00:00 Số lượt truy cập: 2668859

Làm giàu từ sản xuất lúa và kinh doanh dịch vụ nông nghiệp hiệu quả 

Được đăng : 09/06/2021
Anh Nguyễn Thanh Hồng ở ấp Tràm Dưỡng, xã Mỹ Phước là một nông dân năng động, dám nghĩ, dám làm đã phát triển thành công mô hình kinh tế phù hợp, thu lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm nhờ sở hữu nhiều máy nông nghiệp và trồng lúa theo tiêu chuẩn toàn cầu-GlobalGAP, có nhiều đóng góp trong xây dựng nông thôn mới.

binh

Gia đình anh hiện sở hữu 15 chiếc máy gặt đập liên hợp, 5 máy cày

 

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, xã Kiến An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, sau đó, gia đình anh về huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang lập nghiệp. Xuất phát điểm vô cùng khó khăn, những ngày đầu lập nghiệp trên mảnh đất Kiên Giang đã không làm khó được anh. Càng khó khăn, anh càng quyết tâm tạo dựng sự nghiệp trên mảnh đất này. Nghĩ lại thời gian đó, anh thấy bản thân mình lúc ấy gan thật, giá lúa thấp, nhân công không có nhưng vẫn vay vốn làm ruộng, làm dịch vụ nông nghiệp đủ thứ.

Trước đây vùng Mỹ Phước còn bị nhiễm nặng phèn, nên cây lúa cho năng suất chưa cao. Từ khi huyện, xã có chủ trương chuyển quy hoạch vùng sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng như nạo vét kênh thủy lợi, hạ thế trạm bơm điện, xây dựng nhãn hiệu tập thể … gia đình anh đã tích góp mua 9 ha đất ruộng để trồng lúa. Những năm đầu làm ruộng, do chưa cập nhật những kiến thức mới vào sản xuất nên năng suất, chất lượng lúa nhiều năm liền không đạt yêu cầu. Sau khi được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật do Phòng Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông, Tổ kinh tế kỹ thuật phối hợp với Hội Nông dân xã tổ chức và được sự phụ giúp của của cậu con trai tốt nghiệp Trường Đại học Nông lâm TP.HCM giấc mơ làm gạo sạch xuất khẩu đã trở thành hiện thực. Gia đình anh đã mạnh dạn chuyển đổi 2,5 ha ruộng sản xuất theo quy trình sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế SRP (Sustainable Rice Platform). Toàn bộ gạo được bán lẻ theo đơn đặt hàng của các đại lý, vựa gạo và người dân trong huyện. Còn lại 5ha, anh liên kết sản xuất theo chuỗi với doanh nghiệp sản xuất lúa theo chuẩn GlobalGAP để xuất khẩu. So cách làm truyền thống, năng suất sản xuất lúa theo chuẩn GlobalGAP vẫn đạt 7 tấn/ha, nhưng giảm 40-50% chi phí, sức khỏe và đặc biệt là môi trường nông thôn an toàn hơn. Từ mô mô hình sản xuất lúa này sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi vụ gia đình anh lãi 25 triệu đồng/ha. Anh chỉ trăn trở một điều, việc chuyển đổi sản xuất theo quy trình canh tác lúa gạo bền vững là xu hướng tất yếu của nền nông nghiệp trong tương lai nhưng đa phần bà con nông dân vẫn chưa thích ứng được.

Từ chính sách của Đảng, Nhà nước cho vay vốn phát triển sản xuất,  ông là người đầu tiên ở địa phương sở hữu máy cắt đập liên hợp trị giá 175 triệu đồng. Đến nay, nhờ đam mê máy móc từ nhỏ và những kiến thức bài bản đã học về cơ khí trước đây tại Trung tâm Cơ khí quận 5 (TP.HCM), anh đã có nền tảng vững chắc để quản lý và sử dụng hiệu quả 15 máy cắt đập liên hợp, 5 máy cày của gia đình. Nhờ lấy chữ tín làm đầu nên anh Hồng được khách hàng tin tưởng. Bà con nào thuê anh đều làm hết tâm hết sức như làm cho gia đình mình. Bản tính kỹ lưỡng, làm việc nhanh gọn, hiệu quả cao nên bà con yên tâm khi giao cho anh. Những năm giá lúa thấp, anhg giảm giá công cắt để chia sẻ cùng nông dân. Đến nay, với 15 chiếc máy gặt đập liên hợp, 5 máy cày, mỗi năm gia đình anh có thu nhập sau khi trừ chi phí được 1.510.000.000đ/năm.

Để đạt được những kết quả trên, bản thân anh luôn học hỏi rút kinh nghiệm từ các mô hình làm ăn có hiệu quả ở nhiều nơi. Mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nên năng suất, hiệu quả kinh tế đạt chất lượng cao. Gia đình anh đi đầu trong việc thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất thực phẩm sạch gắn với bảo vệ môi trường nông thôn và tích cực vận động mọi người cùng thực hiện. Mạnh dạn áp dụng mô hình sản xuất lúa gắn với dịch vụ thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp cho gia đình và làm dịch vụ cày, xới, thu hoạch lúa cho bà con nông dân trong vùng.

Những kiến thức có được, anh đã hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nhiều người lao động ở nông thôn. Kết quả đã hướng dẫn, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất cho 50 lao động, giúp đỡ 15 lao động có việc làm ổn định lâu dài, trong đó giúp đỡ được 04  hộ nghèo khó khăn vươn lên thoát nghèo.

Gia đình anh luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, có tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, nhiều năm liền gia đình được công nhận là gia đình văn hoá. Đã đóng góp xây dựng và phát triển nông thôn số tiền từ 40 - 50 triệu đồng/năm và 18 ngày công lao động cùng chính quyền địa phương trong việc sữa chữa lộ giao thông, trường học, trạm y tế....

Từ khó khăn gầy dựng nên sự nghiệp nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật và ý chí làm giàu bằng cái tâm, anh Nguyễn Thanh Hồng là tấm gương sáng cho bà con học tập, là điển hình tiên tiến tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ V, giai đoạn 2015 - 2020.

Thùy Dung