00:00 Số lượt truy cập: 2679169

Mạnh dạn làm giàu với mô hình trồng dưa lưới 

Được đăng : 06/11/2023
Với mong muốn có một nghề, nhờ nghề đó mà làm giàu ngay trên quê nhà đã thôi thúc anh Nguyễn Văn Tiến ở xã Tứ Cường, huyện Thanh Miện (Hải Dương) dùng hết vốn liếng có được sau mấy năm bôn ba đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, vay thêm vốn ngân hàng đầu tư xây dựng 7.000m2 nhà kính để trồng dưa lưới, dưa chuột, dưa lê vàng lai Happy 6.

huong-3

Dưa lê vàng lai Happy 6 trong thời kỳ quả xanh.

 Để đồng vốn bỏ ra đầu tư vào sản xuất không bị thất bại, anh Tiến không tiếc tiền thuê chuyên gia tư vấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và quản lý sâu bệnh hại các cây trồng trong trang trại.

Theo đó, anh được chuyên gia chỉ dẫn trồng cây dưa trên bịch giá thể 100% xơ dừa, bón phân qua hệ thống tưới tự động nhỏ giọt tới từng gốc cây. Kết quả năm đầu tiên, trên diện tích 2.000m2 nhà kính, anh Tiến thu được gần 25 tấn dưa chuột và dưa lê vàng lai Happy 6 cho doanh thu đạt trên 600 triệu đồng.

Phấn khởi với doanh thu đạt được, anh Tiến liền mở rộng quy mô nhà kính và gieo trồng mỗi năm 3 - 4 vụ dưa các loại, chủ yếu là dưa lê vàng lai Happy 6, doanh thu đạt ngót 3 tỷ đồng/năm. Khởi nghiệp trồng dưa trong nhà kinh liên tục từ năm 2020 đến nay, chưa vụ nào anh Tiến bị thất thu vì rớt giá hay bị sâu bệnh hại, bao gồm cả những bệnh khó phòng trừ như héo xanh, héo vàng trên cây dưa.

Theo chia sẻ của anh Tiến, trồng dưa trên giá thể (xơ dừa) là một trong những tiến bộ kỹ thuật mới giúp khắc chế hoàn toàn được các bệnh héo vàng, héo xanh do nấm và tuyến trùng gây ra. Nhưng để sản xuất đạt hiệu quả cao, cần lựa chọn và xử lý giá thể đúng quy trình kỹ thuật.

Theo đó, phải chọn mua xơ dừa lấy từ những quả dừa khô đủ 1 năm tuổi, sau đưa vào ngâm 48h trong nước vôi nồng độ 20g/lít để khử chát, rút kiệt nước rồi ngâm tiếp xơ dừa trong nước sạch 24h. Cuối cùng rửa thêm 2 - 3 lần nữa cho sạch hết nước vôi, tới khi nước rửa xơ dừa không còn màu nâu đen mới đạt yêu cầu.

Anh Tiến cũng nhắc lưu ý khi sử dụng giá thể: Luân phiên gối vụ, thu gom giá thể trồng vụ trước, phơi nắng khô kiệt để dùng cho các vụ kế tiếp. Sau mỗi vụ sản xuất sẽ có sự hạo hụt giá thể, cần bổ sung xơ dừa đảm bảo đóng bầu đúng định lượng. Lưu ý, một bịch giá thể chỉ nên sử dụng 3 vụ sản xuất, sau 3 vụ phải thay mới toàn bộ xơ dừa.

Trong quá trình chăm sóc cây phát triển việc bón phân qua hệ thống tưới tự động, phải mua phân chuyên dùng, tan nhanh, không lắng cặn. Nên nuôi ong cho thụ phấn kết hợp với thủ công. Cách làm này đảm bảo 100% số hoa trên cây được thụ phấn, đạt tỷ lệ đậu quả tối đa. Nếu chỉ thụ phấn bằng ong sẽ sót hoa, thuần bằng tay sẽ tốn công lao động, kết hợp 2 phương pháp này sẽ đạt hiệu quả cao hơn rất đáng kể, rút ngắn được thời gian khoảng 3 ngày so với thực hiện riêng lẻ từng cách.

Về phòng trừ bọ phấn, bọ trĩ, bệnh sương mai và chảy mủ thân cây bằng sử dụng luân phiên các loại thuốc bảo vệ thực vật vi sinh, thảo mộc. Chỉ dùng thuốc hóa học độ độc thấp khi mật độ sâu bệnh vượt quá ngưỡng 5% và phải dừng phun thuốc trước thu hoạch 20 ngày và vào thời kỳ thả ong cho thụ phấn dưa. Đặc biệt sau kết thúc mỗi vụ thu hoạch, phải tiến hành vệ sinh nhà vườn, thu gom để thiêu đốt mọi tàn dư thực vật, sau tiến hành phun tiêu độc, khử trùng, kết hợp rắc vội bột kín khắp trong và cận kề nhà trồng dưa.

Với cách làm áp dụng khoa học kỹ thuật trên, các sản phẩm dưa được sản xuất theo công nghệ cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, được anh Tiến livestream bán hàng trên mạng vài lần, khách hàng từ Hà Nội đã tìm xuống thăm vườn, đặt hàng bao tiêu đều đặn.

Riêng năm 2023 này, anh Tiến sản xuất được 30 tấn dưa lê Happy 6, 40 tấn dưa lưới và trên 20 tấn dưa chuột, được thương lái trên Hà Nội thu mua hết. Hiện tại, anh Tiến đang thuê thợ lắp đặt thêm nhà kính, nâng diện tích sản xuất dưa các loại trong nhà màng, nhà lưới lên 1ha.

Chu Hương