00:00 Số lượt truy cập: 2670180

Bệnh ghẻ sẹo trên cây có múi 

Được đăng : 08/11/2023
Cây có múi là một nhóm cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, tuy nhiên khi bị sâu bệnh đặc biệt là bệnh ghẻ sẹo(ghẻ nhám, ghẻ lồi) và bệnh loét gây thiệt hại kinh tế làm mẫu mã quả xấu, giảm giá trị kinh tế. Bài viết sau đây sẽ giúp bà con nhận biết triệu chứng bệnh và phân biệt 2 loại bệnh này từ đó có biện pháp phòng và trị bệnh chủ động trên cây có múi

benhgheseotrencaycomui1

Bệnh sẹo gây hại trên trái làm cho trái xần xù, biến dạng

1 Triệu chứng bệnh

Bệnh ghẻ sẹo gây hại trên tất cả các bộ phận của cây, bệnh thường phát sinh sớm ở các bộ phận còn non: lộc non, lá non, quả non…

Biểu hiện bệnh trên lá: Trên lá non khi bệnh mới phát sinh vết bệnh có dạng chấm nhỏ(mụn nhỏ li ti) màu vàng trong hơi nổi gờ, hầu hết rất ít thấy xuất hiện quầng vàng xung quanh vết bệnh(lúc đầu bệnh chỉ xuất hiện ở một mặt lá thường là ở mặt dưới lá). Khi bệnh phát triển mạnh vết bệnh thường có dạng những khối u(mụn to) nổi lên trên mặt lá, mặt dưới lõm vào. Vết bệnh có thể nằm riêng rẽ hoặc liên kết với nhau thành những khối vết bệnh liên tiếp có diện tích lớn hơn làm cho phiến lá bị biến dạng, co dúm hoặc nhăn nheo, lá nhỏ hẹp, kém phát triển, làm giảm hiệu suất quang hợp của cây. Các vết bệnh sẹo thường ít khi thấy quầng vàng xung quanh vết bệnh.

Biểu hiện bệnh trên cành: vết bệnh thường to hơn trên lá, các vết bệnh cũng có biểu hiện lồi lên nằm rời rạc hoặc liên kết với nhau làm cành khô chết, nhiều trường hợp bệnh còn thúc đẩy quá trình hình thành chồi nách.

Biểu hiện bệnh trên hoa: Bệnh xuất hiện trên bầu hoa, vết bệnh lồi lên có màu xanh nhạt hoặc xanh xám, dạng bất định và làm cho hoa rụng hàng loạt.

Biểu hiện bệnh trên quả: Thường phát sinh mạnh trên quả non, vết bệnh nổi gờ sần sùi hình chop nhọn, màu vàng nâu, sau vết bệnh hóa bần, vết bệnh nằm rải rác hoặc liên kết với nhau thành từng đám. Quả bị bệnh thường phát triển chậm, vỏ dày, méo mó, dị dạng.

2 Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh sẹo còn gọi là bệnh ghẻ (ghẻ nhám, ghẻ lồi) do nấm Elsinoe fawcetti gây nên. Nấm gây bệnh sẹo thuộc lớp nấm túi Ascomycetes.

3 Đặc điểm phát sinh phát triển

Nấm có thể phát triển ở điều kiện nhiệt độ từ 15-28oC. Tuy nhiên nhiệt độ tối thích để nấm phát triển là 20-24oC, tối cao là 28oC(nấm bị kìm hãm phát triển khi nhiệt độ trên 28oC). Nấm tồn tại trong mô ký chủ, gặp điều kiện thích hợp hình thành bào tử phân sinh, lan truyền nhờ gió và nước. Bào tử phân sinh chỉ nảy mầm trong điều kiện có giọt nước hoặc có độ ẩm cao. Vì vậy thường sau các trận mưa bào tử mới lan truyền xâm nhập vào các mô còn non, quả non, lá non khi dài trên 1cm rất dễ nhiễm bệnh.

Nấm gây bệnh bằng cách xâm nhập trực tiếp hoặc qua vết thương hở. Sau khi tràng hoa rụng nấm xâm nhập vào quả non và lộc hạ, lộc thu là thời kỳ bệnh phát triển mạnh nhất trong năm. Đến mùa đông khô lạnh bệnh ít hoặc ngừng hẳn.

Bệnh ghẻ sẹo phát sinh, phát triển mạnh trong điều kiện: có ký chủ mẫn cảm bệnh, các bộ phận trên mặt đất như lá non, quả non chưa đến giai đoạn thuần thục, có đủ độ ẩm và nhiệt độ thích hợp.

Mức độ nhiễm bệnh của cây có liên quan đến tỷ lệ nước trong mô và tuổi của cây(lá non chứa 75% nước rất dễ nhiễm bệnh). Bệnh hại nặng ở chanh, quýt và nhẹ hơn ở cam, bưởi. Ngoài ra khả năng nhiễm bệnh của cây còn phụ thuộc vào điều kiện chăm sóc, điều kiện đất đai, tưới tiêu…cây được chăm sóc tốt, dinh dưỡng cân đối sẽ nâng cao sức đề kháng, cây ít nhiễm bệnh.

4 Biện pháp phòng trừ

+ Cắt tỉa vườn thông thoáng, loại bỏ cánh tăm, cành vượt, cành sâu bệnh.

+ Chủ động quản lý sâu hại đặc biệt là sâu vẽ bùa, sâu đục thân, ruồi đục quả…

+ Tăng cường sức đề kháng cho cây thông qua các kỹ thuật bón phân. Khi bón phân cho cây cần đảm bảo yếu tố cân đối và đẩy đủ đặc biệt là các yếu tố dinh dưỡng vi lượng, ưu tiên bón phân hữu cơ vi sinh, cung cấp dinh dưỡng qua lá theo thời kỳ sinh trưởng phát triển của cây, không để cây thiếu hụt dinh dưỡng đặc biệt là giai đoạn nuôi quả non. Có thể sử dụng chế phẩm sinh học Vườn Sinh Thái phun qua lá theo các thời kỳ: phát triển lộc, trước khi ra hoa, đậu quả và nuôi quả.

+ Chủ động phòng bệnh trên vườn ươm cây con trước khi trồng đại trà.

+ Quản lý bệnh chủ động bằng cách phun chế phẩm AKH SUPER500N (tác dụng phòng bệnh và trị bệnh an toàn mà không gây độc hại đến môi trường, không tiêu diệt thiên địch, không tồn dư các chất độc hại.

Nếu bắt buộc phải sử dụng biện pháp hóa học, bà con có thể lựa chọn một trong các loại thuốc trừ nấm sau: Boocdeaux 1%, Zineb 80WP, Bavistin 50FL, Carbenda 50 SC, Topsin M 70WP, Benomyl 50WP, Plant 50WP,… phun 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 10 ngày.

 

Phương Loan