00:00 Số lượt truy cập: 2638480

Người Mông làm kinh tế giỏi ở “cổng trời” Mường Lống 

Được đăng : 19/10/2022
Nhờ dám nghĩ, dám làm, dám đi đầu trong đổi mới tư duy mà anh Vừ Tồng Pó, dân tộc Mông ở xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã nuôi giống gà đen theo mô hình an toàn sinh học mang lại hiệu quả kinh tế cao, mỗi năm thu về gần nửa tỷ đồng.

anhpo1166416504981271897736316641662310712119793032

Anh Pó đã mạnh dạn vay vốn đầu tư hệ thống máy ấp trứng, máy phát điện để cung cấp giống gà đen bản địa cho toàn huyện Kỳ Sơn.

Xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An nơi được ví như cổng trời của xứ Nghệ. Cũng như bao người dân nơi đây, gia đình anh chỉ quanh quẩn với trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ, đời sống vô cùng khó khăn. Trồng cây ăn quả và hoa màu các loại mỗi năm chỉ sản xuất được 02 vụ vừa đủ trang trải để nuôi sống gia đình. Không chịu cái cảnh nghèo, chàng trai Vừ Tổng Pó quyết tâm phải làm giàu ngay chính trên mảnh đất quê hương của mình, tận dụng những lợi thế, tiềm năng của địa phương, phát triển những đặc sản của quê hương như gà đen, lợn đen, con ong kết hợp với cây mận, cây đào… để xóa cái đói giảm cái nghèo. Nghĩ là làm, anh bắt đầu với việc chăn nuôi giống gà đen một giống gà quý của đồng bào người Mông.

Quyết là làm, anh đã vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư chăn nuôi gà đen. Anh dành 20 triệu để tìm mua được 50 con gà đẻ, giống gà đen bản địa trong các bản làng, số tiền còn lại anh mua 01 máy ấp trứng công suất 600 quả/lượt, cùng với tu sửa chuồng, vườn, tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vườn dùng để nuôi gà. Để có thêm kiến thức, anh tích cực tham gia lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gà quy mô trang trại và cách phòng trừ dịch bệnh. Để tiết kiệm chi phí, vợ chồng anh  còn trồng thêm rẫy ngô làm thức ăn cho gà, thường xuyên thả gà trong khu vườn rộng dưới gốc mận, gốc đào.

Thay đổi thực sự diễn ra khi vào năm 2018, anh Vừ Tổng Pó được tham gia dự án "Phát triển mô hình chăn nuôi gà đen theo hướng an toàn sinh học" do Hội Nông dân tỉnh Nghệ An tổ chức. 

Nhờ áp dụng quy định nghiêm ngặt trong chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, giống gà bản địa vốn thích nghi với điều kiện khí hậu và tập quán chăn nuôi của bà con vùng cao, nên đàn gà nhà anh phát triển rất tốt, tăng trọng đều, nuôi đến đâu bán sạch đến đó. Anh đã nhân rộng mô hình từ con số ban đầu là 350 con lên 1.200 con trên diện tích 500 m2..Anh lựa chọn để lại những con gà đẹp, khoẻ nhất để tiếp tục tạo giống, đồng thời sưu tầm thêm gà trống, mái thuộc dòng thuần chủng gà đen bản địa.

Anh Pó còn thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn để người khác cùng làm theo mình, giúp đỡ có hiệu quả 5 hộ gia đình nghèo về vốn, vật tư, kỹ thuật, kinh nghiệm để phát triển sản xuất. Năm 2019 được sự quan tâm của Hội Nông dân tỉnh Nghệ An, gia đình anh được lựa chọn tham gia mô hình Chi - Tổ hội nghề nghiệp nghiệp chăn nuôi gà đen. Anh là chi hội trưởng chi hội nghề nghiệp đầu tiên của Kỳ Sơn, góp phần phát triển, tập hợp các hộ chăn nuôi gà đen thành Chi hội chăn nuôi gà đen Mường Lống với 15 hộ và 32 thành viên tham gia, quy mô đàn phát triển 7.000 - 10.000 con.

Phát huy điều kiện lợi thế của địa phương, gia đình anh Vừ Tồng Pó còn phát triển kinh tế trang trại, trồng hơn 2 ha cỏ voi, chăn nuôi đàn trâu, bò vỗ béo, mỗi năm thu lãi từ 60 đến 80 triệu đồng. Sau khi được tham gia các lớp tập huấn của dự án "Nâng cao kiến thức, năng lực quản lý rừng và phát triển sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19” năm 2021, gia đình anh đã tiên phong xây dựng mô hình homestay. Du khách ngoài việc được thưởng thức ẩm thực từ gà đen còn được trải nghiệm ngắm cảnh, chụp ảnh lưu niệm với những vườn đào, vườn mận. Nhờ đó, mỗi tháng gia đình ông lại có thu nhập thêm từ 5 đến 10 triệu đồng từ các dịch vụ du lịch.

Bên cạnh đó, anh Pó luôn tích cực tham gia các hoạt động ở cộng đồng. Anh được dân làng bầu chọn là người uy tín của đồng bào Mông nhiều năm liền. Mô hình kinh tế của gia đình anh được đánh giá là mô hình đi đầu trong dòng họ nói riêng và dân tộc Mông nói chung. Đặc biệt năm 2021 anh được tôn vinh là hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Năm 2022, anh được công nhận đạt danh hiệu "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi" cấp toàn quốc.

Thùy Dung