00:00 Số lượt truy cập: 2670391

Nữ giám đốc HTX vùng biên xây dựng thành công thương hiệu lợn Móng Cái bản địa 

Được đăng : 08/08/2023

 

Đến thôn 5, xã Quảng Nghĩa, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh thăm mô hình trang trại sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt của chị Nguyễn Thị Loan. Chị được biết đến là một trong những người tiên phong xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi, sản xuất lợn Móng Cái với quyết tâm khôi phục giống lợn đặc sản địa phương. Móng Cái là thành phố vùng biên thuộc tỉnh Quảng Ninh. Nơi đây có nhiều đặc sản nổi tiếng gần xa, trong đó phải kể đến giống lợn Móng Cái sở hữu chất lượng thịt thơm ngon, nổi tiếng từ lâu. Là sản vật quý của địa phương, nhưng lợn Móng Cái từng đối diện với nguy cơ bị mai một, lai tạp mất đi nguồn gien thuần đặc hữu. Thêm vào đó, đa số các mô hình chăn nuôi lợn trên địa bàn Móng Cái đều là mô hình nhỏ lẻ, nông hộ chiếm trên 90%. Bà con chăn nuôi số lượng ít, lại chưa chú trọng đến việc bảo tồn, lưu giữ giống lợn đặc sản này.

Để khôi phục lại giống lợn đặc sản, chị Nguyễn Thị Loan đã vận động một số hộ dân quanh vùng có cùng chí hướng trong chăn nuôi lợn để thành lập hợp tác xã chuyên chăn nuôi, gìn gữ và phát triển giống lợn Móng Cái theo hướng lợm sạch, lợn hữu cơ để tạo thành thương hiệu sản phẩm mang đậm bản sắc truyền thống lâu đời của địa phương. Năm 2016, HTX Nông nghiệp hữu cơ An Lộc được thành lập với 7 thành viên, chị được bầu làm giám đốc HTX bởi chị xuất thân trong gia đình có truyền thống làm nông nghiệp, ngay từ nhỏ đã quen thuộc với nghề chăn nuôi lợn nên kinh nghiệm và kiến thức chăn nuôi lợn của chị giúp cho hợp tác xã đạt được những thành công nhất định.

Bản thân chị, bằng những quyết tâm khôi phục lại giống lợn đã mai một ngày nào, chị đã phải lặn lội khắp nơi để tìm tòi, thu thập giống lợn Móng Cái thuần chủng để nhân giống và phát triển. Được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương, cùng với các cấp Hội Nông dân trong tỉnh, gia đình chị đã vay vốn, đầu tư công nghệ, khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, mỗi năm gia đình chị thu về từ 8 - 13 tỷ đồng, lợi nhuận thu được trung bình hàng năm sau khi đã trừ chi phí đạt khoảng 3 tỷ đồng.

Chị chia sẻ: HTX Nông nghiệp hữu cơ An Lộc ra đời với mục đích tập hợp những hội viên trên địa bàn xã Quảng Nghĩa có tâm huyết trong chăn nuôi giống lợn Móng Cái cùng liên kết, chia sẻ kinh nghiệm để sản xuất lợn theo một quy trình sạch đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, tiến tới xây dựng, phát triển trang trại, gia trại quy mô lớn, chăn nuôi bền vững để nâng cao thu nhập cho các xã viên.

Toàn bộ trang trại của các thành viên HTX đều được xây dựng theo quy trình hoàn toàn khép kín. Ban đầu, lợn giống được nhập tại các trung tâm sản xuất giống uy tín. Sau đó, HTX đã chủ động sản xuất con giống để cung cấp cho các thành viên. Từ đó giảm chi phí sản xuất, giá thành để sản phẩm thịt lợn sạch Móng Cái dễ dàng đến tay người tiêu dùng hơn.

Gia đình chị là một trong những hộ chăn nuôi lợn lớn ở xã Quảng Nghĩa. Diện tích trang trại nuôi lợn rộng khoảng 3ha, chị đã đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn Móng Cái với quy mô 25 chuồng, chuyên nuôi lợn thịt cung cấp thịt lợn thương phẩm và lợn nái sinh sản chuyên cung cấp con giống cho thị trường.

