00:00 Số lượt truy cập: 2785903

Từ kinh nghiệm ít ỏi, thành công xây dựng trang trại thu tiền tỷ mỗi năm 

Được đăng : 06/12/2023
Vốn là nhân viên dịch vụ máy văn phòng, chị Nguyễn Thị Thanh Tâm (thôn Thái Hòa xã Bình Định, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) đã trờ thành gương nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 nhờ vào trang trại thu lãi hơn 1 tỷ đồng mỗi năm từ chăn nuôi lợn sạch với quy trình khép kín.

phuong-anh-t-12

Chị Tâm theo dõi tình trạng của đàn lợn qua màn hình.

Trước đây, chị Tâm cũng lăn lộn với nhiều nghề, thậm chí đã từng sang Nga rồi lại quay về quê hương làm dịch vụ máy văn phòng. Với quyết tâm làm giàu cho gia đình, xây dựng quê hương giàu đẹp, năm 2010, nhận thấy ở địa phương có một khoảng đất trên 4ha vùng bãi ven sông cấy lúa kém hiệu quả, xa khu dân cư, vợ chồng chị Tâm đã trở về quê nhà, ký hợp đồng đấu thầu với Ủy ban nhân dân xã thực hiện chuyển đổi mô hình canh tác, với quyết định thành lập trang trại chăn nuôi lợn có diện tích gần 12.000 m2.

Từ số vốn ít ỏi tích cóp được và vay mượn thêm của người thân, bạn bè chị cho cải tạo mặt bằng, xây dựng lán trại, lắp các thiết bị hiện đại. Đến năm 2011, gia đình chị Tâm chính thức tổ chức chăn nuôi lợn với quy mô lớn, quy trình khép kín. Nhớ về những ngày đầu khởi nghiệp, chị tâm sự: trở về quê hương xây dựng trang trại lợn với kinh nghiệm và kiến thức lúc bấy giờ bằng không, nhưng với phương châm vừa làm vừa học hỏi, dần dần đã thu được những thành công nhất định.

Chị duy trì nuôi 200 con lợn nái ngoại, vừa để chủ động nguồn giống, vừa hạn chế dịch bệnh. Từ nguồn giống này, chị nuôi tiếp thành lợn thịt để bán, với số lượng duy trì mỗi năm hai lứa, mỗi lứa trên 1.000 con. Các chuồng trại được thiết kế khép kín với hệ thống lọc không khí qua dàn mát, đảm bảo chuồng trại luôn sạch sẽ, khô thoáng và thường xuyên được phun phòng dịch.Để được vào trang trại, xe vận chuyển thức ăn cho lợn phải sát trùng kỹ, rồi cách ly một giờ. Người vào trang trại phải qua phòng xông khử khuẩn, tắm bằng nước sát trùng. Đàn lợn được phòng bệnh bằng vaccine, được giám sát qua hệ thống camera. Toàn bộ quy trình chăn nuôi được áp dụng rất khắt khe. Đàn lợn được phòng bệnh bằng hệ thống an toàn sinh học, luôn được "ăn sạch, ở sạch, uống sạch".

Thuận lợi nhiều mà khó khăn cũng không ít, chị cho biết năm 2019 và 2021 vừa qua, trang trại bị ảnh hưởng nặng nề của dịch tả lợn châu Phi. Nhưng đợt dịch cũng giúp chị trưởng thành hơn, làm tốt hơn nữa công tác phòng bệnh cho đàn lợn, kiểm soát ngặt nghèo hơn các quy trình. Năm 2022, gia đình chị phấn khởi thu về mức doanh thu hơn 2,4 tỷ đồng.   

Cùng với phát triển kinh tế trang trại, gia đình chị Tâm còn giải quyết việc làm cho 30 công nhân và lao động thời vụ người địa phương với mức thu nhập bình quân 7 - 10 triệu đồng/tháng; giúp đỡ 20 hộ dân khó khăn về giống vật nuôi, vốn, quy trình chăn nuôi, kinh nghiệm chăn nuôi; chia sẻ kỹ thuật, con giống, cách phòng, chữa bệnh cho đàn vật nuôi với nhiều gia trại trong tỉnh để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, đảm bảo môi trường trong chăn nuôi; ủng hộ các phong trào của địa phương khoảng 30 triệu đồng/năm...

Với những đóng góp tích cực của mình, năm 2022 chị được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau và giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2017 - 2022. Năm 2023, chị vinh dự là gương mặt đại diện cho tỉnh Thái Bình nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”.


Phương Anh