00:00 Số lượt truy cập: 2668487

Tỷ phú nhờ mô hình đa canh 

Được đăng : 02/11/2020
Anh Phạm Văn Khang(sinh năm 1980), thôn 8, xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông được nhiều biết đến là một tỷ phú ở tuổi 40 với mô hình trồng trọt đa, xen canh. Với sở hữu 60 ha đất nông nghiệp trong tay, nhiều loại cây trồng qua tay anh đều cho thu nhập khủng, nhưng phải nói đến cây khoai lang Nhật Bản, đây là cứu cánh và tạo bước ngoặt lớn trong cuộc đời của anh và gia đình.

khoai-lang11

Anh Khang giới thiệu cây sâm Bố chính được trồng trong vườn nhà 

 
 Năm 2000, khi mà phong trào người dân khắp nơi vào Tây Nguyên làm rẫy, canh tác cà phê và hồ tiêu. Anh cùng gia đình rời quê hương Cao Bằng vào xã Đắk Búk So lập nghiệp. Đến năm 2005, khi lập gia đình và ra ở riêng, vợ chồng anh được bố mẹ cho 1 ha cà phê mới trồng và 1 ha đất trắng. Thời điểm này, cây cà phê còn nhỏ, gia đình anh chưa có thu nhập, thường xuyên phải đối mặt với đói nghèo. Vốn xuất thân từ người miền núi, nhanh chóng thích nghi với cuộc sống nơi đây, vợ chồng anh đi làm thuê, làm mướn khắp nơi để có thu nhập trang trải cuộc sống, có chút vốn để đầu tư vào nương, vào rẫy của gia đình.

Siêng năng, tằn tiện, tiết kiệm, lấy ngắn nuôi dài, khó khăn về vật chất nhưng tinh thần vượt khó, ý chí quyết tâm lúc nào cũng ngùn ngụt trong anh. Không để đồng vốn nhàn rỗi, tích cóp được chút nào vợ chồng anh lại tái đầu tư vào nương vào rẫy, tích trữ mở rộng đất đai canh tác, mua phân bón cho cây cà phê, mua gia súc, gia cầm tăng gia sản xuất. Chính vì vậy mà kinh tế gia đình cũng dần ổn định chỉ sau vài năm.

Khoảng thời điểm những năm 2006 – 2007, Tây Nguyên rộ phong trào trồng khoai lang Nhật Bản, sau nhiều ngày suy nghĩ và tính toán, anh bàn với vợ quyết định đầu tư trồng loại cây này trên diện tích đất gia đình hiện có.

Không biết do ông trời không phụ công, phụ lòng người hay số anh may mắn mà cây khoai lang Nhật Bản rất hợp với thổ nhưỡng nơi đây. Liên tục được mùa, được giá, khoai lang dỡ đến đâu bán hết luôn đến đó, giá luôn ổn định từ 5.000 – 8.000/kg trong nhiều năm, thu nhập có thể nói là rât cao rất cao đối với người nông dân trồng khoai lang Nhật thời điểm đó, anh cho biết.

Có vốn, năm 2012 anh tiếp tục nhanh chóng tích tụ thêm được 45 ha đất nông nghiệp nữa, đồng thời còn thuê thêm hàng chục ha đất của bà con địa phương để tiếp tục trồng khoai lang và mở rộng mô hình canh tác với nhiều loại cây: Sâm Bố chính, chanh leo không hạt, sachi, nghệ thuốc…

Trồng cây gì? Nuôi con gì? Trồng thời điểm nào? .. đấy là những vấn đề quyết định sự thành bại của người nông dân. Thời điểm có quá nhiều người trồng cây khoai lang Nhật bản, giá rớt, người dân lao đao thì anh lại xoay sang các loại cây khác. Giải được bài toán này cho mô hình của gia đình, anh liên tục đi theo đúng nhịp của thị trường, nên khi thị trường nơi đây sốt mặt hàng nông sản gì thì anh có cung cấp sản phẩm đó. Nhưng về lâu về dài, anh vẫn tập trung vào một số cây lâu năm có thế mạnh truyền thống như sầu riêng, cà phê, bơ và hồ tiêu.

 Anh nhận thấy, trồng bất cúa cây gì thì cũng phải dốc hết công chăm sóc, làm chủ được kỹ thuật, ứng dụng công nghệ tiên tiến: cơ giới hóa, tự động hóa… từ đó giảm thiểu công lao động, chi phí vật tư nguyên liệu đầu vào, năng suất mới cao được. Do vậy anh Khang không ngần ngại tham gia các lớp tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật, các lớp giới thiệu về mô hình, về giống do Hội nông dân, Trung tâm khuyến nông các cấp tổ chức tại địa phương. Bản thân anh cũng khăn gói đi thăm quan, học hỏi trực tiếp các mô hình sản suất hiệu quả trong và ngoài tỉnh.

Liên tục trúng mùa, liên tục được giá, hiện nay gia đình anh Khang đã nắm trong tay 60 ha đất nông nghiệp, với đa dạng các loại cây trồng như: khoai lang, bắp cải, cà phê, hồ tiêu, bơ, sầu riêng, mắc ca, sâm bố chính, nghệ bò cạp… Trung bình mỗi năm, trừ hết chi phí sản xuất, sinh hoạt, gia đình anh có nguồn thu nhập hơn 2 tỷ đồng, trở thành hộ gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc. "Những gì tôi có được như ngày hôm nay chưa là gì so với xã hội. Nhưng với một người có quá khứ vất vả như tôi, cuộc sống hiện tại là điều mà trước đây không bao giờ tôi dám nghĩ tới", anh Khang tự hào.

 Là người đạt được nhiều thắng lợi lớn, thành công trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương, anh Khang luôn vận động, giúp đỡ bà con địa phương phát triển kinh tế. Giúp hàng chục hộ bà con kỹ thuật, cây giống, vốn, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho bà con bằng cách thành lập đại lý thu mua nông sản. Sau nhiều năm thành lập, đại lý thu mua nông sản của anh Khang đã xây dựng được mối liên doanh, liên kết, bao tiêu đầu ra cho nông sản địa phương. Tạo công ăn việc làm cho 40-50 lao động tại địa phương;tích cực tham gia các hoạt động xã hội, có tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế. Hiện nay, anh Khang đang giúp đỡ trực tiếp cho 17 lượt hộ thoát nghèo, đặc biệt có hộ vươn lên thành hộ giàu có.

Với những thành tích đã đạt được và những đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, anh Khang và gia đình liên tục được các cấp, các ngành khen tặng và trao những phần thưởng cao quý. Từ năm 2011 cho đến nay, năm nào anh và gia đình cũng được Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh, UBND tỉnh Đắk Nông, Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng bằng khen vì những thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, xây dựng  phong trào nông dân phát triển lớn mạnh… Đặc biệt, trong năm 2018, anh Khang đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen "Có mô hình sản xuất hiệu quả, ổn định, giúp đỡ nhiều hộ nông dân xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm cho người lao động". Và tháng 10 năm 2020 mới đây, anh Khang là một trong 63 nông dân cả nước được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc”

 

Ánh Dương