00:00 Số lượt truy cập: 2670237

Bệnh loét trên cây cam 

Được đăng : 15/09/2023

 

Bệnh loét trên cây cam do vi khuẩn Xanthomonas canpestris pv. Citri gây ra

1. Triệu chứng bệnh

Bệnh gây hại trên tất cả các bộ phận trên mặt đất (các bộ phận còn non) của cây như thân, cành, lá, quả.

Biểu hiện bệnh trên lá: Vết bệnh khi mới phát sinh là những chấm nhỏ sũng nước màu trắng vàng xuất hiện mặt dưới lá(kích thước 1mm). Bệnh loét thường biểu hiện cả mặt trên và mặt dưới lá nhưng không phá vỡ biểu bì của lá. Khi phát triển mạnh vết bệnh lõm xuống và phần mép xung quanh vết bệnh hơi nổi gờ, phía ngoài cùng của vết bệnh có quầng tròn dạng giọt dầu màu vàng hoặc xanh tối. Các vết bệnh thường nối liền nhau, lá mang bệnh không bị biến dạng nhưng dễ rụng (phân biệt với bệnh ghẻ sẹo do nấm: vết bệnh nổi gờ và nhô cao dạng hình chóp ở mặt trên của lá, mặt dưới lõm vào, lá bị biến dạng và xung quanh vết bệnh thường không có quầng vàng dạng giọt dầu).

Biểu hiện bệnh trên quả: Tương tự trên lá, vết bệnh lõm xuống, rắn, xù xì màu nâu, mép ngoài có gờ nổi lên, giữa vết bệnh xuất hiện mô chết rạn nứt, các vết bệnh trên quả có thể nối liền nhau thành từng đám gây chảy gôm nhưng không bao giờ ăn sâu vào thịt quả tuy nhiên bệnh làm cho quả xấu mã và ảnh hưởng đến chất lượng quả nghiêm trọng.

Biểu hiện bệnh trên cành: Vết bệnh sùi lên tương đối rõ ràng, ở giữa vết bệnh không lõm xuống. Các vết bệnh liên kết với nhau quanh thân cành non làm cho phần phía trên bị khô héo, dễ gãy. Bệnh phát triển nặng làm cho cây còi cọc, suy yếu, cành khô và chết.

2.  Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh loét trên cây cam do vi khuẩn Xanthomonas canpestris pv. citri gây ra. Vi khuẩn xâm nhiễm vào cây qua lỗ khí khổng và các vết thương cơ giới, qua những vết đục trên lá non, chồi non của sâu vẽ bùa…

Vi khuẩn gây bệnh có thể phát triển trong khoảng nhiệt độ 5-35oC tuy nhiên nhiệt độ tối thích cho vi khuẩn phát triển từ 20-30oC. Ở nhiệt độ 52-55oC trong 10 phút vi khuẩn bị chết, vi khuẩn có khả năng chịu hạn, chịu lạnh cao. Nguồn bệnh truyền lan chủ yếu nhờ mưa, gió, côn trùng…

3.  Đặc điểm phát sinh phát triển

Bệnh phát sinh, phát triển mạnh trong điều kiện nhiệt độ cao, ẩm độ cao, mưa nhiều. Ở miền Bắc bệnh phát sinh từ giai đoạn lộc xuân(tháng 2-3) và phát triển mạnh đến lộc hạ(tháng 6-8) rồi đến lộc đông(tháng 10-11) bệnh giảm dần và ngừng phát triển. Ở miền Nam bệnh phát triển mạnh vào mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm. Nguồn bệnh tồn tại từ năm này qua năm khác ở trong các bộ phận bị bệnh như lá, thân, cành…

Trong các cây cam thì bưởi nhiễm bệnh loét nặng nhất, rồi đến cam, chanh, các giống quýt có khả năng kháng bệnh cao hơn. Tuổi cây càng non càng dễ nhiễm bệnh nhất là vườn ươm ghép cây. Cây kém chăm sóc, nhiều cành tăm, cành vượt thì diễn biến bệnh càng phức tạp, khó kiểm soát.

Mức độ nhiễm bệnh còn liên quan đến sự phá hại của một số loài sâu hại như: sâu vẽ bùa, rầy chổng cánh,…

4.  Biện pháp phòng trừ

+ Cắt tỉa vườn thông thoáng, tạo tán, tạo hình, loại bỏ cành sâu bệnh, thu dọn và tiêu hủy cành sâu bệnh.

+ Chọn lọc, sử dụng giống sạch bệnh(phòng trừ sâu bệnh trên gốc ghép, chọn mắt ghép khỏe mạnh, không sâu bệnh).

+ Chủ động phòng và trị sâu hại đặc biệt là sâu vẽ bùa(vectơ truyền bệnh loét vi khuẩn).

+ Bón phân cân đối và đầy đủ, tạo cho cây có sức đề kháng chống chịu bệnh, không để cây thiếu hụt dinh dưỡng cục bộ. Bổ sung dinh dưỡng qua lá thông qua việc sử dụng chế phẩm sinh học Vườn Sinh Thái(phun theo các thời kỳ phát triển lộc, trước khi ra hoa, đậu quả và nuôi quả).

+ Phòng và trị bệnh chủ động bằng sản phẩm có tác dụng trị nấm và vi khuẩn nhưng không gây độc hại đến môi trường và thiên địch có lợi.

Nếu bắt buộc phải sử dụng biện pháp hóa học bà con có thế sử dụng một trong các loại thuốc hóa học trị vi khuẩn sau đây: Kasuran 50 WP; New Kasuran 16,6 WP; Kasumin 2L; Starner 20 WP. Phun theo các đợt lộc và nuôi quả non.

Mai Loan