00:00 Số lượt truy cập: 2666731

Thu nhập khá nhờ nuôi chim bồ câu Pháp 

Được đăng : 23/02/2022
Tới thôn Cần Lương, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên hỏi anh Hồ Minh Hoàng nuôi chim bồ câu Pháp có lẽ không ai xa lạ. Với tinh thần cầu tiến, chịu khó học hỏi, mỗi năm mô hình nuôi chim của gia đình anh cho lãi khoảng 300 triệu đồng.

pa123

 Ảnh: Anh Hồ Minh Hoàng đang chăm sóc đàn bồ câu của gia đình

 

Khi học xong cấp 3, anh không tiếp tục học lên mà xoay sở tìm cách để phát triển kinh tế gia đình. Sau một thời gian nghiên cứu, nhận thấy bồ câu Pháp là giống thịt nổi tiếng, mỗi năm một cặp có thể đẻ từ 8 - 9 lứa, khối lượng chim ra ràng (28 ngày tuổi) đạt từ 530-580g/con, khả năng thích ứng cao với điều kiện khí hậu nước ta, nên anh đã chọn giống chim này làm hướng đi cho mình.

Năm 2019, anh đã đầu tư chuồng trại, nuôi thử nghiệm 100 cặp bồ câu Pháp giống VN1 và VN2 bố mẹ. Theo anh, bồ câu Pháp khác biệt với bồ câu ta là dáng đi bao giờ cũng vểnh đuôi; chọn chim giống phải khỏe mạnh, lanh lợi, lông mượt, không dị tật và bệnh tật, có 4 - 5 tháng tuổi (biết gù - phân biệt trống, mái); chim trống có đặc điểm đầu to, mình to, mỏ ngắn, vòng cườm cổ phình to và đỏ rực, gù nhiều hơn con mái, khi gù con trống thường quay tròn quanh con mái, dữ tính hơn con mái; con mái khi gù chỉ quay nửa vòng quanh con trống.

Mặc dù đã kỹ lưỡng trong khâu chọn giống nhưng thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm nên chim chết nhiều. Nhận thấy việc nuôi thả làm hao hụt và khó quản lý, chăm sóc đàn chim, lại không biết chính xác lượng thức ăn tiêu tốn cũng như cách quản lý dịch bệnh xảy ra. Nên anh quyết định đầu tư làm lại chuồng trại để nuôi nhốt số chim còn lại.

Anh cho hay, trại nuôi nhốt chim nên có mái lợp tôn chống nóng, tường chuồng xây kín hướng tây và bắc, xây lửng hướng đông và nam để tránh gió lùa, mát mẻ về mùa hè, ấm áp về mùa đông và đủ ánh sáng tự nhiên; trại chim cần yên tĩnh, không mèo, chuột và luôn luôn sạch sẽ. Đặc biệt khi nuôi nhốt theo hướng công nghiệp việc phòng trừ dịch bệnh cho chim cần ưu tiên hàng đầu. Do vậy, chuồng nuôi cần được thu dọn phân chim hàng ngày; rửa máng ăn uống 2 - 3 lần/1 tuần; sát trùng chuồng trại bằng dung dịch foocmol định kỳ 1 tháng/lần. Không cho chim ăn thức ăn đã ẩm mốc; cho chim uống nước sạch và thay mới nước mỗi ngày, tiêm thuốc phòng bệnh, bổ sung thuốc bổ và chất khoáng định kỳ cho chim. 

Qua hơn 4 tháng nuôi, không phụ công anh nghiên cứu cách chăm sóc, những cặp bồ câu Pháp còn lại đã cho thu nhập đầu tiên. Anh dần mở rộng mô hình, mua thêm giống để tăng số lượng bầy đàn. Đến nay, chim bồ câu Pháp của gia đình anh giao động từ 300-350 cặp, trong đó có khoảng 200 cặp chim bố mẹ. 

Từ kinh nghiệm của bản thân, anh nhận thấy chim bồ câu Pháp là loài chim hiền lành, dễ nuôi, thịt là thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng, mà không đòi hỏi công chăm sóc gì nhiều và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình này phát triển khá nhanh, chỉ sau 4-5 tháng thả nuôi là đã bắt đầu sinh sản lứa đầu và mỗi cặp có thể đẻ được 8-9 lứa, trung bình mỗi cặp chim bố mẹ sinh sản 3-5 năm. Thời gian chim ấp trứng từ 18-20 ngày, và sau 40 ngày thì xuất bán chim thương phẩm. Mỗi tháng, anh xuất bán 80-100 cặp chim các loại, giá 300.000-350.000 đồng/cặp chim bố mẹ, 60.000-65.000 đồng/cặp chim thương phẩm, sau khi trừ chi phí, anh thu về khoảng 12-15 triệu đồng/tháng. Đầu ra thị trường ổn định, hiện tại gia đình anh bán chủ yếu ở Binh Định và Phú Yên, nhiều khi không đủ số lượng để cung cấp ra thị trường. 

Từ sự nỗ lực của mình, anh Hoàng là tấm gương của rất nhiều bạn trẻ nông thôn vươn lên làm kinh tế, làm giàu chính đáng cho bản thân, cho gia đình. Ngoài ra, anh còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm nuôi chim cho nhiều bà con đến tham quan học hỏi mô hình.

 Phương Anh