Chị cho biết: Lợn Móng Cái là giống vật nuôi bản địa, rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây. Đặc biệt, chúng thích nghi với cách sống bán hoang dã, lại ăn tạp, rau cỏ kể cả thân chuối chúng cũng ăn. Lợn Móng Cái có đặc trưng màu lông đen pha lẫn trắng hoặc hồng. Lợn có đầu to, cổ ngắn, lưng dài, rộng và hơi võng xuống, lông thưa và nhỏ, da mỏng mịn, chân cao, móng xòe. Cách nhận biết thịt lợn cũng khá đơn giản, Lợn Móng Cái có mỡ trắng, bì trong, thịt đỏ, nấu ăn không cần mì chính cũng vẫn có vị ngọt. Khi mọi người đã được ăn thịt lợn Móng Cái một lần sẽ cảm thấy rất ngon và nhớ mãi, chính vì lẽ đó mà rất nhiều khách hàng quay lại cơ sở giao dịch của hợp tác xã đặt mua hàng, dù rằng giá lợn Móng Cái rất đắt, giá bán cao gấp 2 lần so với lợn thường.

Khi mới nuôi, do chưa có kinh nghiệm nuôi, chị cùng các thành viên cho ăn nhiều loại cám gạo, cám ngô trộn với thân chuối băm nhuyễn cho lợn ăn, nên khi ăn cám nhiễu khiến lợn rất nhanh béo. Chính vì vậy, chị đã thay đổi chế độ, khẩu phần ăn cho chúng, sáng thả đàn lơn ra vườn đồi, tối về chỉ cho ăn 1 bữa. Đàn lợn được thoải mái vận động trong khoảng 4 - 6 tiếng trước khi quay lại chuồng. Lợn Móng Cái nuôi 5 tháng cân nặng chỉ khoảng 30kg, đến khi 8 tháng đạt 40 - 45kg.

Theo kinh nghiệm chăn nuôi của các thành viên trong HTX, nuôi lợn sạch Móng Cái mất nhiều công chăm sóc hơn so với chăn nuôi các giống lợn bình thường. Tuy nhiên, với ưu điểm dễ nuôi, ít bệnh, đẻ nhiều, có thể đẻ 20 đến 25 con/lứa. HTX Nông nghiệp hữu cơ An Lộc trở thành địa chỉ tin cậy chuyên cung cấp lợn sạch Móng Cái cho thị trường trong và ngoài tỉnh tiêu thụ. Đặc biệt, mô hình này còn thường xuyên được TP Móng Cái lựa chọn sản phẩm tham gia các hội chợ OCOP tỉnh và đang được các thành viên trong HTX tiếp tục nhân rộng thành công.

Ban đầu có 7 thành viên, đến nay HTX đã có rất nhiều thành viên tham gia, với mục tiêu xây dựng mô hình cung ứng sản phẩm lợn thịt Móng Cái sạch tới tay người tiêu dùng, các thành viên trong HTX đều cam kết làm thương hiệu lợn sạch với một quy trình chăn nuôi nghiêm ngặt, kiểm soát an toàn dịch bệnh từ khâu đầu vào đến khi xuất bán, tiêu thụ ra thị trường.

Với quy trình nuôi sạch sẽ, an toàn, thân thiện với môi trường, mô hình chăn nuôi lợn sạch Móng Cái của HTX An Lộc đã được TP. Móng Cái cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là điều kiện để HTX tiếp tục phát triển, mở rộng thị trường và từng bước xây dựng một cách vững chắc thương hiệu sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Hải, Phó trưởng Phòng Kinh tế TP Móng Cái cho biết, thành phố đang tập trung xây dựng chuỗi liên kết lợn Móng Cái, từ khâu sản xuất con giống đến nuôi lợn thịt thương phẩm, chế biến và tiêu thụ ngoài thị trường. Địa phương luôn hỗ trợ cho các doanh nghiệp, HTX tham gia hội chợ, xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế. Đặt mục tiêu lợn Móng Cái sẽ được chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia, trở thành thế mạnh của địa phương.

Không những là tấm gương sản xuất kinh doanh giỏi, chị còn luôn đi đầu trong hoạt động xã hội, giúp đỡ và tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động với mức lương 8 đến 9 triệu đồng/tháng. Hằng năm, chi cùng gia đình phổ biến kiến thức, dạy nghề cho hàng chục lao động, giúp đỡ nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, phối hợp tổ chức 05 lớp tập huấn trồng rừng, chăn nuôi cho 250 lượt người. Đóng góp xây dựng nông thôn mới của địa phương hàng chục triệu đồng, các quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ vì người nghèo, quỹ chất độc màu da cam...

Nhờ những thành tích đạt được, chị đã nhận được rất nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. năm 2022, chị vinh dự là đại biểu của tỉnhHộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh.

 

Nhật Anh