00:00 Số lượt truy cập: 2692009

Trải nghiệm tham quan, thưởng thức dâu Tây chín mọng ở Cao Bằng 

Được đăng : 03/02/2022
Du lịch nông nghiệp mang đến trải nghiệm mới mẻ cho khách du lịch cũng như gia tăng thu nhập của người nhà nông. Dù mới xuất hiện nhưng mô hình tham quan, trải nghiệm hái dâu tây trực tiếp tại vườn của anh Nông Văn Tậu ở phố Thông Huề, xã Đoài Dương (Trùng Khánh, Cao Bằng) là cách làm sáng tạo, dám nghĩ dám làm, đổi mới trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần tạo việc làm cho lao động tại địa phương.

dau1

Du khách thích thú với trải nghiệm hái dâu và thưởng thức dâu tại vườn

Trong chuyến công tác về Cao Bằng, đến thăm mô hình trồng dâu tây của anh Nông Văn Tậu, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi thấy vườn dâu tây chín đỏ căng mọng, đều tăm tắp. Chúng tôi đã có một trải nghiệm thú vị mà trước đây chỉ có Đà Lạt hoặc Mộc Châu, đó là thăm, chụp ảnh và hái quả dâu tây ăn ngay tại vườn.

Dẫn chúng tôi tham quan quanh khu vườn, anh Tậu chia sẻ: vùng đất này trước đây, gia đình anh cũng như các hộ dân khác chỉ cấy một vụ lúa, hiệu quả kinh tế thấp. Sau nhiều lần được thăm quan, học tập các mô hình phát triển kinh tế trong và ngoài tỉnh, anh được biết đến nhiều vườn dâu nổi tiếng trong nước. Xuất phát từ ý tưởng thử nghiệm mô hình kinh tế mới, vừa tạo ra giá trị kinh tế cho gia đình, vừa giúp thế hệ trẻ trải nghiệm thực tế, hạn chế việc sử dụng các thiết bị thông minh, năm 2020, anh mạnh dạn vay vốn Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 500 triệu đồng đầu tư xây dựng mô hình trồng dâu trên 500m2 đất. Với gbán từ 150 - 200 nghìn/kg quả dâu tây, năm đó anh thu lãi hơn 18 triệu đồng. Năm 2021, anh quyết định thuê 1 ha đất trồng lúa (với giá thuê 30 triệu/năm) cạnh đường lớn để trồng dâu tây, kết hợp đón khách thăm quan trải nghiệm. Hiện vườn dâu của gia đình anh trồng 26 nghìn gốc dâu tây chia thành 66 luống, sản lượng mỗi ngày ước đạt từ 30 - 40 kg.

Giống dâu tây được trồng tại vườn là giống Hana (Nhật Bản) được anh nhập trực tiếp từ Đà Lạt, được ươm ở Bắc Kạn rồi chuyển về vườn trồng. Ban đầu anh đã có vài tháng trồng thử nghiệm tại nhà, nhận thấy giống dâu tây phù hợp với khí hậu ở huyện Trùng Khánh nên mới tiến hành nhân rộng. Khi mới trồng, anh gặp rất nhiều khó khăn vì điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và đặc biệt là kỹ thuật chăm sóc. Vừa trồng vừa chăm sóc, anh vừa tự học hỏi, nghiên cứu đặc tính sinh trưởng của cây, anh đã áp dụng các quy trình, kỹ thuật chăm bón theo hướng hữu cơđể cây phát triển tốt, quả dâu to hơn, căng mọng hơn.

Anh Tậu cho biết thêm, để cây sinh trưởng tốt, anh thường dùng dịch chuối và bã đậu để bón cho cây và bón thêm phân vi sinh Thái Bình một tháng một lần kết hợp bón thêm phân trùn quế. Sử dụng hệ thống nước tưới bán tự động, vừa thuận tiện, tiết kiệm chi phí, tiết kiệm công sức lao động.Quy trình chăm bón dâu đều được thực hiện bằng phương pháp thủ công từ khâu nhổ cỏ cho đến chăm sóc và thu hoạch .

Ngoài thu hoạch dâu tây xuất đi các cửa hàng, địa phương, anh còn mở cửa đón du khách thập phương tới để họ tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm hái, thưởng thức dâu tây ngay tại vườn và cũng có thể mang về làm quà cho người thân. Việc kết hợp hái dâu tây với du lịch đã hạn chế được các chi phí về công và thị trường đầu ra cho sản phẩm, giúp đầu ra ổn định hơn. Nhờ nắm bắt thời cơ và lựa chọn đúng hướng để đầu tư, hiện nay vườn dâu tây của gia đình anh Tậu, đã trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút đông đảo khách tham quan, trải nghiệm.Theo anh Tậu, trung bình mỗi ngày có từ 20 - 30 khách đến vườn, đỉnh điểm có ngày trên 200 khách. Du khách đến vườn không phải trả phí vào cổng và phí chụp ảnh, mà anh chỉ bán quả dâu tây tại vườn. Giá dâu tự hái khoảng 160 nghìn/kg, nếu mua sẵn giá từ 180 - 200 nghìn/kg. Ngoài ra, trang trại cũng cung cấp cây con cho khách có nhu cầu mua về trồng, cây được bán với giá 15 - 20 nghìn đồng/cây.

Mặc dù chỉ mới thực hiện năm đầu, đã có rất nhiều du khách biết và đến trải nghiệm. Hiện tại chưa hết vụ anh đã thu được 74% tiền đầu tư mô hình (gần 500 triệu). Cũng nhờ mô hình hiệu quả mà anh đã tạo công ăn việc làm cho 4 lao động thường xuyên ở địa phương, 6 đến 8 lao động tính theo ngày, chủ yếu là người dân tộc Tày, Nùng.

“Hữu xạ tự nhiên hương”, chất lượng sản phẩm tốt thì sẽ được thị trường đón nhận. Điều đó là động lực cho anh Tậu tiếp tục đầu tư và phát triển theo con đường đã lựa chọn. Anh luôn ấp ủ dự định sẽ mở rộng diện tích vườn và đầu tư điểm dừng chân để du khách có chỗ ngồi và dịch vụ ăn uống; đầu tư khu tiểu cảnh để chụp ảnh; đặc biệt, chế biến chiều sâu từ dâu tây, như làm si - rô sinh tố phục vụ trong mùa hè.Mô hình đã và đang tạo hiệu quả, hướng đi mới trong phát triển du lịch. Hứa hẹn sẽ là điểm tham quan, thu hút nhiều lượt khách tìm kiếm, ghé thăm.

TB