00:00 Số lượt truy cập: 2666780

Phát triển kinh tế gia đình nhờ mô hình nuôi thỏ 

Được đăng : 17/05/2022
Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng, nhiều nông dân có điều kiện vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, ông Nguyễn Ngọc Minh ở xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An là một điển hình như vậy.

pa412 
Ảnh minh họa

Chia sẻ với chúng tôi, ông Minh bộc bạch, trước đây gia đình ông chủ yếu trồng cây ăn trái nhưng hiệu quả kinh tế không cao, điệp khúc “được mùa, mất giá” cứ lặp đi lặp lại thành vòng luẩn quẩn. Từ chỗ yêu thích rồi đam mê, ông bắt đầu tìm hiểu kỹ thuật nuôi, chăm sóc thỏ trên mạng internet và bắt tay thử nghiệm nuôi thỏ vào năm 2020 với 10 con thỏ giống. Trong quá trình nuôi, nhận thấy việc nuôi thỏ khá đơn giản, có nhiều ưu điểm về khả năng sinh trưởng, ít dịch bệnh nên ông quyết tâm mở rộng mô hình. Hiện tại, trang trại của gia đình ông có hơn 1.000 con thỏ, trong đó có 100 thỏ sinh sản.

Theo ông, thỏ là vật nuôi nhạy cảm với các tác nhân ngoại cảnh nên trang trại cần được thiết kế kỹ lưỡng. Trang trại của gia đình ông được xây dựng khá quy mô với khu chuồng trại kiên cố, có hệ thống quạt thông gió với hàng chục dãy chuồng, mỗi dãy ông ngăn thành từng lồng, chia lồng thành từng ngăn để nuôi. Lồng nuôi được đặt trên các trụ cách đất khoảng 70 cm đến 1 m. Mỗi chuồng đều trang bị máng đựng thức ăn tinh và vòi uống nước tự động. Hằng ngày đều vệ sinh chuồng trại, tạo độ thông thoáng, sạch sẽ giúp thỏ sinh trưởng và phát triển. Nguồn thức ăn cho thỏ khá dồi dào, dễ kiếm, dễ trồng và sẵn có quanh năm, từ các loại cỏ, lá cây, củ, quả,... cho đến các loại thức ăn viên chuyên dụng.Vì thế, người nuôi nên thay đổi nguồn thức ăn phù hợp với điều kiện sinh trưởng của thỏ.

Đặc biệt, muốn phát triển đàn thỏ, trước hết phải chọn con giống tốt, khỏe mạnh, tiếp đó là tiêm phòng định kỳ vì thỏ rất dễ mắc các bệnh theo mùa. Và khâu quan trọng nhất quyết định sự thành công của mô hình chính là kỹ năng lựa chọn giống sinh sản, phối giống và kỹ thuật nuôi con. Thông thường, thỏ cái nuôi đến tháng thứ 6 sẽ bắt đầu được mang đi phối giống. Từ lúc phối giống đến lúc đẻ là 30 ngày, một năm thỏ sinh sản từ 6-8 lứa, mỗi lứa từ 6-10 con. Thỏ con được 1 tháng tuổi là có thể tách mẹ để nuôi thương phẩm. Sau khoảng 3 tháng nuôi, thỏ đạt trọng lượng từ 2-2,5kg là có thể bán. Bình quân mỗi tháng, trang trại của ông cho xuất chuồng từ 100-200 con thỏ thương phẩm với giá bán dao động từ 70.000-75.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, ông có thu nhập ổn định gần 20 triệu đồng/tháng.

Từ thực tiễn bản thân, ông Minh cho rằng kỹ thuật nuôi thỏ vốn không khó, quan trọng người nuôi phải chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước đã thành công với mô hình này; đồng thời phải luôn nỗ lực, không nản lòng khi gặp khó khăn thì mới thành công được.

Hiện tại mô hình của gia đình ông đã mang lại hiệu quả, giúp gia đình có cuộc sống ổn định hơn so với trước nhờ thu nhập đều đặn hằng tháng, đồng thời giải quyết việc làm thường xuyên cho 5-7 lao động tại địa phương. 

 

Phương Anh