không quá 6.000 đồng/con; cam kết chăn nuôi đúng quy trình kỹ thuật, thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường

Bản thân ông Rõ cùng các thành viên trong gia đình luôn thực hiện tốt đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tham gia đầy đủ các phòng trào địa phương và Hội Nông dân các cấp phát động, tích cực đóng góp vào các quỹ: Đền ơn đáp nghĩa, Vì người nghèo, Cứu trợ thiên tai, Quỹ hỗ trợ nông dân. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, ông gương mẫu hiến 10 sào đất, hoa màu để xây dựng các tuyến đường bê tông trong thôn, xóm và nhà văn hóa thôn; gia đình ông đã xây lò tự hủy đối với bao bì, chôn lấp xác động vật chết đúng quy định; tận dụng chất thải chăn nuôi làm khí đốt, ủ với vôi và các chất khác làm phân bón; tạo môi trường sản xuất thông thoáng, được hội nông dân xã, huyện đánh giá cao.

Với những nỗ lực, phấn đấu trong các phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng nông thôn mới, từ năm 2016 đến nay, ông Mai Văn Rõ luôn được công nhận là Hội viên nông dân xuất sắc; được Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích trong lao động sản xuất, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

 

Mai Loan