00:00 Số lượt truy cập: 2662939

Nữ nông dân Tây Nguyên làm kinh tế giỏi 

Được đăng : 15/12/2022
Tốt nghiệp THPT, như bao cô gái trẻ khác tìm hướng đi cho riêng mình, chị Đỗ Thị Mỹ Thơm (xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang, Gia Lai) rời quê ra thành phố Đà Nẵng học nghề may. Sau khi có nghề chị quay trở về quê nhà và xin làm cho một cơ sở may mặc, được vài năm thấy cuộc sống vẫn khó khăn vì thu nhập không cao chị quyết định bỏ về nhà làm rẫy phụ giúp ba mẹ.

pa1234
Chị Đỗ Thị Mỹ Thơm (giữa) – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai cùng các thành viên

 

"Thời điểm đó, tôi nhận thấy bố, mẹ quanh năm phải làm cà phê mà gặp cảnh được mùa mất giá. Cũng tình cờ, tôi được một người quen ở Lâm Đồng giới thiệu cây chanh dây. Từ đó, tôi nhanh chóng lên mạng internet tìm hiểu kỹ thuật trồng và chăm sóc loài cây này. Sau đó, tôi mua 80 gốc chanh dây ở Lâm Đồng về trồng thử tại khu vực rẫy của gia đình. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, cộng với điều kiện tự nhiên thuận lợi, sau 5 tháng, vườn chanh dây của tôi đã cho thu hoạch", chị Thơm kể.

Thấy giống chanh dây này rất hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của rẫy cà phê nhà mình, cây sinh trưởng và phát triển rất tốt, cho trái to, đều, chị mạnh dạn tiếp tục xuống 120 gốc chanh dây trồng xen với diện tích hơn 2 ha cây phê và hồ tiêu chăm sóc theo quy trình khép kín, sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước.

Có được thành quả, năng xuất chanh dây đạt ngoài kết quả như mong đợi, việc xử lý trái chanh dây bị thối úng khi mùa mưa đến cũng được chị tìm cách xử lý bằng việc ngắt toàn bộ lá trước mùa mưa. Tuy nhiên vấn đề đầu ra, tiêu thụ như thế nào thì là cả một bài toán đau đầu với chị. Thời điểm đó, người dân vùng Tây Nguyên chưa quen nhiều với trái chanh dây nên chẳng có ai thu mua. Chị Thơm phải tự lặn lội đem sản phẩm đến các siêu thị, đô thị lớn để chào bán từng chuyến hàng.

Sự kiên trì và lòng quyết tâm đã không phụ lại công sức của chị, năm 2011, tình cờ chị Thơm tìm được mối mua chanh dây ở chợ Thủ Đức (TP.HCM) với giá 15 ngàn đồng/kg. Dần dần, thông qua các mối thu mua, chị đã đưa được sản phẩm chanh dây ra các nước Châu Âu như Pháp, Thụy Sĩ.

Có được đầu ra ổn định, nhiều đơn hàng chờ sản phẩm, chị Thơm mạnh dạn mở rộng thêm 3ha chuyên trồng chanh dây. Năm 2017, chị Thơm đã thu về hàng tỷ đồng nhờ đưa sản phẩm chanh dây xuất khẩu thị trường Pháp và Thụy Sĩ

Để tiện cho công việc sản xuất và kinh doanh về sản phẩm chanh dây, dần xây dựng thương hiệu và phát triển mối quan hệ với các đối tác, năm 2019 chị Thơm thành lập HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Hùng Thơm do chị làm Giám đốc.

“Ngay từ khi đi vào hoạt động, HTX luôn đặt mục tiêu phát triển cho sản phẩm. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu chất lượng cao, HTX đã đẩy mạnh liên kết với các hộ nông dân trồng chanh dây theo tiêu chuẩn GlobalGAP trên diện tích 30 ha. Không chỉ xuất khẩu chanh dây, HTX còn tiến hành xây dựng chuỗi giá trị cho mặt hàng này qua việc chế biến tinh cốt chanh dây cô đặc, dịch chanh dây đông lạnh, sấy mứt từ vỏ chanh dây. Với những nỗ lực của HTX, 2 sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh. Thời gian tới, HTX tiếp tục hướng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện các tiêu chí để nâng hạng sản phẩm OCOP”, chị Thơm cho hay.

HTX của chị đã tạo được nguồn thu nhập ổn định cho cho 40 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, HTX cũng hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật trồng, chăm sóc chanh dây cho 14 hộ nghèo trên địa bàn huyện để họ phát triển, nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống".

Ngày 14/10/2022 vừa qua, chị Đỗ Thị Mỹ Thơm vinh dự là một trong 100 đại diện của cả nước được nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức bình chọn và trao giải tại Hà Nội,

Phương Anh