00:00 Số lượt truy cập: 2670100

Nghị lực làm giàu của nữ hội viên nông dân 

Được đăng : 12/05/2022

 chi-buom

Chị Hoàng Thị Bướm

Sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn miền núi còn nhiều khó khăn chị Hoàng Thị Bướm  - Là hội viên, nông dân thuộc chi hội tổ dân phố 1, xóm Lũng Vịt, thị trấn Thông Nông, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, học xong chương trình trung học phổ thông chị không có điều kiện theo học các trường chuyên nghiệp, chị xây dựng gia đình và luôn trăn trở ngày đêm suy nghĩ làm sao để kinh tế gia đình phát triển có của ăn của để.

Xuất phát điểm là một hộ gia đình kinh tế khó khăn trong xóm, ngoài đất nền nhà ở (diện tích khoảng 60m2) đất đai canh tác không có, chi phí sinh hoạt của gia đình chỉ trông chờ từ việc giết mổ lợn thuê hàng ngày, cho đến khi kiếm được một chút vốn chị bắt đầu tính đến chuyện xây dựng lò giết mổ lợn và tự bán ra thị trường, lúc bấy giờ giá cả bấp bênh có lúc còn bị thua lỗ, kinh tế gia đình gần như bế tắc không có lối thoát. Cũng từ đó với suy nghĩ vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương của mình, chị đã mạnh dạn tiếp cận các nguồn thông tin, tuyên truyền từ Hội Nông dân thị trấn, Hội Nông dân huyện để được vay vốn nguồn quỹ hỗ trợ nông dân, mặc dù số tiền vay rất ít ỏi nhưng cũng là động lực để chị tiếp tục vượt qua lúc khó khăn và tiếp cận được nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp thông qua kênh Hội Nông dân triển khai và gia đình đã mua được hơn 1.000m2 đất ở và đất trồng cây lâu năm.    

Đến năm 2006,gia đình chị bắt đầu kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ, vẫn duy trì dịch vụ giết mổ lợn, đến năm 2014 chị nâng cấp từ nhà nghỉ lên khách sạn, nhà hàng kết hợp trồng trọt và chăn nuôi. Thông qua các cuộc phát động phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vữngchị đã mạnh dạn học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương trong và ngoài tỉnh vận dụng sáng tạo để phát triển kinh tế gia đình trong điều kiện cơ chế thị trường, dám nghĩ, dám làm, không ngừng khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, lao động, đất đai. Đến năm 2018 chị mua thêm diện tích gần 6.000m2 đất nông nghiệp và đất trồng cây lâu năm để mở rộng quy mô nhà hàng cũng từ đó quy mô nhà hàng khá rộng có sức chứa từ 40 đến 100 mâm cỗ, gia đình còn thuê thêm 2.000m2 đất nông nghiệp để trồng rau, củ cung cấp cho nhà hàng cũng như các nhà hàng trong và ngoài huyện nguồn thực phẩm sạch bảo đảm chế biến bữa ăn ngon đạt chất lượng ATTP, bên cạnh nguồn thực phẩm rau, củ gia đình chị còn có 1.000m2 ruộng chũng tạo thành mặt nước để nuôi thả cá; xây chuồng trại nuôi 80 con lợn đen (ở khu tách biệt) từ nguồn thức ăn thừa của nhà hàng để chăn lợn, mỗi năm cho 02 lứa lợn sản lượng đạt khoảng 5.500 - 6.500 kg thịt lợn sạch cung ứng cho nhà hàng và các thầu buôn.

Sau hơn 10 năm sản xuất kinh doanh, đến nay gia đình chị đã có của ăn của để và tích cực tham gia các hoạt động xã hội và xây dựng phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương, được cấp ủy, chính quyền luôn tạo điều kiện, chị luôn là một hội viên nông dân tiêu biểu gương mẫu chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, tích cực vận động hội viên nông dân xây dựng Hội Nông dân ngày càng vững mạnh. Quá trình sản xuất kinh tế hộ gia đình từ năm 2017 - 2021 lợi nhuận sau khi đã trừ chi phí năm sau cao hơn năm trước cụ thể: Năm 2017: 1,215 tỷ đồng ; Năm 2018: 1,645 tỷ đồng; Năm 2019: 2,65 tỷ đồng; Năm 2020: 2,35 tỷ đồng; Năm 2021: 2,48 tỷ đồng.

