00:00 Số lượt truy cập: 2678936

Cách nuôi dúi ít bệnh, hiệu quả cao 

Được đăng : 20/09/2023
Những năm gần đây, nuôi dúi (chuột nứa) đã và đang là một hướng đi mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Thịt dúi thơm ngon và chứa nhiều chất dinh dưỡng nên rất được ưa chuộng, dúi cũng rất dễ nuôi, chi phí chăn nuôi thấp, ít rủi ro. Để nuôi dúi tốt, ít bệnh hiệu quả cao phải nắm kỹ tập tính, kinh nghiệm, kiến thức chăm sóc cơ bản.

dui

Mỗi lứa Dúi cái có thể sinh ra được 2 đến 4 con Dúi con

Cách chọn giống:

Bà con nên chọn những con giống khỏe mạnh, có ngoại hình đẹp, không có dị tật. Nên chọn những con giống có kích thước tương đồng thuận tiện cho việc chăm sóc. Mua giống tại các địa chỉ uy tín, tránh mua giống cận huyết, cần có giấy chứng nhận kiểm lâm đầy đủ. Với những người nuôi dúi lần đầu tiên thì nên chọn mua dúi nhỏ tại các trại về nuôi như vậy sẽ đảm bảo dúi lớn lên sinh sản tốt vì dúi con rất dễ thích nghi với mọi điều kiện chăn nuôi, giảm được rủi ro.

Cách phân biệt  con đực – cái

Nếu là dúi đực: sẽ có 2 tinh hoàn tương tự như tinh hoàn của chó, không có vú. Nên chọn con dúi đực khỏe mạnh, không bị dị tật, kích thước tương đương hoặc to hơn dúi cái.

Nếu là dúi cái: sẽ có 2 hàng vú ở 2 bên sườn giống của của lợn.

Kỹ thuật làm chuồng chăn nuôi dúi:

Chuồng nuôi phải kiên cố và vững chắc, kiểu nửa sáng nửa tối để hạn chế ánh sáng chiếu trong ngày vì dúi không thích ánh sáng và thường hoạt động nhiều về đêm. Chuồng phải sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát, ở vị trí yên tĩnh, không bị các loài động vật khác gây hại. Nền chuồng láng xi măng thuận tiện cho việc vệ sinh. Nền có độ dốc 1 - 2%, dày từ 8 - 10cm để chúng không đào hang.Ngoài ra, bà con cũng có thể làm hang nhân tạo cho dúi. Vào mùa đông, bà con nên dùng miếng vải hoặc rèm che chuồng để giữ ấm cho dúi.

Thức ăn và khẩu phần ăn của dúi:

Dúi là động vật gặm nhấm, chúng ăn được nhiều loại thức ăn khác nhau, nhưng phần lớn là rễ, củ (măng) của các loại cây họ tre, nứa, trúc, mía, cỏ voi, củ quả của các loại cây ngũ cốc, sắn, khoai chúng cũng ăn một số loại rau xanh như rau muống, rau cần, cây bụi. Đặc biệt, tuyệt đối không được cho dúi ăn các loại cỏ như cỏ voi, cỏ ghi-lê vì các loại cỏ này có hại cho hệ tiêu hóa của dúi. Để đảm bảo nguồn thức ăn sạch, dinh dưỡng, bà con nên tự sản xuất thức ăn tổng hợp ăn dạng viên cho dúi bằng cách việc tận dụng các loại phụ phẩm, ngũ cốc nghiền, men ủ thức ăn chăn nuôi,… chế phẩm men ủ thức ăn trong chăn nuôi được xem là giải pháp hữu hiệu và toàn vẹn nhất, thay thế kháng sinh và chất lượng tăng trọng mà vẫn đảm bảo năng suất và kinh tế.

Nếu quá 12 tiếng mà còn thừa lại thức ăn thì bà con nên bỏ đi vì không đảm bảo, dễ sinh ẩm mốc khiến dúi bị tiêu chảy hoặc bị bệnh...Nếu cho dúi ăn thức ăn nhiều nước như củ quả tươi thì chúng hầu như không phải uống thêm nước hoặc sẽ uống rất ít nước.

Khẩu phần ăn trung bình một ngày

Dúi từ 2-3 tháng tuổi: 50-100g rau củ quả, 5-10g thức ăn hỗn hợp và 5-10g tinh bột như thóc, bắp, đậu các loại.

Dúi từ 3-6 tháng tuổi: 100-250g rau củ quả, 5-15g thức ăn hạt thóc, 10-15g thức ăn tổng hợp, đậu và 3-10g dầu lạc hoặc dầu dừa.

Dúi từ 6-9 tháng tuổi: 250-350g rau củ quả, 15-30g thức ăn tổng hợp, 10-20g khô dầu lạc hoặc khô dầu dừa và 15-30g thức ăn hạt các loại.

Cách chăm sóc:

Đối với chăn nuôi dúi sinh sản

Mỗi năm dúi đẻ khoảng 3 – 4 lứa, mỗi lứa từ 2-5 con. Khi nuôi dúi sinh sản, bà con nên nhốt riêng dúi đực và dúi cái, đồng thời xây chuồng phối rộng để thả dúi đực vào đó để tiến hành phối giống với dúi cái sau này.

