00:00 Số lượt truy cập: 2680728

Nuôi gà gia công, mô hình không mới nhưng an toàn, hiệu quả 

Được đăng : 11/10/2023
Trong chăn nuôi, với những người chưa có nhiều kinh nghiệm, vốn đầu tư thấp, nhằm giảm thiểu rủi ro và đạt độ an toàn, nhiều mô hình liên kết sản xuất bằng hình thức chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp, đối tác lớn đem lại hiệu quả cho bà con nông dân. Mô hình hợp tác nuôi gà lông màu cho công ty nước ngoài của chàng trai trẻ Lê Xuân Thuận, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước là một điển hình.

ga1234

Anh Thiện giới thiệu giống gà lông màu trong trại cho khách tham quan

 Anh Thuận cho biết, đầu năm 2020, để ký được hợp đồng chăn nuôi gà lông màu theo hình thức gia công cho công ty, Thuận được người anh vợ hỗ trợ vay vốn ban đầu để đầu tư chuồng trại khép kín hết hơn 1 tỷ đồng. Theo yêu cầu của phía công ty, trại gà trang bị đầy đủ các trang thiết bị hiện đại như máng ăn tự động, hệ thống làm mát, hệ thống gas tạo máy sưởi, xử lý chất thải, điện chiếu sáng, quy mô mỗi lứa khoảng 21.000 con gà. Trước khi ký hợp đồng gia công, phía công ty sẽ đến khảo sát điều kiện chăn nuôi của mình. Sau đó đầu tư con giống, thức ăn cho mình. Định kỳ công ty cử cán bộ kỹ thuật xuống kiểm tra, tiêm phòng và tư vấn kỹ thuật.

Với khuôn viên hơn 6.000m2, vợ chồng Thuận có 2 trại nuôi gà, mỗi trại có diện tích hơn 1.300m2. Bên trong các trại chia thành 3 ô, mỗi ô thả 7.000 con gà, nuôi dưới đệm lót sinh học. Thuận cho biết, phía công ty giao nhiều giống gà chứ không phải chỉ 1 loại. Đó là giống gà Tam hoàng, gà Lương phượng và gà Bình Định.

Theo nội dung hợp đồng hợp tác liên kết, với mỗi trại 18.000 con, anh phải giao lại cho công ty 30 tấn gà hơi, thừa thì người nuôi được hưởng, nếu thiếu sản lượng thì gia trại phải bù. Như vậy, nuôi làm sao để trọng lượng gà thành phẩm phải đạt bình quân 1,7kg mới đủ sản lượng thỏa thuận. Và như vậy nếu không chăm sóc đúng kỹ thuật, không đạt sản lượng, tỷ lệ gà hao hụt nhiều thì cầm chắc lỗ.

Giá trị hợp đồng gia công với quy mô trang trại của gia đình anh Thuận ở thời điểm hiện tại là 130 triệu đồng/lứa, trong đó bao gồm chi phí phía gia chủ như: tiền gas để úm gà con mỗi lứa hết khoảng 18 triệu, tiền điện gần 20 triệu, tiền trấu 15 triệu, thuê mặt bằng 20 triệu/tháng, tiền công thuê đội bắt từng con gà nhỏ thuốc mắt, 500 đồng/con, tính ra cũng 20 triệu 1 trại.

Theo tính toán của anh Thuận, mỗi lứa gà chỉ nuôi dưới 2 tháng là được xuất cho công ty, nhưng sau khi xuất chuồng, cần thời gian thu dọn phân, trấu, tổng vệ sinh chuồng trại, khoảng 1 tháng sau công ty mới giao giống tiếp, vì thế, một năm chỉ nuôi được 3 lứa rưỡi chứ không được 4 lứa, tính trung bình 3 tháng/lứa gà, một năm được 4 lứa.

Ngoài các chi phí đầu vào trong chăn nuôi gà, anh Thuận còn phải mất chi phí thuê mặt bằng 60 triệu/lứa gà. Vì vậy để có thêm thu nhập, gia đình anh phải giảm thiểu chi phí thuê nhân công, tập trung công sức chăm sóc đàn gà tốt, để giảm hao hụt và tăng trọng tốt, nếu gà đạt trọng lượng bình quân từ 1,8-2kg/con thì mới có chút lời, chủ yếu lãi ở sản lượng dôi dư so với sản lượng hợp đồng ký với công ty. Đồng thời, mỗi trại anh phấn đấu có dư từ 1 đến gần 2 tấn từ sản lượng và số gà dôi dư do nuôi thêm. Ngoài ra, sau mỗi lứa gà, số phân trấu cũng bán được 30 triệu đồng. Với mỗi tấn tương đương 37 triệu đồng, bình quân mỗi tháng Thuận thu nhập khoảng 30 triệu đồng.

“Với diện tích như này, công ty giao 18 ngàn con, mình có thể bỏ thêm vào nuôi khoảng 2 ngàn con nữa. Chứ thả nhiều quá cũng không được. Do thiếu vốn, kinh nghiệm chưa nhiều nên mình chọn cách an toàn là nuôi gia công, không phải tính đến  đầu ra, chứ nếu không, đàn gà vài chục ngàn đến cả trăm ngàn con, chỉ cần xuất chậm 1 ngày là tốn hàng chục triệu chi phí rồi”, anh Thiện chia sẻ thêm.

Mai Loan