00:00 Số lượt truy cập: 2662352

Mô hình trồng lúa, nhãn Ido ứng dụng công nghệ cao 

Được đăng : 10/08/2021
Ông nông dân Nguyễn Thành An (sinh năm 1960, ngụ ấp Tân Lợi, xã Tân Tuyến) được xem là người tiên phong trong việc phát triển mô hình trồng nhãn Ido trên vùng đất phèn ở vùng Tri Tôn, tỉnh An Giang. Do trồng nhãn theo hướng VietGAP, không sử dụng các loại hóa chất cấm, với 20 gốc nhãn Ido trồng thử nghiệm ban đầu trên đất phèn, ông đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu để xử lý vườn nhãn cho trái quanh năm và đã nhân rộng lên 5ha.

bai-2

Xử lý cho ra hoa quanh năm nên vườn nhãn của gia đình ông luôn bán được giá cao

Bằng sự cần cù, siêng năng cũng như việc mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp,ông Nguyễn Thành An đã biến một vùng đất nhiễm phèn trước kia đã trở thành vườn nhãn xum xuê cây trái. Gặp gỡ chúng tôi, ông không ngại ngần chia sẻ vè một thời lập nghiệp vô cùng khó khăn: Ông được sinh ra và lớn lên ở tại huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, sống và thăng trầm cùng sản xuất nông nghiệp. Bản chất là nông dân, nên ông rất mê đất, nhưng tài sản gia đình thì hạn chế, vì thế đến năm 1990, ông nẩy ra một suy nghĩ: “Tìm đất có giá trị thấp mà mua, để có được số lượng đất nhiều”.

Ông đã dò hỏi bà con, bạn bè và biết được ở xã Tân Tuyến, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, đất nông nghiệp nơi đây có giá trị còn thấp vì bị nhiễm phèn nhiều, hệ thống thủy lợi nội đồng chưa có, giao thông gặp khó khăn.Có thông tin này, ông mừng như vừa nhặt được vàng, cảm giác khi ấy của ông là cơ hội thay đổi cuộc đời mình đã đến. Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, ông đã bàn bạc với gia đình và quyết định dìu dắt vợ con vào đây để lập nghiệp. Được sự ủng hộ từ vợ và các con, ông và gia đình lên đường đi lập nghiệp rất hăng hái, đầy hứng khởi với niềm tin là tương lai tươi sáng đang ở phía trước.

Khi đến nơi, trước mắt gia đình ông là những cánh đồng đất phèn bao la với cây năng, lác và cỏ dại. Vợ ông liền lên tiếng: đất thế này thì trồng được gì, nước thế này sao sinh hoạt. Lúc ấy, ông cũng thấy ngậm ngùi, nhìn xung quanh và thấy xa xa cũng có một mái nhà, ông tự động viên mình “Không có con đường thành công nào mà bằng phẳng cả”, “Người phụ đất, chứ đất không bao giờ phụ người” và ông chỉ nói với vợ rằng: “Bà yên tâm, người ta ở đây sống được, thì mình sống được”. Cứ thế mà gia đình ông quyết định lập nghiệp tại đây, từ số tiền ít ỏi dành dụm từ quê mang sang, chỉ mua được 3 ha đất.

Qua tìm hiểu và quan sát ông thấy nơi đây người người đều làm lúa, nhà nhà đều làm lúa, nhưng năng suất rất thấp và lợi nhuận rất bấp bênh. Sẵn có kinh nghiệm trồng dưa hấu từ quê, nên ông đã quyết định trồng dưa hấu. Đúng là Trời không phụ lòng người, gia đình ông đã trúng mùa và được giá ngay trong vụ đầu tiên năm 1990. Từ vụ này nối tiếp vụ khác, cứ thế gia đình ông đã trúng mùa và được giá hơn 9 năm liền, đến nỗi báo, đài khi đó phong cho ông danh hiệu là “Vua dưa hấu giữa đất phèn”. Lợi nhuận đem lại từ việc trồng dưa hấu, mỗi năm ông dành dụm mua thêm đất để sản xuất, đến nay gia đình ông đã có được 50ha đất nông nghiệp.

