00:00 Số lượt truy cập: 2667666

Ông lão miền Tây miệt mài làm giàu 

Được đăng : 27/06/2022
Dù đã ở độ “xế chiều”, ông Nguyễn Văn Hiếu (70 tuổi) ở phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ vẫn có thu nhập đều đặn trên 100 triệu đồng mỗi tháng nhờ việc nuôi dúi thịt và dúi sinh sản.

pa-31

 Ảnh: Ông Hiếu đang giới thiệu với khách tham quan về dúi nuôi tại trang trại nhà mình

 

 

Được chúng tôi hỏi về cơ duyên đưa ông đến với nghề nuôi dúi, ông bồi hồi nhớ lại, trước đây ông từng chăn nuôi heo nhưng do thua lỗ nên đã phải bán hơn 1ha đất vườn để trả nợ và chuyển sang làm nhân viên siêu thị. Trong một lần ra Bắc, ông tình cờ được ăn thử món thịt dúi thơm ngon và giàu dinh dưỡng. Nhận thấy đây là loài vật mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông đã nhanh chóng góp hết số tiền mang theo mua thử dúi giống về nuôi.

Lúc bấy giờ do kinh tế còn khó khăn, chuồng trại ông cũng chỉ làm đơn sơ, tạm bợ. Để đảm bảo nguồn thức ăn, lão nông tận dụng mía vụn, mía loại bỏ ở các vựa và thu mua tre của người dân ở địa phương. Không phụ công ông chăm sóc, một năm sau đàn dúi đã phát triển rất nhanh.

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi dúi, ông cho biết, dúi rất dễ nuôi, chủ yếu ăn đêm, ngủ ngày. Thức ăn cũng rất dễ tìm như: tre, mía, bắp … Do dúi không uống nước, phân khô, không mùi hôi nên cách 3 - 4 ngày mới dọn chuồng 1 lần. Trại nuôi dúi được làm đơn giản, ít tốn chi phí. Chuồng phải kín gió, bố trí nơi ít tiếng động; dúi ưa tối nên cần che chắn để ánh sáng mặt trời không chiếu trực tiếp vào. Dúi là loài gặm nhấm nên răng mọc dài liên tục, nếu không mài răng sẽ dài dẫn tới không ăn uống được. Vì vậy, thỉnh thoảng phải cho thức ăn thích hợp để chúng mài răng. Mỗi ngày chỉ cần cho dúi ăn một lần vào chiều tối, không nên cho ăn quá nhiều khiến con vật tích lũy mỡ. Bình quân 100 con dúi ông Hiếu chỉ tốn 30.000 đồng tiền thức ăn mỗi ngày. 

Nhận thấy giá trị kinh tế từ nghề nuôi dúi, năm 2010, ông Hiếu phối hợp với người con mở thêm một trang trại dúi thịt và dúi sinh sản tại Củ Chi (TP.HCM) với quy mô trên 4.000 con (trong đó có hơn 1.000 con dúi sinh sản). Hiện cơ sở đang nuôi 2 giống dúi chính là dúi mốc và dúi má đào. Dúi nuôi từ 9 tháng có thể sinh sản. Dúi tự phối giống, nếu chăm sóc tốt, dúi cái có thể sinh được tối đa 4 lứa/năm, với 3 dúi con/lần. Hiện trại dúi ở Củ Chi do con của ông Hiếu quản lý, phụ trách nhân giống, sản xuất dúi thương phẩm còn trại dúi ở Cần Thơ là trạm phân phối. Cứ 2 tuần/lần ông Hiếu đem về khoảng 150-200 con dúi giống và dúi thịt giao cho khách hàng. Với giá dúi thịt khoảng 1 triệu đồng/con (trên 1 kg) và giá dúi giống từ 1,2 - 2 triệu đồng/con tùy trọng lượng, ông thu về 100 triệu đồng mỗi tháng sau khi trừ tất cả chi phí nuôi.

Mặc dù nuôi rất dễ, nhưng ông Hiếu vẫn luôn quan tâm đến việc phòng chống dịch bệnh cho dúi. Chuồng trại nuôi phải được vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo thoáng mát, được phun thuốc khử khuẩn; con nào có dấu hiệu bệnh, nuôi nhốt tại nơi khác để hạn chế việc lây nhiễm. Khi dúi sinh sản phải cung cấp đủ thức ăn chứa canxi, cho ăn thêm bắp tươi để có sức nuôi con, tránh xảy ra tình trạng ăn con, gây hao hụt. Dúi con nuôi đạt trọng lượng 500 - 700 gr có thể xuất bán giống. Riêng dúi thương phẩm nuôi 7 tháng, trọng lượng đạt 1,5 kg có thể xuất bán.

Dám nghĩ, dám làm, từ một nông dân bình thường, ông Hiếu đã trở thành “Vua dúi” miền Tây, được đông đảo bà con đến tham quan mô hình và học hỏi kinh nghiệm.

Phương Anh