00:00 Số lượt truy cập: 2682426

Trồng rau thủy canh trên vùng đất dốc cho thu nhập bất ngờ 

Được đăng : 14/11/2023
Sống ở vùng có địa hình không bằng phẳng, muốn trồng rau màu để phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn, ông Phan Tấn Nghiêm (SN 1966, khu phố Hải Điền, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã có sáng kiến trồng rau thủy canh hồi lưu trên vùng đất dốc. Với phương pháp này, chi phí đầu tư không cao, chi phí thuê nhân công cũng rẻ hơn trồng rau theo phương pháp truyền thống 50% mà lợi nhuận thu về lại rất lớn.

huowngh-3

 

Mô hình trồng rau thủy canh hồi lưu dựa vào địa hình đất dốc của ông Phan Tấn Nghiêm tiết kiệm với chi phí đầu tư, chất lượng sản phẩm rau đáp ứng các tiêu chuẩn về rau an toàn, phù hợp với xu thế chung của thế giới là hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ sản xuất với quy mô lớn và ổn định.

 

Nhờ sáng kiến “Phương pháp trồng rau thủy canh hồi lưu dựa vào địa hình đất dốc”, ông Nghiêm đã đoạt giải Ba Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu năm 2018-2019, giải thưởng Khoa học của nhà nông trong Lễ tôn vinh Nhà khoa học của nhà nông năm 2022.

Chia sẻ về cơ duyên đến với mô hình trồng rau thủy canh, ông Nghiêm cho biết: Trong một lần vô tình xem được mô hình trồng rau thủy canh trên tivi, tôi vô cùng hứng thú, càng nghiên cứu tìm hiểu về mô hình, tôi nhận thấy, trồng rau theo phương pháp thủy canh khắc phục được các nhược điểm của phương pháp trồng rau truyền thống, đặc biệt hạn chế sâu bệnh, tiết kiệm chi phí và nhân công.

Tận dụng lợi thế triền dốc đất núi, ông Nghiêm nghĩ ra cách trồng rau thủy canh. “Với phương pháp này, nước sẽ chảy từ nơi cao xuống thấp, dựa vào nguyên lý này áp dụng vào địa hình đất dốc của gia đình tôi sáng kiến ra giải pháp “trồng rau thủy canh hồi lưu dựa vào địa hình đất dốc” để khắc phục được khó khăn thực tế trong nhiều năm qua trong quá trình sản xuất rau theo cách truyền thống do độ nghiêng của đất xảy ra tình trạng dưới ngập trên hạn hay dưới tốt trên cằn cõi… như vậy tôi sáng kiến ra phương pháp này thật sự là lấy cái khó làm lợi thế, biến cái khó khăn thành ưu điểm để giải quyết bài toán tiết kiệm”, chủ trang trại rau thủy canh cho hay.

Để minh chứng cho nhận xét này, ông lấy ví dụ: Để sản xuất rau thủy canh trên cùng diện tích 750m2 trong 1 năm theo cách truyền thống của các công ty thiết kế và thi công: Chi phí thi công, lắp đặt, vật tư máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất rau thủy canh là: 800 triệu đồng. Chi phí vận hành (chỉ tính tiền điện): 12 triệu đồng/năm. Tổng chi phí: 812 triệu đồng.

Nhưng theo cách làm mới: Dựa vào địa hình đất dốc, tự thiết kế, thi công, lắp đặt, mua trang thiết bị vật tư máy móc… với chi phí là 300 triệu đồng; 6 triệu đồng chi phí vận hành máy bơm. Tổng chi phí: 306 triệu đồng.

Nghĩa là với quy mô sản xuất của gia đình ông Nghiêm 1 năm sẽ tiết kiệm được 506 triệu/đồng. Với cách truyền thống sau 6 năm mới thu hồi vốn, với cách làm mới sau 2 đến 3 năm đã thu hồi vốn.

 Có thể nói, lợi ích đạt được khi sử dụng giải pháp trồng rau thủy canh trên đất dốc là: Chi phí đầu tư, vận hành thấp, mau thu hồi vốn; Áp dụng được những nơi có địa hình đất đồi, dốc.

Đáng nói, trồng rau bằng phương pháp thủy canh cho sản phẩm đồng đều, chất lượng an toàn, rút ngắn thời gian sinh trưởng và tăng hiệu quả sử dụng đất. Trên cùng một đơn vị diện tích, năng suất của rau trồng thủy canh gấp 2-3 lần so với rau trồng phương pháp truyền thống.

Hiện, ông Nghiêm trồng các loại rau: xà lách, rau dền, rau cải, rau muống, dưa leo, bầu, bí, ngô… mỗi ngày cho thu hoạch gần 100kg rau, quả các loại.

Trong quá trình sản xuất, các sản phẩm rau của ông cũng thường xuyên được đơn vị kiểm tra, kiểm định về các chỉ số an toàn trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Nhờ đó, sản phẩm rau sạch luôn bán cao hơn các loại rau thông thường gấp 2-3 lần. Với 4.000m2, mô hình rau sạch thủy canh của ông Nghiêm đang cho thu nhập 500 - 600 triệu đồng/năm.

Ông Nghiêm khẳng định: Phương pháp trồng rau thủy canh hồi lưu dựa vào địa hình đất dốc sẽ tiết kiệm được: Chi phí đầu vào (chi phí mua máy bơm, bảo trì máy bơm, chi phí cung cấp năng lượng vận hành máy bơm, chi phí giàn kệ đỡ); Tự động hóa hạn chế công sức chăm sóc giàn rau; Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tuyệt đối, không thuốc trừ sâu – không hóa chất. Đặc biệt, có thể trồng nhiều vụ, nhiều loại rau cùng một giàn. Ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết và khí hậu. 

“Việc ứng dụng giải pháp đơn giản, nguyên vật liệu dễ tìm, mọi người có thể áp dụng thành công, không đòi hỏi kỹ thuật cao và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần bảo vệ môi trường. Đây là một sáng kiến mới trong sản xuất rau an toàn trên địa hình đất dốc mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân, đồng thời góp phần làm đa dạng ngành nghề, đa dạng sản phẩm nông nghiệp an toàn”, ông Phan Tấn Nghiêm nhận định.

 

Hương Chu