00:00 Số lượt truy cập: 2666964

Nuôi tôm công nghệ cao hạn chế rủi ro 

Được đăng : 15/09/2021
Trong thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang hình thành, phát triển nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao với tỷ lệ nuôi thành công hơn đến 90% và hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với nuôi tôm trong ao đất, vừa góp phần giải quyết được những hạn chế trong bảo vệ môi trường sinh thái. Tiên phong có mô hình nuôi tôm siêu thâm canh bằng công nghệ tuần hoàn nước trong nhà màng (gọi tắt là RAS) của ông Bùi Thế Vương, xã An Ngãi, huyện Long Điền, đưa lại nguồn thu nhập từ 1,2 đến 1,4 tỉ đồng/1ha/1 lứa.

 

 

Mặc dù chỉ mới bắt đầu nuôi tôm hơn 1 năm, nhưng ngay từ lúc đầu, ông Bùi Thế Vương, xã An Ngãi, huyện Long Điền đã mạnh dạn thuê đất, đầu tư nuôi tôm công nghệ cao trên diện tích 7ha; trong đó có 1,5ha ao nuôi chính, diện tích còn lại là ao lắng, lọc và xử lý nước thải.

Điểm nhấn trong mô hình này là ứng dụng công nghệ tuần hoàn nước (RAS). Với 1,5 ha ao nuôi chính, ông Vương đã đầu tư 2 loại ao nuôi gồm ao nuôi vuông, với 5 ao diện tích 10.000m2, loại ao nuôi này ông đầu tư lót bạt ngay trên toàn bộ nền ao đất, sau đó cho nước đã được lắng lọc, xử lý vào ao nuôi và loại ao nuôi tròn, với 10 ao có diện tích 830m2/ao, loại ao nuôi tròn này được thiết kế khung thép lót bạt. Thực tế cho thấy, nước sau một thời gian nuôi tôm sẽ bị ô nhiễm bởi nguồn thức ăn dư thừa và từ phân tôm… Thông thường, nguồn nước ô nhiễm sẽ được đưa ra khỏi hệ thống bể nuôi và được thay thế hoàn toàn bằng lượng nước mới. Tuy nhiên, với công nghệ hiện đại, toàn bộ quy trình lọc khép kín trong nhà màng sẽ xử lý nguồn nước thải đến khi đạt chuẩn, sau đó đưa trở lại bể nuôi.

Phương pháp nuôi theo công nghệ cao, môi trường nước được kiểm soát chặt chẽ, nguồn nước tuần hoàn và khép kín, quá trình nuôi ít chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố thời tiết, nên có thể thả giống quanh năm và không bị lệ thuộc khung lịch mùa vụ. Đây cũng là lợi thế để tránh được tình trạng thu hoạch đại trà làm giá tôm thương phẩm giảm xuống.

Ông Vương chia sẻ, mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao giúp quá trình nuôi tôm an toàn và giảm rủi ro, vì thế lợi nhuận chắc chắn tăng lên và năng suất cao hơn bà con nuôi truyền thống.  Mỗi năm mô hình của ông sản xuất được 3 vụ, cao gần gấp đôi so với phương pháp nuôi thông thường, tỷ lệ tôm nuôi hao hụt cũng giảm nhiều so với nuôi truyền thống, sau khi trừ chi phí mỗi ha ông Vương lời từ 1,2 đến 1,4 tỉ đồng/1ha/1 lứa.

Thời điểm dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, giá tôm nuôi đã rớt xuống thấp chưa từng có, chỉ từ 125-130 nghìn đồng/kg (loại từ 25-30 con tôm/kg) nhưng đầu ra vẫn ứ đọng không tiêu thụ được, khiến ông Vương bị thua lỗ nặng nề. Từ tháng 10 đến nay, khi tỉnh nới lỏng giãn cách, giá tôm đã dần khôi phục với giá hiện nay từ 190 -250 nghìn đồng/kg cho loại từ 25-30 con/kg và thương lái đổ xô mua nhưng không có hàng. Đây là tín hiệu đáng mừng với người nuôi tôm. Nếu thời điểm này có tôm để bán người nuôi sẽ có lãi lớn. Nhờ nuôi gối vụ nên trang trại của ông Vương cũng vẫn có tôm để bán nhưng số lượng không nhiều.

Từ giữa tháng 10/2021, ngay sau khi tôm khôi phục hồi lại giá cả và đầu ra, ông Vương  đã thả nuôi 1,6 triệu con tôm giống dự kiến sẽ thu về khoảng 33 tấn tôm thương phẩm. Trong tuần qua, công nhân đã tập trung sửa sang thiết bị tạo oxy tại các đầm nuôi, san bớt mật độ nuôi tôm trong các đầm, tập trung chăm sóc, đảm bảo cho tôm đạt tiêu chuẩn về trọng lượng cũng như chất lượng để kịp thu hoạch vào những ngày cận Tết. Với 15 ao nuôi hiện có, ông đã dồn chi phí để thả nuôi cho vụ cuối năm lên đến 10 ao và hy vọng trúng mùa, trúng giá để có thu nhập vớt vát lại những tổn thất trong đợt dịch vừa qua./.

Thùy Dung