00:00 Số lượt truy cập: 2637354

“Vua nấm bào ngư” đất Bình Dương 

Được đăng : 16/09/2021
Nhờ làm chủ kỹ thuật lò hấp phôi nấm, trang trại Tấn Hưng ở xã Long Hòa, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương do bà Nguyễn Thị Minh Tấn làm giảm đốc đã sản xuất, cung ứng sản phẩm phôi nấm bào ngư và phôi nấm linh chi với sản lượng và giá cả ổn định, doanh thu bình quân hàng năm chỉ tính riêng từ 2 sản phẩm này khoảng 1,4 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 600 triệu đồng/năm.

 

nam1

 

Xuất phát từ một hộ nông dân nghèo, vốn ít, năm 1998, khi nhiều người chưa biết đến nấm bào ngư thì bà đã mua phôi nấm về thử nghiệm. Được gia đình à bạn bè ủng hộ, bà đã tìm rất nhiều tài liệu để học hỏi. Sau khi trồng thành công, có thu hoạch, bà và các con đưa sản phẩm chào mời khắp các chợ từ Bình Dương đến Bình Phước. Nhờ kiên trì bà đã dần tìm được mối tiêu thụ với số lượng ngày một lớn. Đến năm 2000, nguồn cung ứng meo và phôi nấm bị cắt dừng đột ngột. Tưởng chừng bà phải từ bỏ, bà tìm sự hỗ trợ của các nhà khoa học ở Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh để được giúp đỡ. Sau đó, bà đã làm thành công, trở thành nơi cung ứng phôi nấm lớn nhất Bình Dương và vươn ra các tỉnh thành khác. Bình quân 1 tháng trang trại của bả sản xuất từ 120.000-150.000 phôi nấm các loại.

Đến nay, nguồn giống nấm của Tấn Hưng có mặt khắp thị trường trong và ngoài tỉnh. Bà Tấn cũng tạo việc làm thường xuyên cho hơn 20 người lao động tại trại và 20 hộ gia đình làm nấm ở địa phương có thu nhập ổn định.Trong các sản phẩm thương mại của trang trại có hai loại chủ yếu là phôi nấm bào ngư và nấm linh chi. Với việc làm chủ kỹ thuật “lò hấp phôi nấm”, trang trại Tấn Hưng tập trung sản xuất và cung ứng sản phẩm phôi nấm bào ngư và phôi nấm linh chi. Lợi thế của việc sản xuất phôi nấm không chỉ ở việc làm chủ kỹ thuật “lò” mà còn ở giá thể làm phôi là mùn cưa của cây cao su, nguyên liệu sẵn có tại địa phương.

Bà Tấn chia sẻ, trong quá trình làm giống có 3 khâu quan trọng nhất, đó là nguyên liệu, phối trộn và cấy meo. Trồng nấm yêu cầu kỹ thuật khắt khe nên người trồng phải kiên trì. Bù lại, nghề trồng nấm tốn ít chi phí, hiệu quả cao, chỉ cần chăm sóc đúng kỹ thuật có thể nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. 

Năm 2020, HTX Nông nghiệp Thương mại dịch vụ Long Thọ ở xã Long Hòa ra đời, do chính bà Tấn giám đốc.

Là người phụ nữ có trái tim nhân hậu, bà luôn đóng góp, chia sẻ, tặng quà cho các hộ nghèo, hộ khó khăn, trẻ em mồ côi…; ủng hộ chương trình thắp sáng đường quê; hỗ trợ các cháu hiếu học tại địa phương, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, Quỹ phòng chống Covid-19...

Bà Nguyễn Thị Minh Tấn là tấm gương điển hình về sự nỗ lực, cần cù, năng động, dám nghĩ, dám làm của người nông dân trong thời kỳ đổi mới. Sự thành công từ trang trại nấm của bà đã góp phần khẳng định vị thế của người nông dân làm kinh tế giỏi, cùng chung sức xây dựng nông thôn mới giàu đẹp. Gia đình bà nhiều năm liền được công nhận là hộ NDSXKD giỏi cấp tỉnh, cấp Trung ương. Với những cống hiến trên, trong năm 2018, bà được vinh danh nông dân Việt Nam xuất sắc.

Thùy Dung