Khi trồng dưa hấu không còn hiệu quả nữa, lúc này đất nông nghiệp của ông cũng đã không còn phèn và thích hợp hơn cho việc trồng lúa. Tuy nhiên, những năm qua tình hình sản xuất lúa của bà con nông dân luôn gặp khó khăn về giá cả, có những năm các công ty không mua hết lượng lúa hàng hóa cho nông dân, hoặc có mua thì tiến độ rất chậm, tiểu thương lợi dụng tình hình này thường mua ép giá, làm cho nông dân sản xuất lợi nhuận thấp và rơi vào vòng lẩn quẩn, trúng mùa mất giá. Chính vì vậy, ông đã quyết định chuyển sang trồng lúa Nhật ứng dụng khoa học kỹ thuật và có liên kết hợp đồng đầu ra với công ty Angimex Kitoku.

Việc liên kết hợp tác chuyển đổi cây trồng và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để tăng cao lợi nhuận là một yêu cầu cấp thiết hiện nay của người nông dân. Từ những nhận định nêu trên và căn cứ tình hình thực tế hàng ngày đang diễn ra, ông tích cực hưởng ứng phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi của Hội Nông dân xã, đăng ký thi đua nông dân giỏi cấp tỉnh, với ngành nghề trồng lúa, vườn và dịch vụ kinh doanh thu mua lúa.

Ông không ngừng tự nghiên cứu thử nghiệm các kỹ thuật canh tác và tích cực tham gia các buổi tập huấn, tham quan các mô hình sản xuất do Hội Nông dân các cấp và trung tâm khuyến nông tổ chức. Qua đó, ông đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm và đã mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa, trồng nhãn Ido đem lại hiệu quả cao như: sử dụng giống lúa xác nhận, sạ thưa, hạn chế sử dụng phân bón, thuốc hóa học; bón phân cân đối ưu tiên cho các loại phân vi sinh, phân hữu cơ, “Cơ giới hóa nông nghiệp trong sản xuất lúa”, “đầu tư hệ thống tưới tự động được điều khiển qua điện thoại di động và phun phân, thuốc bằng máy bay không người lái trong sản xuất nhãn Indo”,.. Sản phẩm tạo ra đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường nông thôn, đã giúp ông An giảm chi phí sản xuất rất lớn, lợi nhuận từ đó tăng đáng kể, nâng cao tính cạnh tranh của mặt hàng lúa, gạo trên thị trường và có được những định hướng phát triển lâu dài theo hướng bền vững. Để nâng cao giá trị cho 5ha nhãn Ido, ông đã nghiên cứu, theo dõi và xử lý sao cho nhãn ra hoa mùa nghịch. Nhờ vậy mà tránh được cảnh “hàng nhiều dội chợ”. Mỗi đợt có khoảng 1ha cho thu hoạch xoay vòng, cứ mỗi tháng có 4 công cho trái, mỗi ngày thu hoạch từ 400 – 600 kg, thương lái đến tận vườn thu mua, với giá dao động từ 25.000-30.000đ/kg, thời gian thu hoạch kéo dài từ 10 – 15 ngày. 

Ngoài ra, ông kinh doanh thu mua lúa có ký kết hợp đồng, để nâng cao thu nhập cho gia đình và góp phần bảo vệ quyền lợi của người nông dân làm lúa. Chính vì vậy, mỗi năm thu lợi nhuận từ 2,2 đến 3,9 tỷ đồng. Nhờ vậy gia đình ông hiện nay luôn có cuộc sống ổn định, nhà cửa khang trang, đầy đủ tiện nghi và các phương tiện sản xuất trong nông nghiệp.

Ngoài việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp cho bản thân, hàng năm ông hướng dẫn, giúp đỡ về kỹ thuật canh tác và vốn cho 25 đến 40 hộ nông dân xung quanh cùng sản xuất đạt hiệu quả, góp phần trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Bản thân ông và gia đình luôn chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, luôn quan tâm giúp mọi người khi gặp khó khăn, tích cực tham gia công tác xã hội, đóng góp quỹ xã hội từ thiện, quỹ hỗ trợ nông dân, quỹ an sinh xã hội,… mỗi năm trên 20 triệu đồng.

Với những thành tích đã đạt được, ông được Hội Nông dân tỉnh xét và công nhận danh hiệu nông dân SXKD giỏi cấp tỉnh từ năm 2007 đến nay. Hàng năm, gia đình ông vinh dự được xã công nhận gia đình văn hóa, hiện nay là gia đình văn hóa tiêu biểu và được cấp ủy, chính quyền địa phương và các cấp Hội khen tặng nhiều giấy khen và bằng khen.
Phúc Nguyên