00:00 Số lượt truy cập: 2845301

Người phụ nữ Chăm đưa măng tây xanh về làng 

Được đăng : 03/07/2023
Bà Châu Thị Xéo ở xã Phước Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận là điển hình người phụ nữ dân tộc Chăm bằng nghị lực của mình đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu với cây măng tây xanh.

1ba-chau-thi-xeo-xa-phuoc-hai-2022-3


Bà Châu Thị Xéo bên vườn măng tây xanh của gia đình

 
Trước đây tầm 5,6 năm, khu vực Bàu Rế ( tiếng Chăm có nghĩa là Hồ Sen) này là một vùng cát nắng mênh mông quanh năm nắng và gió. Gọi là hồ nhưng khu vực này hầu như khô cạn quanh năm, chỉ ngập nước khi có lũ về vài ba ngày rồi trở lại khô cằn, khiến việc sản xuất nông nghiệp lúc bây giờ gặp nhiều khó khăn. Do khí hậu khắc nghiệt, thổ nhưỡng bạc màu, khô hạn cho nên một năm bà con ông dân chỉ trồng được 1 vài luống đậu, luống dưa… nhưng vô cùng vất vả mà thu hoạch chẳng đáng là bao so với công sức bỏ ra. Cũng như nhiều hộ gia đình bà con nơi đây, gia đình bà Xéo cũng đã thử trồng nhiều loại cây nhưng không hợp thổ nhưỡng nên cây phát triển chậm và cho năng suất rất thấp.

Năm 2018, tìm hiểu thấy mô hình trồng măng tây xanh của Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú (xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) do anh Hùng Ky, từ một nông dân nghèo trở thành giám đốc HTX có rất nhiều thành viên tham gia hoạt động rất hiệu quả, lợi nhuận cao, bà Xéo thấy đây là loại cây phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng cát nóng quê mình và quyết định trồng thử.

"Lúc tôi quyết định đem về trồng thử thì ai nấy đều nghi ngờ, nói tôi khùng, điên vì cho rằng đất cát vùng này nắng nóng nên sẽ không thu được gì. Nhưng tôi vẫn quyết tâm vì xét thấy điều kiện thổ nhưỡng làng bên có nhiều điểm tương đồng với đồi cát Bàu Rế quê mình. Chỉ thiếu nước sản xuất nên tôi quyết định đầu tư trồng thử 1 sào (1.000 m2) và lắp ống tưới cho cây. Sau hơn nửa năm trồng thử nghiệm và chăm sóc, bà Xéo thu hoạch lứa măng tây xanh đầu tiên được gần 10kg măng tươi/ngày. Giá bán thời điểm đó rất cao 70.000 đồng/kg, tôi thu về gần 700.000 đồng/ngày…", bà Xéo chia sẻ.

Ngay sau đợt thu hoạch măng tây xanh lần 1, thấy có lợi nhuận bà Xéo mạnh dạn đầu tư lắp hệ thống ống tưới và mở rộng diện tích canh tác lên 5000m2, Nhờ áp dụng các bước chăm sóc kỹ càng mà lứa măng tây của bà thời điểm đó đã cho thu nhập 40 – 50 triệu mỗi tháng.

Thấy bà Xéo trồng măng tây xanh cho thu nhập cao, cây măng tây xanh rất thích hợp với đất pha cát nóng khô cằn nơi đây, nhiều hộ bà con đã đến tham quan học tập mô hình của gia đình bà Xéo được bà tận tình chia sẻ và hướng dẫn. Khi có nhiều hộ gia đình cùng trồng măng tây xanh, bà Xéo lại là người tiên phong trong việc vận động các hộ bà con tham gia HTX do bà đứng ra vận độngt hành lập. HTX Châu Rế ra đời với  37 xã viên tham gia với tổng diện tích trồng măng tây trên 15ha, bà Xéo làm chủ tịch HĐQT, kiêm giám đốc.

Người theo người, nghề theo nghề, cho đến thời điểm hiện tại, ngày càng nhiều gia đình người Chăm chuyển đổi hoàn toàn diện tích các cây trồng khác để chuyển sang trồng măng tây xanh, trong đó có có hàng chục hộ nộp đơn xin gia nhập HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Châu Rế nâng tổng số xã viên HTX lên trên 70 xã viên với 100% xã viên là người Chăm, đồng thời nâng tổng diện tích cánh đồng lớn măng tây xanh lên trên 20ha trồng măng tây xanh.

HTX Châu Rế nhận thu mua toàn bộ sản lượng măng tây xanh mỗi ngày của xã viên ở làng Chăm Thành Tín và các làng Chăm lân cận với giá bao tiêu sản phẩm ổn định từ 40.000 – 43.000 đồng/kg, tổng sản lượng măng tây xanh mà HTX Châu Rế xuất bán mỗi này từ 300 – 500kg/ngày đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người trồng măng tây và duy trì hoạt động thường xuyên của 10 lao động người Chăm ở HTX

HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Châu Rế đã trở thành điểm tựa cho nhiều nông dân nghèo không có vốn sản xuất thông qua các cách hỗ trợ tiền giống, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc măng tây xanh.Với vai trò Giám đốc HTX, bà Xéo cũng đã chủ động phối hợp liên kết với các doanh nghiệp ở địa phương trong việc trồng và thu mua toàn bộ sản phẩm đầu ra cho xã viên và nhiều nông hộ lân cận. Ưu tiên chất lượng hàng đầu, sản phẩm măng tây xanh của HTX có chỗ đứng và tiêu thụ ổn định trên thị trường. Nhờ đó, nhiều gia đình xã viên người Chăm làng trên xóm dưới từng bước vươn lên làm giàu, nhiều hộ nghèo đã không còn nghèo như thời điểm trước đó. HTX Châu Rế hiện nay không còn xã viên thuộc diện hộ nghèo.

Bản thân luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào do các đoàn thể, chính quyền địa phương phát động. Bà Châu Thị Xéo đã tích cực đóng góp và vận động Quỹ Vì người nghèo, góp công sức và vật chất xây dựng 2 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, tham gia ủng hộ xây dựng mô hình Camera an ninh, mô hình tổ an ninh xung kích, tổ nhân dân tự quản... Những đóng góp này, phần nào bảo đảm tình hình an ninh trật tự tại địa phương…

Ngoài ra, bà Xéo còn tham gia giới thiệu tạo việc hàng ngày cho 60 lao động địa phương và vận động 11 hộ hiến trên 3.000 mét đất để làm đường nội đồng cánh đồng lớn măng tây xanh, giúp bộ mặt nông thôn Thành Tín nói riêng và xã Phước Hại (huyện Ninh Phước) nói chung ngày càng thay da đổi thịt.

Với những thành công trong sản xuất nông nghiệp, đóng góp cho sự phát triển của địa phương, bà Châu Thị Xéo đã vinh dự nhận được nhiều Bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành và chính quyền và đoàn thể từ trung ương đến địa phương trao tặng: UBND tỉnh Ninh Thuận, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam… Và năm 2022 bà Châu Thị Xéo vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022".

Mai Loan