00:00 Số lượt truy cập: 2669969

Nông dân xuất sắc 2021 từ phát triển trồng rừng đa canh 

Được đăng : 18/11/2021

base6416317866630899802849522

Chị Nguyễn Thị Hồng Minh tách hạt dẻ để cung cấp cho khách hàng

 

Học hết lớp 12, chị Nguyễn Hồng Minh (sinh 1969), Tổ 5, phường Hợp Giang, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng quyết tâm theo đuổi và gắn bó với rừng. Với chị, núi rừng là quê hương, rừng nuôi lớn chị, chăm sóc chị từng ngày, rừng gắn bó với cả tuổi thơ của chị, và rừng sẽ không bao giờ phụ chị. Với đam mê với cây cối, trồng trọt từ bé, chẳng có gì ngoài 2 bàn tay trắng, muốn thoát nghèo thì làm gì cũng vậy, phải luôn cố gắng thôi, và chị quyết tâm bắt đầu chỉ từ 2 bàn tay trắng.

Chị Minh cho biết “Rừng khi đó  còn rậm rạp, cây cối còn chằng chịt, hoang sơ và âm u lắm. Những ngày đầu khó khăn trăm bề, thiếu thốn đủ thứ. Cái gì ăn được thì hái, cái gì bán được thì thu, lấy ngắn nuôi dài chứ biết làm sao khi mà tiền không có. Dốc thì cheo leo, nhiều chỗ chỉ đặt được nửa bàn chân, tay bám dây mà leo lên thôi. Khó khăn, thiếu thốn là vậy nhưng tôi luôn có niềm tin, nhất định sẽ thắng cái nghèo, nhất định sẽ thành công”.

Thời điểm ban đầu, công việc chủ yếu là khai thác sản vật từ rừng, từ những cây hạt dẻ, cây trám, cây măng… tự nhiên có trong rừng là nguồn thu nhập chính nuôi sống gia đình. Với suy nghĩ nếu chỉ khai thác tài nguyên từ rừng mà không có bồi hoàn thì rừng tự nhiên sẽ dần cạn kiệt, có rừng là có đất, có đất là có thể trồng tái tạo rừng và trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế khác.

Vậy là chị Minh cùng gia đình quyết tâm đầu tư tái tạo rừng, với phương châm lấy ngắn nuôi dài, có bao nhiêu vốn liếng chị đầu tư vào mua nhiều loại cây giống về trồng sau khi đã nghiên cứu đặc tính sinh trưởng của cây, điều kiện thổ nhưỡng, kỹ thuật chăm sóc cũng như nhu cầu của thị trường. Các loại cây như: hạt dẻ, trám, cam, mận, được chị ưu tiên làm giống cây chủ lực.

Theo chị Minh, khu rừng này hiện có 1000 gốc dẻ, vài trăm gốc trám đen, còn lại là các loại cây cho trái khác như cây cam, cây mận… "Riêng cây dẻ, mỗi năm cũng cho chừng 5 tấn hạt. Chỉ vài năm nữa, sản lượng sẽ tăng gấp đôi khi các cây còn lại cho quả. Giá hạt dẻ tại rừng hiện đang được tôi bán với giá 60.000 đồng/kg. Tôi chủ yếu cung cấp cho các ki-ốt, phục vụ nhu cầu của người dân trong tỉnh là chính. Sản phẩm tại vườn thường không đủ cung cấp cho nhu cầu của người tiêu dùng tại địa phương", chị Minh cho biết thêm.

Người không phụ rừng thì rừng chẳng phụ người, sau 12 năm lăn lộn với rừng, sau những tháng ngày cật lực vun đắp cho rừng, một màu xanh ngát của rừng với những chùm hoa trái sai trĩu ngọt đã đem lại cho chị và gia đình cuộc sống ấm no. Với quy mô rộng trên 7,3ha trồng hạt dẻ, trám đen, bưởi, ổi, mận, cam… Phần lớn các sản phẩm nông sản tại đây hiện nay đều cung cấp cho các ki-ốt, chợ, phục vụ nhu cầu của người dân trong tỉnh. Lợi nhuận trong 3 năm gần đây: 330 triệu (năm 2018), 340 triệu (năm 2019), 300 triệu (năm 2020).

Hàng năm hướng dẫn, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất cho 40 lao động; giúp đỡ được 15-20 lao động có việc làm theo mùa vụ; 08 hộ nghèo, hộ khó khăn, thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật. Tích cực tham gia các phong trào thi đua do Hội Nông dân và địa phương phát động. Áp dụng mô hình sản xuất gắn với bảo quản, sản xuất thực phẩm sạch gắn với bảo vệ môi trường nông thôn.

Mô hình canh tác rừng theo hướng đa canh của hộ gia đình chị Minh cần được khuyến khích nhân rộng ở các địa phương có rừng. Đây là hình thức vừa tái tạo rừng vừa phát triển kinh tế cho người nông dân được giao đất giao rừng.

Với ý chí quyết tâm vượt khó thoát nghèo vươn lên làm giàu tại quê hương, chị trở thành người hội viên nông dân duy nhất của tỉnh Cao Bằng vinh dự được nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021.

Ánh Dương