00:00 Số lượt truy cập: 2670221

Nhiều hộ nông dân xã Tùng Khê nuôi thỏ theo hướng trang trại 

Được đăng : 10/08/2023
Hiện nay, trên địa bàn xã Tùng Khê huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) xuất hiện nhiều mô hình trang trại, gia trại chăn nuôi thỏ Newzealand với số lượng lớn trên 1.000 con. Mô hình được đánh giá cho hiệu quả kinh tế cao, chính quyền địa phương có định hướng xây dựng thành sản phẩm OCOP, và sản xuất theo chuỗi giá trị.

huon

Anh Nguyễn Xuân Hòa với mô hình nuôi thỏ thương phẩm.

Trang trại của anh Nguyễn Xuân Hòa ở khu Quyết Thắng xã Tùng Khê là mô hình điểm của xã, của Hội Nông dân xã, đã có rất nhiều nông dân trong huyện được Hội Nông dân xã giới thiệu đến trang trại anh Hoà học tập kinh nghiệm nuôi thỏ của anh.

Nhìn quy mô chuồng trại rộng lớn, khép kín với hàng nghìn con thỏ lông trắng béo mập, khỏe khoắn mới thấy anh Hoà làm ăn lớn ra sao, trên diện tích gần 300 m2 được anh chia làm 2 khu nuôi thỏ. Khu nuôi thỏ giống với hơn 200 con thỏ bố mẹ, và gần 3000 con thỏ thương phẩm. Mỗi tháng anh Hòa có thể xuất bán 3 lần, mỗi lần xấp xỉ 10 tạ thỏ thương phẩm cho các quán ăn, nhà hàng chuyên đặc sản trong và ngoài tỉnh; với giá bán buôn từ 65 nghìn đến 85 nghìn đồng/1kg, trừ chi phí mỗi năm anh thu lãi trên 200 triệu đồng.

Kể lại những tháng ngày vất vả, lăn lộn với đàn thỏ, anh Hoà cho hay, năm 2017, thấy người bạn nuôi thỏ New Zealand, kinh tế gia đình ngày càng khá giả, anh về bàn với gia đình về mô hình nuôi thỏ, được gia đình ủng hộ anh mang số tiền ít ỏi vài chục triệu đồng tích cóp cộng với số tiền vay mượn được tập trung đầu tư xây dựng chuồng trại 100m2, mua 100 cặp thỏ giống New Zealand. Thật đen cho anh là đàn thỏ bị chết gần hết do thiếu kinh nghiệm trong chăm sóc.

Không nản chí, anh Hòa tiếp tục tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc thỏ thông qua mạng xã hội, sách báo và các mô hình nuôi thỏ ở nhiều tỉnh thành khác để ứng dụng cho trại thỏ của mình. Chỉ sau một thời gian ngắn, những lứa thỏ tiếp theo sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh. Từ thành công đó, năm 2018, anh dùng toàn bộ số tiền vay được từ nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH để xây dựng chuồng trại rộng hơn, đầu tư hệ thống phun sương làm mát trên mái nhà vào mùa hè, máng nước uống tự động, lồng nuôi đặt cao so với nền nhà 60cm, thoáng mát…,

Anh Hòa cho biết: Nuôi thỏ tuy không khó nhưng cũng không phải là dễ. Khi thời tiết thay đổi, nếu không nắm vững kỹ thuật chăm sóc, thỏ dễ nhiễm bệnh. Ngoài thức ăn là quan trọng thì vấn đề vệ sinh chuồng trại cũng phải được quan tâm hàng đầu. Nếu khu vực chăn nuôi không đảm bảo sạch sẽ, thỏ dễ mắc các bệnh như nấm, ghẻ, tiêu chảy, cầu trùng... Vì vậy, để hạn chế thỏ mắc bệnh, nền chuồng phải luôn khô ráo, thông thoáng đảm bảo vệ sinh, phun thuốc khử trùng theo định kỳ và thường xuyên tiêm phòng các loại vắc xin bại huyết, cầu trùng để phòng bệnh hiệu quả; cung cấp đủ nguồn nước sạch, cho thỏ ăn đủ thức ăn thô và rau xanh xen bữa nhằm cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho thỏ lớn nhanh, ít bị bệnh, thịt chắc, con giống khỏe.

Theo anh Hòa, nếu chăm sóc tốt, một con thỏ cái có thể sinh sản được 7 lứa/năm, mỗi lứa từ 7 đến 10 con. Đối với thỏ làm giống sau khi tách mẹ đạt 0,6 đến 0,7kg/con thì xuất chuồng. Sau 3 tháng thả nuôi, thỏ đạt trọng lượng từ 2,2 đến 3kg thì tiến hành xuất bán thịt thương phẩm.

Sau 5 năm khởi nghiệp, trang trại thỏ của anh Hòa đã có thương hiệu và được tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh và nhiều tỉnh thành phố như: Hà Nội, Thanh Hóa, Hưng Yên, Lào Cai, Yên Bái.

 Từ mô hình nuôi thỏ của anh, anh Hoà đã trở thành tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế ở xã, thu hút nhiều hội viên nông dân trong và ngoài huyện đến tham quan, học tập kỹ thuật chăn nuôi. Hiện đã có nhiều hộ trên địa bàn phát triển nghề nuôi thỏ với số lượng trên 1.000 con.

 Mô hình nuôi thỏ giống và thỏ thịt thương phẩm tại xã Tùng Khê là một hướng chăn nuôi mới, hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển, không chỉ giúp các gia đình nông dân làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình mà còn thiết thực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

Qua mô hình nuôi thỏ sinh sản, thỏ thương phẩm của gia đình anh Hoà  các cơ quan chuyên môn, các ban ngành đánh giá cao vì nó phù hợp với quy mô chăn nuôi hộ gia đình, gia trại, hiệu quả kinh tế cao hơn việc nuôi lợn. Hiện, chính quyền địa phương và Phòng Nông nghiệp huyện đã xây dựng và tìm kiếm thêm các đối tác thu mua thỏ thương phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ đến chuỗi nhà hàng, siêu thị, bếp ăn tập thể… giúp nâng cao giá bán sản phẩm cho người dân. Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi cũng được hỗ trợ giá về thức ăn chăn nuôi và kỹ thuật, chính quyền địa phương còn chú trọng nghiên cứu thị trường để có phương án mở rộng quy mô phù hợp theo từng thời điểm, từng năm để từ đó giúp người dân nâng cao giá trị kinh tế, gắn bó với mô hình chăn nuôi thỏ. 

                                                                     Chu Hương