00:00 Số lượt truy cập: 2668167

Lợi nhuận tối đa với mô hình nông nghiệp tuần hoàn “Nuôi thỏ - trồng măng tây xanh” 

Được đăng : 20/10/2021

mo-hinh

Sau khi rác được thu gom về sẽ ủ men vi sinh.

 

Tốt nghiệp đại học chuyên ngành xây dựng, anh Phạm Hùng Cường (sinh năm 1989, sống ở xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) trở về làm cán bộ địa chính tại địa phương. Năm 2015, xã Tịnh Hiệp hợp nhất các hợp tác xã trên địa bàn thành một hợp tác xã mới, anh Cường được chuyển sang làm quản lý hợp tác xã.

 Công việc mới anh được đi nhiều nơi, được thăm nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, tiếp xúc với nhiều nông dân thành công, nhiều người trở thành đại gia từ sản xuất nông nghiệp do biết thay đổi cách nghĩ, cách làm. Và ý định gắn bó với nông nghiệp để phát triển, để làm giau thôi thúc trong anh.

 Thời điểm năm 2015, phong trào trồng măng tây ở địa phương phát triển, cây măng tây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng khí hậu ở địa phương cho lợi nhuận cao hơn nhiều lần so với trồng rau hay loại cây nông nghiệp khác. Cây măng tây rất nhiều sâu bệnh, bà con thường dùng thuốc trừ sâu để phun. Tuy nhiên do chu kỳ thu hoạch măng tây gần như liên tục nên việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gây mất an toàn cho cả người trồng và người tiêu dùng.

Sau thời gian tìm hiểu, nghiên cứu về những mô hình nông nghiệp hữu cơ, anh quyết định thay đổi cách làm. Trên diện tích 5000 m2 trồng măng tây, thay vì dùng thuốc trừ sâu hóa học, anh Cường tự tìm hiểu, mày mò pha chế dung dịch trừu sâu hữu cơ bao gồm các nguyên liệu sẵn có và rẻ tiền như ớt - tỏi - gừng và men vi sinh để xử lý sâu bệnh cho cây măng tây. Loại dung dịch  này trừ sâu cũng rất hiệu quả tuy nhiên thời gian sâu chết sẽ lâu hơn, đòi hỏi sự kiên trì và sẽ chi phí chăm sóc sẽ mất nhiều công sức hơn là dùng hóa chất.

 Măng tây chỉ thu hoạch cây búp non, còn nhiều cành già và gốc thì thường xuyên phải tỉa bớt. Tận dụng nguồn nguyên liệu này, anh Cường dùng nuôi thỏ. Vì măng tây của anh không dùng thuốc trừ sâu hóa chất nên thỏ ăn rất an toàn và mau lớn.

Ý tưởng “vòng tuần hoàn khép kín” trong mô hình của anh Cường thực sự được triển khai khi anh Cường thấy phân thỏ cần phải được ủ cùng rác thành nguồn phân hữu cơ vi sinh bón lại cho ruộng măng tây. Anh tìm mua loại chế phẩm vi sinh uy tín và có thương hiệu trên thị trường ủ phân thỏ với nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp, rác hữu cơ khảng  hơn 1 tháng là có thể sử dụng.

 

Năm 2019, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, anh Cường mang "Mô hình nuôi thỏ và trồng măng tây khép kín theo hướng hữu cơ" đi thi và giành giải ba. Đây cũng là dự án duy nhất trong lĩnh vực nông nghiệp đoạt giải.

Có thêm động lực, anh Cường mở rộng quy mô sản xuất. Khi lượng phân thỏ và phụ phẩm từ việc trồng măng tây không đủ để làm phân hữu cơ bón cho măng tây, anh nghĩ ra cách đi xin, mua lại nguồn rác hữu cơ từ các nhà hàng qua những lần đi giao hàng. Anh thuyết phục các nhà hàng, quán ăn đổi rác - lấy rau để khéo nhờ các nhà hàng lựa và phân loại rác. Với các cửa hàng bán nước ép, sinh tố trái cây anh cũng liên hệ xin rác, đổi rau để xin phần bã trái cây, rau củ mang về.

Sau khi đem về, rác được trộn với men vi sinh rồi ủ thành phân hữu cơ. Anh Cường dùng chuối, mắt trái dứa, sữa chua, mật rỉ đường (chất thay thế đường)... để sản xuất men vi sinh giúp nhanh chóng phân hủy rác. Loại bã rau củ, trái cây phân hủy rất nhanh và có nhiều chất dinh dưỡng khác nhau nên rất tốt cho sự phát triển của măng tây.

Hiện anh Cường đã mở rộng quy mô lên 3 ha trồng măng tây hữu cơ. Trung bình mỗi năm, trừ các chi phí, 1 ha măng tây có thể đem về thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Anh liên kết với các thành viên trong hợp tác xã để duy trì đàn thỏ nái 1000 con, cho xuất bán khoảng 4 tấn thỏ/tháng, đem về thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng cho mỗi thành viên.

Dám nghĩ, dám làm theo cách riêng của mình để tạo một mô hình nông nghiệp tuần hoàn khép kín, chất thải và phụ phẩm của quá trình sản xuất này là đầu vào của quá trình sản xuất khác nhằm tối đa hóa lợi nhuận, giảm thiểu chi phí nguyên liệu đầu vào, mô hình kinh tế tuần hoàn của anh Cường tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm tối đa sự lãng phí, thất thoát và nhất là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là xu hướng tất yếu của sản xuất nông nghiệp trong tương lai.

 

Ánh Dương