00:00 Số lượt truy cập: 2638152

Người nông dân phủ màu xanh lên cát trắng 

Được đăng : 06/08/2021

z2819691519595c9b57d5a21f108e2fad0f73a141bbe871633452112573531618168209014592000crop1633452782176183777910

Ông Phạm Văn Tam đang nuôi hơn 40.000 con gà thịt với quy trình khép kín
 

 

Sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo chỉ có cát, nắng và gió của tỉnh Quảng Bình, ông Phạm Văn Tam (SN 1967, ở thôn Hà Thiệp, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh) được nếm trải cuộc sống nhọc nhằn bao vất vả của người dân nơi đây. Những bữa cơm độn sắn, mà phần nhiều là sắn nhiều khi vẫn không đủ làm no cái bụng, làm ấm cuộc đời. Cái nắng, cái gió, cái đói, cái nghèo làm cho con người ta trở lên chai sạn. Nhưng luôn nung nấu bên trong con người ông một ý chí vươn lên, một quyết tâm vượt qua ngay chính số phận của mình.

Lập gia đình ở tuổi 25, như bao gia đình trẻ khác nơi đây, tài sản ban đầu chỉ là đôi bàn tay và bao ấp ủ mưu sinh. Cuộc sống lao động vất vả, biết bao giọt mồ hôi chưa kịp rớt xuống cát nóng thì đã bị gió thổi đem đi, nghèo vẫn hoàn nghèo, không tiền, gia đình cũng chẳng có tài sản gì đáng giá, tương lai chẳng hứa hẹn một điều gì tươi sáng.

Sau nhiều đêm dài nghĩ suy, nung nấu quyết tâm ông Tam bàn với vợ ông là bà Lê Thị Hạnh (SN 1973) lên UBND xã xin khai hoang 15ha đồi cát trắng cách nhà 5km để trồng rau, nuôi con lợn, con gà với mong muốn sẽ có một cuộc sống ấm no hơn.

Vùng cát nóng 2 vợ chồng ông lập nghiệp chỉ là một vùng mênh mông 4 bề cát là cát, đến đường mòn từ nhà ông ở ra đó cũng còn chưa hình thành nói gì đến đường với điện. Phương tiện đi lại không có, mà có thì cũng chẳng thể nào đi được, 2 vợ chồng ông ngày ngày phải đi bộ từ nhà ra đó làm việc, khi trời tối phải sử dụng đèn thắp dầu để soi sáng mới thấy được lối đi.

Bắt tay vào công việc, ban đầu vợ chồng ông Tam lợi dụng con suối nhỏ chảy ra từ trong lòng cát, đắp đập, nắn dòng để lấy nước trồng chuối, trồng sắn, trồng khoai môn kết hợp nuôi bò. Vốn liếng chẳng có bao nhiêu, ngày ngày khai khẩn, cải tạo cát trắng, chắt chiu từng tàu môn, buồng chuối, quả mướp, hoa bí... mang ra chợ bán. Tích trữ theo phương châm lấy ngắn nuôi dài.

“Có sức người, sỏi đá cũng thành cơm”, nhờ biết bao công sức không quản ngại ngày đêm mưa nắng của vợ chồng ông, dòng nước được chặn lại lan tỏa khắp khu vực tưới mát cho từng gốc cây, hốc đất, màu xanh dần lan tỏa theo thời gian thay dần cho màu cát trắng nguyên sơ. Ngoài việc cải tạo trồng rau, trồng cây phủ xanh đất trống, ông Tam quây chuồng nuôi lợn và gà. Từ số lượng ban đầu chỉ vài con lợn, vài chục con gà. Năm 2012, trang trại của ông Tam có 25 lợn nái và 300 lợn thịt, 20.000 con gà và được chính quyền địa phương thẩm định, cấp giấy công nhận mô hình đạt tiêu chuẩn trang trại.

Ấy thế nhưng khi ông trời chưa hết thử thách lòng người thì chưa nói lên điều gì cả, một cơn bão năm 2013 đã gần như san phẳng trang trại của gia đình ông, mọi chuyện lại quay trở lại trạng thái ban đầu. Bao nhiêu thành quả, công sức của vợ chồng ông lại quay trở về con số 0 tròn chĩnh.

Quyết không đầu hàng số phận, không khuất phục thiên nhiên, ngay sau khi cơn bão đi qua, vợ chồng ông lại bắt tay ngay vào khắc phục hậu quả và xây dựng lại trang trại. Vợ chồng ông vay vốn tập trung đầu tư vào chăn nuôi lợn, gà, vịt, và đào ao nuôi cá. Để nắm chắc được kỹ thuật chăm sóc nhằm hạn chế rủi ro trong chăn nuôi, cứ thấy đâu có mô hình chăn nuôi hay, trang trại chăn nuôi lớn là ông Tam tìm đến để tham quan, học tập kinh nghiệm.

Với diện tích đất rộng, bên cạnh việc chăn nuôi, vợ chồng ông Tam tích cực sản xuất theo hướng đa, xen canh. Ngoài các loại hoa màu theo mùa vụ, ngắn ngày, ông trồng xen các loại cây công nghiệp như keo, tràm... nhằm tăng thêm nguồn thu. Để xử lý vấn đề ô nhiễm trong chăn nuôi, ông xây 2 bể Bioga cỡ lớn để xử lý phân thải và tận dụng nước thải tưới cho cây trồng. Được Chi cục quản lý chất lượng nông sản và thủy sản Quảng Bình xếp loại tốt và được UBND huyện cấp giấy chứng nhận trang trại và gắn liền bảo vệ môi trường, cam kết tác động môi trường.

Và những gì đã bị cơn bão tàn phá lại dần được hồi sinh, hiện trang trại của ông đang nuôi 40.000 gà thịt, 1.000 vịt đẻ trứng, 60 lợn nái, 1.200 lợn thịt cùng hơn 2 ha diện tích thủy sản. Với tổng diện tích 70.000m2, trong đó cây ăn quả, keo, tràm: 20.000m2, 30.000m2 hoa màu và thủy sản; chuồng trại chăn nuôi: 20.000m2. Sản lượng trung bình năm: lợn nái: 60 con; lợn đực giống: 02 con; lợn thương phẩm: 1.200 con; gà: 40.000 con; vịt đẻ: 1.000 con; cá: 15-20 tấn/năm. Với tổng vốn đầu tư khoảng 7,5 tỷ đồng, doanh thu trung bình 10.5 tỷ/năm; lợi nhuận sau chi phí đạt 1,2 – 1,3 tỷ /năm.

Tạo công ăn việc làm cho 15 lao động thường xuyên với thu nhập từ 5,5 - 7 triệu đồng/người/tháng và 10 lao động thời vụ thu nhập 200.000 đồng/người/ngày. Ngoài ra ông còn cấp 15 con lợn giống, hỗ trợ thức ăn, kỹ thật chăm sóc và kinh nghiệm cho các hộ nghèo. Hỗ trợ tập huấn kỹ thuật và trao đổi kinh nghiệm sản xuất cho 35  lao động và học sinh, sinh viên. Tích cực tham gia các phong trào do địa phương và Hội Nông dân phát động, đóng góp xây dựng nông thôn mới. Bản thân và gia đình ông nhiều lần được các cấp, các ngành khen thưởng và vinh danh. Niềm vui lớn nhất đối với ông Tam là được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình xét “Nông dân xuất sắc” năm 2021.

 

Ánh Dương