00:00 Số lượt truy cập: 2692001

Làm giàu từ cây lúa trên đất phèn 

Được đăng : 21/02/2022
Nhận thấy trồng lúa muốn giàu, muốn khỏe phải áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật nên ông Nguyễn Văn Thơi (ấp Vĩnh Bửu, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) đã mạnh dạn ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, áp dụng mô hình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, sử dụng giống chất lượng cao nên năng suất lúa năm sau luôn cao hơn năm trước. Nhờ đó mà gia đình ông đã thoát nghèo, vươn lên trở thành hộ khá giả, tích góp được hàng chục hécta đất sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.


hailua

Ông đầu tư mua máy móc để phục vụ bà con

Về xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, hỏi thăm gia đình ông Nguyễn Văn Thơi, có lẽ ai cũng biết, bởi ông không chỉ là nông dân sản xuất giỏi mà hơn 40 năm qua, ông cùng gia đình đã khai hoang, cải tạo vùng đất phèn, hỗ trợ nhiều bà con ở địa phương cùng làm giàu trên vùng biên xa xôi.

Sau khi lấy vợ năm 1979, vợ chồng ông được gia đình cho 2ha đất sản xuất ở vùng đất Vĩnh Bửu. Mảnh đất phèn vùng biên giới này ban đầu không thể trồng trọt, lại không có điện, không có nước sinh hoạt, nhưng ông cùng với một số nông dân vẫn kiên trì bám trụ.Vợ chồng ông phải xoay xở thêm đủ nghề để sinh nhai. Những năm đầu, cuộc sống cả gia đình ông luôn bấp bênh vì luôn phải đối diện với nước lũ, chuột, châu chấu, cào cào phá hoại. Không ngại khó khăn, vất vả, ông bà ra sức khai hoang, đào kênh, mương tháo chua, rửa phèn để trồng lúa, hoa màu và thử nghiệm các loại nông sản khác nhau.

Năm 2000, ông Thơi lặn lội xuống Tân An, rồi ra tận Hà Nội để học tập kiến thức về khuyến nông, áp dụng khoa học kỹ thuật để trồng lúa 2 vụ. Năm 2005, ông Thơi mạnh dạn vay vốn mua sà lan Cobe, máy xúc, máy ủi tiếp tục cải tạo đất, đôn nền đắp bờ bao. Ông còn đầu tư 1 hồ trữ nước ngọt với hệ thống ống dẫn máy bơm hiện đại để chủ động nước tưới vào mùa khô, phòng ngừa mùa hạn mặn xâm nhập. Nhằm tăng năng suất, chất lượng hạt lúa, với mục tiêu hướng đến xuất khẩu, bán được giá cao, ông mạnh dạn ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, áp dụng mô hình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, sử dụng giống chất lượng cao nên năng suất lúa năm sau luôn cao hơn năm trước. Năng suất lúa tăng từ 5 tấn lên 7 - 8 tấn/ha/vụ. Chi phí đầu tư cũng giảm từ 10 triệu xuống chỉ còn 8 triệu/ha, giảm được rất nhiều chi phí đầu tư cho cây lúa. Nhờ đó mỗi năm trung bình mang lại thu nhập từ 2 vụ lúa khoảng hơn 2 tỷ đồng. Sau 40 năm gắn bó với cây lúa, ông tích lũy vốn mua thêm đất canh tác. Đến nay, gia đình ông có 70ha (55ha đất trồng lúa, 15ha đất trồng tràm) và nhiều tài sản có giá trị.

Điều đáng quý là ông rất nhiệt tình truyền đạt kinh nghiệm và chuyển giao khoa học công nghệ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn tham gia sản xuất để phát triển kinh tế. Ông chia sẻ, nhiều mà con thấy mô hình trồng lúa của gia đình hiệu quả nên muốn học hỏi, áp dụng. Ông tận tình hướng dẫn, giúp đỡ cho bà con về vốn, giống và kĩ thuật canh tác. Những hộ nông dân được ông hỗ trợ từ chỗ nghèo đói đã có kinh tế, từng bước trở thành các hộ giàu. Ông còn đầu tư mua máy móc, vừa phục vụ sản xuất, vừa làm dịch vụ. Vào vụ, ông giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động tại địa phương có thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.

Không những thế, ông Thơi còn là tấm gương sáng, luôn đi đầu trong các phong trào thi đua của địa phương. Khi được tuyên truyền, vận động về Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, ông đồng tình, tích cực hưởng ứng, tự nguyện hiến hàng chục ngàn mét vuông đất cho Nhà nước để thi công đường giao thông nông thôn.  Nhờ sự đóng góp của những nông dân tiêu biểu như ông Thơi mà vùng biên giới Vĩnh Đại, Vĩnh Bửu huyện Tân Hưng giờ đây đã khởi sắc với những con đường trải nhựa, bê tông thẳng tắp, những ngôi nhà khang trang và những cánh đồng lúa tươi tốt được ứng dụng cơ giới hóa ngày càng nhiều. Ngoài ra, ông còn luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, tham gia các hoạt động từ thiện - xã hội ở địa phương. Hàng năm, ông còn đóng góp các loại quỹ của địa phương với hàng chục triệu đồng, tặng học bổng cho học sinh nghèo và sẵn lòng giúp đỡ những hộ khó khăn bằng cách cho mượn giống lúa không tính lãi. Ông luôn được bà con lối xóm yêu mến và kính trọng, đó là món quà ông trân quý nhất.

Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, ông Thơi đã đưa gia đình vươn lên thoát nghèo và đẩy mạnh phong trào đưa khoa học về đồng ruộng. Tấm lòng và sự cống hiến của ông được các cấp, các ngành ghi nhận và ông được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen. Ông được nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam tiêu biểu xuất sắc, bằng khen của Hội Nông dân Việt Nam về thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, hoạt động xã hội và xây dựng nông thôn mới, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích trong việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Mạnh Hùng