00:00 Số lượt truy cập: 2661827

Thuần hóa lươn đồng thu về nửa tỷ mỗi năm 

Được đăng : 06/06/2022
Giống lươn đồng trong tự nhiên đang ngày càng giảm sút, khan hiếm bởi bị khai thác triệt để và việc sử dụng tràn lan phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Trong lần đi bắt lươn đồng cùng một số người bạn, trong đầu anh Trần Văn Hà ở xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) chợt lóe lên ý nghĩ là tại sao không thuần dưỡng loài vật này mà phải đi mua con lươn giống. Từ ý tưởng bị cho là khùng đó, vợ chồng anh đã xây dựng nên cơ sở thuần hóa lươn đồng mỗi năm thu lợi nhuận trên dưới 500 triệu đồng.

luon
Lươn đồng nuôi tại cơ sở của anh Hà màu vàng đẹp, thịt ngon, giá trị dinh dưỡng cao nên được nhiều nhà hàng ưa chuộng.

Ấp ủ ý định xây bể xi măng bắt lươn đồng về nuôi, sau đó xuất con giống cho dân từ thời còn trẻ nhưng anh vẫn chưa thực hiện được bởi cái khó với anh chính là chi phí đầu tư, bởi việc nuôi lươn đồng cần số tiền khá lớn về cả con lươn giống và cơ sở vật chất. Kết hôn năm 2015, vợ chồng anh Hà chị Thủy ra ở riêng với số tiền tích góp vài chục triệu đồng, hai sào ruộng cùng mảnh đất của bố mẹ chồng để lại. Sau ngày cưới, anh bàn với vợ về kế hoạch dang dở và nhận được sự ủng hộ. Vợ chồng anh đều tin tưởng rằng, vùng đất Nghệ An, Hà Tĩnh vốn nổi tiếng cả nước với các món ăn đặc sản chế biến từ lươn như: súp lươn, cháo lươn, lươn om chuối đậu, lươn xào sả ớt…nên mô hình nuôi lươn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao và nhất là không phải lo đầu ra bởi sức tiêu thụ ổn định.

Sẵn đất, vợ chồng vay mượn hơn 100 triệu đồng xây 24 bể nuôi, mỗi bể 4 m2. Thời gian đầu, hai người ra đồng thả trúm làm bằng ống tre, tự bắt hoặc mua con giống của nông dân để về nuôi thử nghiệm. Lứa lươn đầu tiên vợ chồng anh Hà mua hơn 5 tạ lươn đồng với giá 50 triệu đồng và 60 kg lươn giống nhân tạo với giá 21 triệu đồng từ miền Bắc về nuôi để so sánh tập tính hai loại. Bạn bè, hàng xóm dèm pha, dị nghị, nhiều người còn nói vợ chồng anh chị khùng. Bỏ qua tất cả, anh chị luôn xác định, thuần hoá lươn đồng rất khó, không phải ai cũng làm được, vì vậy, cần phải tâm huyết, kiên trì đến cùng.

Vụ đầu tiên, do thiếu kinh nghiệm nên anh chị đã thất bại. Lươn đồng phát triển song mỗi ngày chết khoảng nửa kg; riêng lươn nhân tạo nuôi mãi không lớn. Họ đành mở nắp cống xả nước cho trôi hơn 60 kg lươn nhân tạo ra sông, gom lươn đồng chết để làm sạch môi trường. Không nản chí, anh chị lên mạng tìm hiểu thêm thông tin rồi tìm đến những cơ sở nuôi lươn trong huyện để học hỏi thêm kỹ thuật. Từ đó, anh xác định lươn giống bị chết trong những ngày đầu mới nuôi là do môi trường nước. Các bể nuôi lấy nước từ giếng ngoài ruộng về. Nước này không có phèn, thiếu độ pH khiến lươn chết. Sẵn trong vườn có ao rộng 200 m2, sâu hơn 1,5 m, anh Hà mua đường ống, bơm nước từ con sông cách nhà khoảng 500 m về tích trữ tại ao, cứ một ngày thì đổ nước này vào bể nuôi lươn thay hai lần. Để phòng tránh bệnh nấm cho lươn, hàng tuần phải tạt nước muối pha lãng vào bể, khử khuẩn nguồn nước. Khi mua lươn giống chỉ chọn những con lươn khoẻ mạnh, kích thước đồng đều dù giá thành cao hơn. Đặc tính của các loại lươn là thích chui rúc, sợ ánh sáng, sợ nóng và tiếng ồn, vì vậy, nuôi lươn trong bể phải sạch sẽ thoáng mát, được che chắn cẩn thận. Nhờ tuân thủ theo quy trình kỹ thuật, các vụ nuôi sau lươn ít chết, phát triển tốt.

Vợ chồng anh Hà chủ yếu thuần lươn đồng giống, mỗi năm xuất bán hai lần. Vào đầu năm, họ dành một tháng đi gom khoảng 3 tạ lươn về thả nuôi trong 24 bể. Sau 3-4 tháng, lươn phát triển thì đem bán cho các cơ sở giống ở miền Bắc hoặc Huế để họ tiếp tục chăm sóc. Lươn giống không bán hết sẽ được nuôi thương phẩm. Sau 7-8 tháng, vợ chồng anh Hà đem bán cho các nhà hàng trong tỉnh, giá 150.000 đến 200.000 đồng/kg. Xuất hết một lứa, họ gom nuôi lứa mới cho đến tháng 11-12 thì ngừng thuần lươn nhỏ, vì trời rét chúng hay bỏ ăn, dễ chết. Từ năm 2020 đến nay, do Covid-19, việc đi lại khó khăn nên anh Hà không dám thuần lươn số lượng lớn dù đơn đặt hàng luôn nhiều.

Trầy trật mất 2 năm đầu, vợ chồng anh thua lỗ mất khoảng 400 triệu đồng. Từ năm 2018 trở đi, vợ chồng anh Hà bắt đầu thu lợi nhuận từ nghề nuôi lươn. Trung bình mỗi năm lợi nhuận đạt khoảng 500 triệu đồng từ bán lươn giống và lươn thịt, nợ nần do thua lỗ ngày trước đã trả hết. Anh chị đã tạo được cơ ngơi khang trang với hệ thống nhà ở trị giá hơn 1,5 tỷ đồng cùng vườn ao chuồng khép kín. Anh chị còn xây thêm một số chuồng trại nuôi hàng chục con bò giống vỗ béo bán kiếm lời.

Nhờ kiên trì và sáng tạo, vợ chồng anh Hà chị Thủy trở thành tấm gương tiêu biểu cho những nông dân chịu khó, dám nghĩ dám làm, biết áp dụng các kỹ thuật mới trong sản xuất chăn nuôi để phát triển kinh tế.

Thanh Bình