00:00 Số lượt truy cập: 2662993

Nông dân tiên phong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao 

Được đăng : 30/09/2020

 

Đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao luôn là một bài toán thách thức đối với những người nông dân ở Vĩnh Phúc. Nhờ mạnh dạn đầu tư chuyển đổi từ canh tác tự nhiên sang đầu tư vào công nghệ mới; tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, anh Phạm Văn Xuân – giám đốc công ty TNHH MTV Gia Bảo Cargo (Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) đã đưa nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn đến người tiêu dùng, thu lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm.

Nhờ kinh nghiệm 18 năm gắn bó nghề trồng rau, hoa ở Đà Lạt, anh Phạm Văn Xuân nhận thấy Vĩnh Phúc rất có tiềm năng phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, tuy nhiên, người dân vẫn còn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, nên giá trị kinh tế thấp. Năm 2016, anh quyết định trở về quê hương để triển khai mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Sau khi được sự đồng ý của UBND huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, anh Phạm Văn Xuân đã bắt tay vào san lấp lò gạch thủ công đã bỏ hoang để lấy mặt bằng. Được sự giúp đỡ của Sở KH&CN, công ty mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống nhà kính, nhà lưới hiện đại theo công nghệ Israel sản xuất rau, hoa công nghệ cao; tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất, đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Sau 5 tháng bắt tay vào đầu tư xây dựng thì hoàn thành xong 2 nhà kính rộng 2.500m², mỗi nhà 1.250m², toàn bộ khu nhà vườn tổng mức đầu tư lên tới gần 1,7 tỷ đồng. Khi hoàn thành xong nhà kính và hạ tầng để canh tác, anh bắt tay vào trồng rau và trồng hoa ly. Ngay năm đầu tiên, các sản phẩm rau sạch của công ty được thị trường đón nhận. Hoa ly do trồng trong nhà kính kiểm soát được nhiệt độ, ánh sáng phù hợp nên nở đúng dịp Tết Nguyên đán 2017 cho thu lợi nhuận cao.

Với sự tính toán kỹ lưỡng, nhạy bén với thị trường, tháng 6/2017, anh Xuân quyết định trồng thử nghiệm ớt chuông tại nhà kính rộng hơn 1.200 m², ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo vệ thực vật, sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo Giám đốc công ty Phạm Văn Xuân, ớt ngọt là loại cây ưa khí hậu lạnh, khi trồng trong nhà kính có thể kiểm soát được nhiệt độ, ánh sáng phù hợp theo tiêu chuẩn VietGAP không đòi hòi nhiều công chăm sóc, có thể phòng, chống được sâu bệnh hại, giúp giảm chi phí sản xuất do không phải sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Sau gần 3 tháng trồng, những cây ớt ngọt đã cho thu hoạch. Theo tính toán, 1 cây ớt trong vòng đời cho từ 8 - 10kg quả, với khoảng 3.500 gốc, giá bán bình quân 30 nghìn/kg, thậm chí đầu vụ bán 60 nghìn đồng/kg, trong vòng 7 tháng, vườn ớt cho thu nhập khoảng 840 triệu đồn

Nắm bắt nhu cầu thị trường, công ty tiếp tục mở rộng diện tích trồng hoa ly, hoa cát tường và dưa lưới ứng dụng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, việc áp dụng kỹ thuật tưới nước tự động, hệ thống làm mát và quạt gió hiện đại làm cho cây trồng không bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ ngoài trời nên sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất gấp 3 - 4 lần so với ngoài trời theo phương thức truyền thống. 1 năm có thể trồng được 2 vụ hoa và 3 vụ rau cho hiệu quả tương đối cao. Nhờ vậy, riêng năm 2019 vừa qua, với 5.000 m2 trồng 10.000 gốc hoa ly từ tháng 9 đến giữa tháng 12, công ty thu lãi 2 tỷ đồng; 2.000 m2 trồng 5.000 hoa Lan tường thu lãi 200 triệu đồng và 2.000 m2 trồng 600 cây dưa lưới (từ tháng 4 đến tháng 7) thu gần 300 triệu đồng.

Trong năm 2020, công ty xây dựng hơn 5.000 m2 nhà kính ứng dụng công nghệ cao trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn và hơn 1.000 m2 trồng lan Hồ điệp công nghệ cao. Hiện ngoài trang trại nông nghiệp công nghệ cao ở tỉnh Vĩnh Phúc, anh Phạm Văn Xuân còn phát triển thêm các trang trại ở một số địa phương như Ninh Bình, Hòa Bình, Thái Nguyên, Kiên Giang, Phú Thọ và thành phố Hồ Chí Minh. Không chỉ phát triển kinh tế hộ gia đình, anh Phạm Văn Xuân còn vận động, hỗ trợ người dân địa phương có nhu cầu chuyển đổi cây trồng từ lúa, ngô sang trồng rau sạch theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao và đảm bảo đầu ra ổn định cho họ.  

Không chỉ dừng lại ở đó, anh Phạm Văn Xuân mong muốn sẽ nhận được sự hỗ trợ về nguồn vốn, kéo dài thời gian cho vay để công ty có thể mở rộng thêm 4.000 m2 nhà kính để trồng rau sạch và lan hồ điệp; xây dựng kho lạnh, khu sơ chế để bảo quản, đóng gói, chế biến rau, hoa trước khi xuất ra nước ngoài. Nếu được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, anh Phạm Văn Xuân và bà con nông dân sẽ có thêm niềm tin và động lực ứng dụng mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, giúp người nông dân gắn bó với ruộng đồng, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Đan Nguyên