 Kiểm tra dúi cái động dục

Bà con có thể quan sát cách đi, nếu thấy con dúi cái có biểu hiện đi vòng quanh chuồng, mũi hít ngửi liên tục, đi phân lung tung, hay ghếch lên thành chuồng hít ngửi nghĩa là dúi cái đã động dục. Ngoài ra có thể quan sát bộ phận sinh dục của dúi cái có màu hơi hồng, đưa tay lên vuốt nhẹ thấy nó hơi lồi ra, có thể ướt nghĩa là con cái có biểu hiện động dục.

Tiến hành ghép đôi

Bà con chọn con đực (nên chọn con đực có kích thước tương đương con cái hoặc chỉ nên to hơn con cái một ít) thả vào chuồng con cái. Nên thả từ từ, trong trường hợp xảy ra cắn nhau thì phải chuyển sang con đực khác.Sau 2 ngày thì bà con tiến hành quan sát con cái, nếu thấy con cái có biểu hiện vú hơi căng, bộ phận sinh dục bắt đầu se lại thì nghĩa là con cái đã được đực. Mỗi con đực có thể giao phối được tối đa là 5 con cái.

Chăm sóc khi mang thai và sinh sản

Sau 2-3 ngày giao phối, bà con đưa dúi cái đến chuồng nuôi dúi sinh sản, để chuẩn bị cho việc sinh sản. Thời gian này bà con phải đảm bảo không gian yên tĩnh, cung cấp đầy đủ thức ăn và dinh dưỡng. Đặc biệt, bà con tăng khẩu phần măng, tre, mía, các loại ngô, khoai, sắn. Cho thêm rơm, hoặc rác mềm vào để dúi cái bện tổ nuôi con. Khoảng một tháng sau khi ghép đôi thành công dúi mẹ sẽ sinh sản. Chúng đẻ tự nhiên, thường không cần đến sự hỗ trợ của con người. Do đó khi chúng đẻ, người nuôi không nên xem, sờ hoặc bắt dúi con. Lúc dọn chuồng phải dọn thật nhẹ nhàng, khéo léo.

Cách chăn nuôi dúi con mới đẻ

Dúi con mới đẻ ra không có lông, mắt vẫn chưa mở. Khoảng 10 ngày thì lông dúi con dài ra và đen. Sau khoảng 10 ngày thì bà con có thể tiếp cận chúng để thuận tiện cho việc chăm sóc. Gần 30 ngày sau khi đẻ thì dúi con mới mở mắt. Dúi con tuy chưa mở mắt nhưng đã biết ăn. Dúi con mò mẫm ăn những thức ăn của dúi mẹ. Sau 20 ngày tuổi, dúi con có thể tập ăn các loại thức ăn cứng như mía, tre. Sau 45 ngày thì tách mẹ để nuôi thương phẩm hoặc tiếp tục nuôi lấy giống.

Cách nuôi dúi thương phẩm

Bà con cần chú ý phải cho dúi ăn đủ thức ăn để tránh khi đói chúng sẽ cắn nhau. Ngoài ra cần bố trí các vật trú ngụ sao cho phù hợp để hạn chế tối đa việc dễ cắn lẫn nhau. Các loại thức ăn cứng cần được bổ sung ngay khi hết nếu không răng dúi dài ra và thiếu nước chết.

Các bệnh thường gặp và cách phòng tránh

Để phòng bệnh trên dúi, chuồng trại nuôi dúi phải đảm bảo khô ráo, sạch sẽ và thoáng mát. Tuy có sức đề kháng mạnh, ít mắc dịch bệnh, tuy nhiên, bà con cũng không nên chủ quan, vì dúi có thể mắc một số bệnh như bệnh về mắt, ngoài da, bệnh đường ruột.

Bệnh về mắt: Nguyên nhân có thể do đàn dúi tranh giành thức ăn, cắn nhau gây sây sát hoặc làm thức ăn rơi vào mắt khiến cho mắt bị viêm kết mạc, giác mạc. Bà con dùng thuốc nhỏ mắt  Chloramphenicol 1% để nhỏ cho dúi bị bệnh, trung bình 2 lần/ ngày cho đến khi khỏi hẳn.

Trường hợp dúi bị bệnh ngoài da, bà con có thể dùng thuốc kháng sinh hoặc để dúi tự liếm vết thương, vết thương sẽ tự khỏi. Hàng tháng nên tiến hành vệ sinh sát trùng, tẩy uế chuồng trại và khu vực xung quanh nơi nuôi dúi.

Trường hợp dúi bị bệnh đường ruột, thường gặp nhất là bị tiêu chảy, nguyên nhân chủ yếu là do bà con không cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho dúi. Ngoài việc bổ sung thêm thức ăn, nước uống có vị đắng, chát như ổi xanh, rễ dừa cà rốt, rễ cau, bà con có thể pha thuốc Sulfatrim, Ganidan vào nước cho chúng uống hoặc bơm trực tiếp vào miệng chúng. Để phòng bệnh tiêu chảy trên dúi, bà con không nên cho dúi ăn các loại thức ăn hôi thối, ẩm mốc, khẩu phần thức ăn cho dúi phải phong phú và đa dạng.

Thùy Dung