Trong quá trình sản xuất, kinh doanh dịch vụ gia đình chị luôn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và kinh doanh dịch vụ nhằm tăng năng xuất, chất lượng, sản lượng, đảm bảo vệ sinh môi trường và an ninh, an toàn quản lý nhà hàng. Quá trình trồng trọt nguồn phân bón được tận dụng từ sản phẩm chăn nuôi lợn được ủ men sinh học đủ thời gian, nhằm tránh mầm bệnh cho cây trồng, bảo vệ môi trường sinh thái, lắp bể Bioga để tận dụng thêm khí đốt và tránh gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Áp dụng có hiệu quả mô hình sản xuất rau, củ, quả sạch gắn với bảo vệ môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp.

Có được những thành quả từ sản xuất, kinh doanh dịch vụ, hằng năm chị cũng đã hướng dẫn, phổ biến kiến thức trồng trọt, sản xuất cho 35 lao động; giúp đỡ tạo được việc làm cho từ 10 đến 20 lao động theo mùa vụ, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 20 - 30 lao động, thu nhập từ 4,5 triệu đến 6,0 triệu đồng/tháng; 20 hộ được tư vấn, hướng dẫn kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất, kinh doanh, giúp đỡ được 20 hộ nghèo, hộ khó khăn về vốn, vật tư, cây giống, con giống trị giá ước khoảng trên 200 triệu đồng. Bên cạnh đó mô hình hoạt động của gia đình chị đã đón các đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến thăm quan, học tập và thưởng thức những hương vị đặc sản của gia đình và quê hương tự chế biến.

Là hội viên nông dân chị luôn chấp tốtĐiều lệ, Nghị quyết của Hội, tham gia đầy đủ các đợt sinh hoạt chi tổ hội, tích cực tham gia các phong trào thi đua do Hội Nông dân các cấp và địa phương phát động, đặc biệt là phong trào “Cao Bằng chung sức xây dựng nông thôn mới”.  Trong 5 năm qua, gia đình chị đã tham gia ủng hộ 78 ngày công làm đường giao thông nông thôn, vệ sinh đường làng ngõ xóm, đóng góp tiền mặt hơn 100 triệu đồng làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa của tổ dân phố và các xóm đặc biệt khó khăn khác. Đóng góp đầy đủ các quỹ do địa phương phát động, đặc biệt là quỹ hỗ trợ nông dân gia đình chị đóng góp ngoài mức quy định chung để xây dựng nguồn quỹ tại chi Hội được dồi dào, đồng thời quyên góp ủng hộ tích cực các loại quỹ phát sinh hằng năm.

Ngoài các hoạt động nêu trên gia đình chị thường xuyên giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo trong tổ dân phố và các tổ dân phố khác về cây giống, hỗ trợ kinh phí sửa chữa và làm nhà mới, giúp tiêu thụ những nông sản, tạo điều kiện bố trí việc làm cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, từ cuối năm 2019 đến nay ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhiều hộ gia đình bị ảnh hưởng thiếu ăn, các con em trong vùng đi công ty mất việc làm và gia đình chị đã tạo điều kiện giúp đỡ các con em công ăn việc làm, đóng góp ủng hộ quỹ phòng chống covid do địa phương và các cấp, các ngành phát động với tổng trị giá quy ra bằng tiền 50 triệu đồng để mua khẩu trang y tế, cồn sát khuẩn, gạo, các loại nhu yếu phẩm khác phục vụ các chốt, trạm kiểm soát dịch.

Là hội viên nông dân chị luôn nêu cao ý thức, trách nhiệm, chủ động gương mẫu tham gia các hoạt động, phong trào của Hội triển khai; tích cực tham gia sinh hoạt chi, tổ hội, đóng Hội phí và các loại quỹ đầy đủ, hàng năm đóng góp ủng hộ Quỹ Hỗ trợ nông dân từ 1 triệu đồng trở lên; tuyên truyền, vận động các hộ gia đình tham gia vào tổ chức Hội, đến nay đã vận động được từ 15 - 30 hội viên tham gia tổ chức Hội, 98% hộ gia đình của tổ dân là hội viên nông dân.

Có được kết quả như ngày hôm nay cũng phải kể đến sự quan tâm trực tiếp của Hội Nông dân thị trấn Thông Nông, Hội Nông dân huyện Hà Quảng,Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự giúp đỡ, đoàn kết của bà con nhân dân trong tổ dân phố gia đình chị đã được các cấp, các ngành, các tổ chức ghi nhận biểu dương, khen thưởng. Với những thành tích đạt được chị đã được nhận 3 Giấy khen, 6 Bằng khen của các cấp, các ngành, trung ương , UBND tỉnh …, và danh hiệu nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020. Năm 2022 chị vinh dự được Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Vân Anh