00:00 Số lượt truy cập: 2638434

Trồng cam Canh thành công trên đất Lạng Sơn 

Được đăng : 15/09/2021
Mô hình trồng cam Canh và ý chí vượt khó làm giàu của ông Dương Văn Dũng ở thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn là động lực cho nhiều nông dân khác cũng phát triển kinh tế, làm giàu cho quê hương Bắc Sơn. Lựa chọn mô hình sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, phát huy thế mạnh điều kiện tự nhiên của địa phương, kết hợp với kỹ thuật mới, đến nay, ông Dũng đã có thu nhập trên 1 tỷ đồng mỗi năm.

cam1 

Sau khi học hết THPT, ông ở nhà phụ giúp bố mẹ việc ruộng vườn. Theo ông chia sẻ, trước đây Bắc Sơn nổi tiếng là vùng nguyên liệu cây thuốc lá, nhà nào cũng có mấy lò sấy thuốc. Năm 1987, ông lập gia đình và phát triển kinh tế từ việc thu mua thuốc lá sấy khô của bà con các xã lân cận bán cho thương lái. Nhờ có cây thuốc lá ông đã xây cất được nhà cửa khang trang. Nhưng rồi sau khi bị bạn lừa lấy mất 30 tấn thuốc lá khô, bao nhiêu vốn liếng tích góp mấy năm trời đều mất trắng. Lặn  lội vào tận Sài Gòn để đòi nợ nhưng không thành công, ông đành quay về quê nhà Bắc Sơn làm lại từ đầu.

Với sự nỗ lực và quyết tâm không ngừng, kinh tế gia đình ông đã từng bước phục hồi, các con được ăn học đầy đủ, có việc làm và xây dựng hạnh phúc riêng và cũng được ông lo cho cơ ngơi, công việc riêng để sinh sống. Tuy nhiên, do sự thay đổi của thị trường, nông dân dần bỏ trồng cây thuốc lá do không còn lợi nhuận. Công việc đầu tư phân bón và thu mua thuốc lá nguyên liệu cho bà con nông dân cũng vì thế không còn lời lãi. Ông đã đưa ra một quyết định hết sức táo bạo, chuyển hướng sang trồng cam Canh, thứ cây đặc sản của người Kinh mặc dù thời điểm ấy cây cam Canh chưa được nhiều người địa phương biết đến, bản thân ông chưa từng có kinh nghiệm về loại cây này.

Năm 2013, được sự ủng hộ của vợ con ông mua một khu đất đồi rộng hơn 2 ha ở gần thị trấn để cải tạo trồng cam Canh. Đầu năm 2014, ông lặn lội về huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên để mua 1.300 cây cam Canh giống về trồng. Để có kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc cây trồng, ông tìm mua các tài liệu, sách báo và xem các kinh nghiệm về trồng cam được chia sẻ trên mạng để học tập. Ông quyết định trồng cam Canh theo tiêu chuẩn an toàn, vừa đảm bảo sức khỏe cho mình, vừa có cam sạch cung cấp cho người tiêu dùng.

Nhờ chăm sóc đúng quy trình, đất được cải tạo tốt và đặc biệt là thời tiết ở Bắc Sơn rất hợp với cây cam Canh, nên ngay từ năm đầu tiên, cây đã cho quả có chất lượng hơn cả mong đợi. Ông tìm tòi điều chỉnh thời điểm chín của cam. Do đó, vụ thu hoạch cam của nhà ông kéo dài hơn 2 tháng. Do cam sạch, chất lượng tốt, quả chín đều, quả đỏ, mã đẹp, trái tròn to, múi mềm, ăn ngọt mát, vị đặc biệt so với vùng trồng khác chất lượng ngon nên cam Canh của gia đình ông được giá cao, cung không đủ cầu. Khách hàng chủ yếu ở các tỉnh Tuyên Quang, Hải Dương, Hà Nội và cả TP HCM. Ông Dũng cho biết, năm 2020 vườn cam Canh của gia đình ông thu được 25 tấn quả, cộng với các khoản thu nhập khác, ông thu về 1,4 tỷ đồng. Năm nay vườn cam Canh được mùa, dự kiến thu 40 tấn cam. Nếu được giá như năm trước, doanh thu sẽ khoảng 2 tỷ đồng từ bán cam. Ngoài diện tích cam đã trồng trước đó, ông Dũng đã đầu tư thêm vốn, mở rộng quy mô trồng cam từ 2,3ha lên hơn 4ha. Dự kiến diện tích cam mới trồng sẽ cho thu hoạch vào năm 2022.

Bên cạnh việc trồng cam, gia đình ông nuôi một số loại gia súc, gia cầm để tăng thêm thu nhập. Không chỉ mang lại thu nhập cao cho gia đình ông còn tạo việc làm thời vụ cho từ 6 đến 8 lao động tại địa phương. Ông luôn sẵn sàng giúp đỡ về giống, vốn, kỹ thuật cho các nông dân khác để phát triển giống cam Canh trên đất Bắc Sơn. Ghi nhận thành công và đóng góp của ông, năm 2021 ông được tôn vinh là “Nông dân Việt Nam xuất sắc”.

TB